Hôm qua (21/4), tại Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã trao gói thầu A1 cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế kỹ thuật chi tiết đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn cho liên danh tư vấn Katahira & Engineers International liên kết với Sambo Engineering và E&R Engineering Consultant.
Hợp đồng có giá trị khoảng 7,548 triệu USD và 29,58 tỷ đồng do Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB tài trợ này sẽ được liên danh tư vấn thực hiện trong vòng 18 tháng.
“Tôi đề nghị liên danh tư vấn cần sớm triển khai ngay công tác huy động nhân sự, văn phòng làm việc để công việc đạt chất lượng cao nhất, đúng tiến độ, đảm bảo tiến trình của Dự án”, Tổng giám đốc VEC, ông Mai Tuấn Anh yêu cầu.
Với việc tìm được nhà thầu tư vấn, Dự án đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn sẽ bám sát mục tiêu khởi công công trình vào năm 2016.
Dự án đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, đoạn Hữu Nghị Quan – Chi Lăng do VEC làm chủ đầu tư có điểm đầu tại Km1+800 thuộc địa phận thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc và kết thúc tại Km45 +100 thuộc địa phận xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn với chiều dài tuyến là 43,3 km.
Trong giai đoạn I của Dự án, tuyến sẽ được xây dựng theo quy mô đường cao tốc nền đường 4 làn xe, mặt đường 16 m, tốc độ khai thác 80 km/h với tổng mức đầu tư là 10.671 tỷ đồng, tương đương 508,1 triệu USD.
Ngoài phần vốn ngân sách nhà nước, vốn do VEC tự huy động, Dự án sẽ vay khoảng 474 triệu USD từ ADB để triển khai các gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát, quản lý dự án…
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Dự án đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn là một trong những công trình trọng điểm nằm trong Chương trình kết nối ASEAN với Trung Quốc. Trong chương trình phát triển hệ thống giao thông Việt Nam, ADB đã rất quan tâm tài trợ đầu tư cho 2 tuyến cao tốc phía Bắc (Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Lạng Sơn). Cùng với các dự án đường cao tốc đã và đang được Bộ GTVT triển khai, cụm công trình này sẽ giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 2.500km đường cao tốc.
Riêng đối với phân đoạn Hữu Nghị Quan – Chi Lăng, khi được đưa vào khai thác tuyến sẽ góp phần giải quyết nhu cầu giao thông đường bộ cho các tỉnh phía Bắc; tạo đà cho quá trình phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Đông Bắc Bộ và đáp ứng yêu cầu vận tải, du lịch, giao thương tới năm 2020 giữa Trung Quốc và Việt Nam thông qua cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn.