Thiệt, hơn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp?

(ĐTCK-online) Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thuế chỉ xếp thứ 4 trong trong 5 yếu tố cơ bản để thu hút đầu tư (đứng sau cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính và chất lượng lao động), chính vì vậy việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ 28% xuống 25% khiến không ít thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn. “Nếu giảm thuế, mỗi năm ngân sách giảm thu ít nhất 5.000 tỷ đồng, liệu chúng ta có nên “đánh đổi” hay thực hiện các giải pháp khác để thu hút đầu tư?”, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, ông Trần Thế Vượng đặt câu hỏi.
Giảm thuế TNDN sẽ nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Giảm thuế TNDN sẽ nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư

“Theo dự tính, thực hiện thuế thu nhập cá nhân, trong 2-3 năm đầu, mỗi năm ngân sách giảm thu khoảng 2.000 tỷ đồng; thuế TNDN giảm 5.000 tỷ đồng (chưa kể giảm thu do cho phép DN trích quỹ phát triển khoa học - công nghệ), thuế giá trị gia tăng khó có khả năng tăng thu, còn thuế tiêu thụ đặc biệt (sẽ thông qua Quốc hội tại kỳ họp thứ 4) chắc chắn sẽ giảm thu, không biết ngân sách sẽ cân đối ra sao”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên băn khoăn, mặc dù đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, thuế TNDN liên tục được điều chỉnh giảm, nhưng số thu ngân sách vẫn tăng bình quân 17%/năm do số lượng DN tăng lên. “Lập luận giảm thuế DN tăng đầu tư, thúc đẩy việc thành lập thêm DN mới sẽ làm tăng thu ngân sách chỉ là định tính, cần phải tính toán sự tác động của các sắc thuế sắp ban hành tới tổng số thu ngân sách trong ngắn hạn và trung hạn mới thuyết phục được Quốc hội thông qua mức thuế suất thuế TNDN”, ông Kiên đề nghị.

Điều đáng nói là trong lúc các nhà làm luật Việt Nam đang cân nhắc để đưa ra mức thuế suất thuế TNDN hợp lý và không làm giảm nguồn thu ngân sách thì nhận được thông tin, Hàn Quốc vừa hạ thuế TNDN cao nhất từ 25% xuống 20% (Hàn Quốc có 2 mức thuế TNDN là 13% và 20%). Còn trước đó, Singapore đã hạ thuế TNDN từ 20% xuống 19% và Trung Quốc đã hạ thuế TNDN từ 33% xuống 25% (thuế TNDN của Trung Quốc cũng có hiệu lực từ ngày 1/1/2009). “Có thể nói, mọi yếu tố thu hút đầu tư của Trung Quốc đều hơn Việt Nam (trừ thuế TNDN), bây giờ Trung Quốc hạ thuế xuống bằng mức thuế mà chúng ta dự kiến thì phải cân nhắc lại mức thuế 25%, bởi chúng ta phải cạnh tranh trực diện với Trung Quốc trong thu hút đầu tư nước ngoài cũng như cạnh tranh trên thị trường hàng hóa”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển, TS. Nguyễn Quang A nêu quan điểm và cho rằng, nếu giảm thuế mạnh khiến ngân sách giảm thu thì mức thuế hợp lý nên để ở 20% hoặc 22%.

Đề xuất của TS. Nguyễn Quang A được khá nhiều DN đồng tình bởi trên thực tế, nếu cộng cả chi phí ngoài thuế thì DN Việt Nam phải nộp 35 - 40% lợi nhuận, chứ không chỉ có 25%. Còn ở yếu tố vĩ mô, trong số 83 nền kinh tế được Bộ Tài chính khảo sát thì thuế suất 25% của Việt Nam cao hơn thuế suất của 25 nền kinh tế, bằng với 9 nền kinh tế khác và nếu cộng cả những nền kinh tế thực hiện thuế suất lũy tiến thì mức thuế 25% của Việt Nam cao hơn mức thuế phổ thông của 30 nền kinh tế. Cũng theo khảo sát này, mức thuế suất trung bình của các nước trên thế giới hiện vào khoảng 27%. Như vậy, so với các nước trên thế giới thì mức thuế 25% của Việt Nam không hấp dẫn hơn, trong khi cả 2 trong 5 yếu tố quan trọng thu hút đầu tư nước ngoài là cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực được Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho là những thách thức trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi Việt Nam giảm dần ưu đãi thuế TNDN: chỉ ưu đãi đối với DN mới thành lập hoạt động tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu công nghệ cao; DN mới thành lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao, văn hóa… (áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm) và DN mới thành lập hoạt động tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu công nghiệp do Chính phủ thành lập (áp dụng thuế suất 20% trong thời gian 10 năm) thì các nước trong khu vực, mặc dù có thuế suất phổ thông cao hơn nhưng lại có nhiều chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế. Đơn cử, Indonesia (thuế suất 30%) nhưng thực hiện miễn thuế đối với DN mới thành lập thuộc một số ngành, ưu đãi thuế đối với vùng khó khăn, cho phép giảm tối đa 5% giá trị tài sản thực tế đã đầu tư trong 6 năm. Tương tự như vậy, Malaysia và Thái Lan, những nước có điều kiện đầu tư tốt hơn Việt Nam cũng đều thực hiện nhiều chính sách ưu đãi thuế TNDN. Còn Trung Quốc, mặc dù thu hẹp đối tượng được ưu đãi thuế nhưng chỉ áp thuế 20% đối với DN nhỏ và vừa; áp thuế 15% đối với DN sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới và mở rộng ưu đãi đối với DN đầu tư mạo hiểm, dự án đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nước sạch, năng lượng…

Hiện cơ quan thẩm định Dự án Luật thuế TNDN nhận được 3 luồng ý kiến khác nhau về thuế suất: giữ nguyên mức thuế suất 28%, đồng ý với thuế suất 25% và đề nghị giảm xuống 20 - 22%. “Tuyệt đại đa số DN đề nghị giảm thuế suất thuế TNDN xuống 20% hoặc tối đa là 22% nhằm nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, động viên DN sản xuất - kinh doanh, khuyến khích cá nhân và hộ gia đình đang kinh doanh và nộp thuế thu nhập cá nhân chuyển sang thành lập DN. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ là tăng số lượng DN từ 300.000 hiện nay lên 500.000 vào năm 2010 và 5 triệu DN vào năm 2020”, chủ tịch một câu lạc bộ DN trẻ nêu quan điểm.

Mạnh Bôn
Mạnh Bôn

Tin cùng chuyên mục