Thiết kế phòng ngủ theo Địa lý Lạc Việt

(ĐTCK) Trong Địa lý phong thủy, phòng ngủ là một trong những vị trí đặc biệt quan trọng. Đối với thiết kế ở các thành phố lớn, thì không gian phòng ngủ được đặc biệt quan tâm, nhưng đa phần ở các vùng làng quê, không gian này lại bị bỏ quên hoặc rất ít quan tâm.
Ảnh: Đức Thanh Ảnh: Đức Thanh

Phòng ngủ là nơi chúng ta sử dụng tới 1/3 cuộc đời và đây chính là hình tượng sức khỏe, cũng như tinh thần của tất cả các thành viên trong gia đình sống trong ngôi nhà. Rất nhiều gia đình ưu tiên phòng khách với một không gian to rộng, nhưng lại thiết kế phòng ngủ chỉ vừa đủ kê giường và thậm trí không có đủ ánh sáng, cũng như dưỡng khí để hít thở.

Chưa nói tới các yếu tố về phong thủy, thì phòng ngủ trước hết phải có đủ lượng thể tích dưỡng khí trong suốt thời gian ngủ và phải không khí được lưu thông.

Đối với phòng ngủ, có rất nhiều người chỉ quan tâm tới phong thủy hướng giường tốt xấu, nhưng đối với Địa lý Lạc Việt, thì hướng giường tốt xấu lại chỉ là một yếu tố. Theo các nghiên cứu khoa học, cơ thể chúng ta khi ngủ sẽ hấp thụ vô thức và dễ dàng các trường khí tốt hoặc xấu.

Đặc biệt là các trường địa khí xấu sẽ xâm nhập vào cơ thể và được cơ thể hấp thụ trường khí này nhiều nhất, bởi khi ngủ, cơ thể hoạt động ở tần số rất thấp.

Vì thế, trường địa khí trong cả ngôi nhà phải tốt luôn là yếu tố tiên quyết, vì cho dù hướng giường có tốt, thì cũng không thể chi phối được sự tốt xấu của trường địa khí.

Trong Địa lý Lạc Việt, vị trí phòng ngủ chính hay còn gọi là phòng Master luôn phải được thiết kế ở khu vực vượng khí, vượng hướng. Đây là phòng chính của căn nhà và cũng là nơi đại diện cho toàn bộ ngôi nhà. Nếu phòng chính yếu thế hơn phòng khách, tức là hình tượng khách lấn chủ, một hình tượng xấu trong Dương Trạch.

Yếu tố này đối với các căn hộ chung cư sẽ là một yếu tố khó để đảm bảo đạt được các yếu tố vượng hướng, nhưng yếu tố vượng khí là hoàn toàn có thể đảm bảo. Bên cạnh việc đủ dưỡng khí, thì KHÍ theo Địa lý Lạc Việt phải được luân chuyển theo chiều Sinh-Vượng-Mộ. Giường ngủ được đặt đúng tại vị trí vượng khí và khí được thoát ra tại vị trí Mộ khí.

Khi đạt được đúng tiêu chuẩn vượng khí theo Địa lý Lạc Việt, thì chắc chắn bạn đã có một môi trường đủ tiêu chuẩn cho giấc ngủ tốt. Các trường hợp phòng ngủ bị thoát khí sẽ làm cho chúng ta mất ngủ, luôn thèm ngủ hoặc luôn cảm thấy mệt mỏi, vì ngủ không đủ giấc. Phòng ngủ bế khí lại gây ra sự ức chế, hay ngủ mơ ác mộng, không muốn đi ngủ hoặc thích ngủ ở phòng khác.

Khi chúng ta đã có một môi trường đủ tiêu chuẩn, lúc này mới xét tới hướng tốt. Giường ngủ phải được đặt ở vị trí vượng khí, rồi mới tới hướng tốt. Trường hợp không có hướng tốt, thì vẫn phải đặt ở vị trí vượng khí. Luôn ưu tiên hướng giường ngủ Bắc-Năm hoặc Tây Bắc-Đông Nam. Vị trí vượng khí là điểm nối góc phòng với cửa vào phòng, của một trong hai đường chéo của bốn góc phòng ngủ.

Các yếu tốt cần lưu ý thêm :

- Giường ngủ không đặt trên bếp nấu, tính theo trục thẳng đứng

- Giường ngủ không đặt phía dưới nhà vệ sinh.

- Đầu giường luôn đặt sát tường.

- Không đặt các thiết bị phát sóng, phát từ trường trong phòng ngủ hoặc đầu giường.

- Không đặt quạt trần phía trên giường ngủ.

- Không để ánh nắng chiếu trực tiếp lên giường ngủ.

- Không để xà trên trần nhà đè ngang phía trên giường.

- Không để gương chiếu vào giường.

- Không để nhiều đồ tạp nham trong phòng ngủ.

- Không đặt cây treo quần áo gần giường ngủ

+ Nên sử dụng hoa tươi trong phòng.

+ Không có giá kệ hay bất cứ vật dụng gì trên đầu giường.

+ Phòng ngủ luôn sạch sẽ và gọn gàng.

Trên đây là các yếu tố cơ bản để thiết kế một không gian phòng ngủ, để chúng ta có thể có một không gian sống tốt cho 1/3 thời gian cuộc đời. Một phòng ngủ tốt là khi bạn có một giấc ngủ tốt, trọn vẹn và luôn khỏe mạnh mỗi sáng thức dậy.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Nhà phong thủy Hoàng Triệu Hải, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục