Thiếu bình đẳng trong cơ chế phí và lệ phí

(ĐTCK-online) Dự thảo về chính sách phí và lệ phí đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ trên TTCK đã được công bố với nhiều điểm mới, trong đó, một điểm được các CTCK ủng hộ là tính phí với việc hủy và sửa lỗi giao dịch, nhằm nâng cao tính trách nhiệm và chất lượng nhập lệnh của CTCK.

Việc nâng mức phí tại Sở/Trung tâm GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán với mục đích tăng chất lượng cung cấp dịch vụ cũng là điều cần thiết và dễ được chấp nhận. Tuy nhiên, phía các CTCK lại tỏ ra “ấm ức” vì dường như cách tính phí mới trong dự thảo vẫn chưa công bằng giữa các bên, mà cụ thể là mới chỉ có cơ chế tính phí với các đơn vị cung cấp dịch vụ của CTCK, mà chưa có cơ chế giám sát ngược bằng công cụ phí với các đơn vị trực thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).

Theo cách tính phí và lệ phí mới, đối với sửa lỗi giao dịch, mức phí cho một lần là 500.000 đồng. Trong trường hợp không thể sửa lỗi, mức phí cho một lần hủy giao dịch là 1 triệu đồng. Theo ý kiến từ nhiều CTCK, mặc dù rất khó để không mắc lỗi, tức là nguy cơ phải nộp 2 khoản phí trên rất cao, nhưng mức phí đưa ra như dự thảo là có thể chấp nhận được. Điều này cũng tránh trường hợp đôi khi CTCK cố tình... nhầm. Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử giao dịch của TTCK, chúng ta dễ dàng thấy có trường hợp huỷ giao dịch không phải vì lỗi của CTCK, mà gần đây nhất là vụ huỷ giao dịch cổ phiếu TLT. Vụ tính nhầm room của STB, ITA, ABT... do mức vượt giới hạn không đáng kể nên được tạm cho qua, nhưng nếu mức sai sót này dẫn đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vọt lên nhiều thì sao? Rõ ràng, những lỗi giao dịch này xuất phát từ chính các đơn vị thuộc UBCK, nhưng dự thảo mới chỉ đưa ra cách tính phí cho các CTCK khi họ mắc lỗi và Trung tâm Lưu ký được hưởng khoản phí sửa lỗi này. Cách hành xử trên liệu có công bằng?

Việc chuyển Sở GDCK, Trung tâm GDCK Hà Nội, Trung tâm Lưu ký chứng khoán thành đơn vị hành chính sự nghiệp có thu, tiến tới hình thành các DN độc lập, nên việc tăng phí dịch vụ là tất yếu. Tuy nhiên, nhiều đại diện CTCK cho biết, họ rất bức xúc về cách cung cấp dịch vụ của các cơ quan trên mà không dám nói ra. Đơn cử, theo quy chế về lưu ký, thời gian để hoàn thành lưu ký là 1 - 3 ngày (kể từ ngày Trung tâm nhận được hồ sơ hoàn chỉnh), nhưng trên thực tế, việc này thường kéo dài, nhất là trong các trường hợp DN niêm yết lần đầu có số nhà đầu tư lớn. Việc kéo dài thời gian này khiến các CTCK cảm thấy... ngại với chính nhà đầu tư khi để họ phải năm lần bảy lượt đến hỏi kết quả lưu ký.

Mức thu phí thành viên hàng năm của Sở/Trung tâm GDCK lên tới 250% so với quy định cũ, nhưng vẫn được cho là có thể chấp nhận được. Song song với trách nhiệm đóng phí, các thành viên thị trường đòi hỏi chất lượng dịch vụ phải tốt hơn. Hiện tại, chất lượng dịch vụ của Sở/Trung tâm đã tốt chưa? Nhiều khi CTCK bị rơi vào tình trạng khó xử với khách hàng bởi dữ liệu truyền về không tốt, thậm chí bị chậm hoặc trắng bảng điện tử.

Rõ ràng, việc nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp trên TTCK không chỉ từ phía các CTCK mà còn cần thiết cả từ phía các Sở/Trung tâm GDCK, Trung tâm Lưu ký. Nên chăng, cần một cơ chế giám sát hai chiều toàn diện hơn để tạo sự công bằng và nâng cao trách nhiệm của tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ trên TTCK.

Đông Nhi
Đông Nhi

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 4.33 0.34% 230,739 tỷ
HNX 241.54 1.53 0.63% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.37 0.4% 1,197 tỷ