75 năm trước, khi câu hỏi mộc mạc, chân tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” - cất lên vào thời khắc thiêng liêng khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, muôn triệu trái tim Việt cùng dạ ran, hô “có”, như đồng lòng đáp tiếng gọi non sông. Bằng sự đồng lòng đó, 75 năm qua, hàng chục triệu người dân Việt đã sát cánh bên nhau, cùng xây dựng “non sông nghìn thuở vững âu vàng”…
Bác Hồ gặp các cháu thiếu nhi dũng sỹ miền Nam tại Phủ Chủ tịch, năm 1968. Ảnh: TTXVN |
Tình NON SÔNG
75 năm đã qua kể từ thời khắc thiêng liêng trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, khi đang đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại bất ngờ dừng lại và hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”.
Một chi tiết, một câu nói không nằm trong bản Tuyên ngôn Độc lập, giản dị và mộc mạc, nhưng lại như một lời hiệu triệu của non sông, vừa gần gũi, nhân văn, lại rất đơn sơ mà ấm bao lòng…, khiến muôn triệu trái tim Việt cùng dạ ran, hô “có”, “như Trường Sơn say gió biển Đông”.
“Vâng, Bác nói, chúng con nghe rõ
Mỗi tiếng Người mang nặng núi sông” (thơ Tố Hữu).
Vâng, Bác nói, chúng con nghe rõ. Nghe rõ ngay từ những ngày giữa tháng Tám năm 1945, khi Người gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên Tổng khởi nghĩa. Trong bức thư ấy, Người kêu gọi, giục giã: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Người cũng tha thiết: “Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.
Khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, vị cha già của Dân tộc cũng bắt đầu bằng lời gọi chân tình: “Hỡi đồng bào cả nước”. Khi viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Người cũng “Hỡi đồng bào toàn quốc”. Lúc chuẩn bị đi gặp các cụ Các-Mác, Lê-nin, Người lại một lần nữa nhắc đến “đồng bào” của mình. Người viết, khi cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta thắng lợi hoàn toàn, đó là một điều chắc chắn, thì Người sẽ đi khắp hai miền Nam - Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng…
Hai tiếng “đồng bào” đó cất lên, vừa gần gũi, ấm áp, vừa trân trọng, thiêng liêng. Như tình yêu vô bờ và vĩ đại Người dành cho Tổ quốc, cho mỗi người dân con Hồng cháu Lạc. Tình đồng bào chính là tình NON SÔNG. Lời của Người chính là tiếng gọi của non sông.
Thế nên, khi Người tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”, triệu triệu người dân Việt hiểu rằng, “các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Thế nên, trong kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, người dân đất Việt, dù miền ngược hay miền xuôi, dù nam, phụ hay lão, ấu, đều đồng lòng, đồng sức, không tiếc máu xương, chi viện sức người, sức của…, để làm nên một chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu năm 1954, một Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đưa nước Việt kiên cường vượt qua hai cuộc kháng chiến, giang sơn liền một dải, gấm vóc thu về một mối.
Thế nên, sau này, dù Người đã đi xa, nhưng nhớ lời Người, đồng bào, chiến sĩ cả nước đã sát cánh bên nhau, cùng xây dựng “non sông nghìn thuở vững âu vàng”, đưa Việt Nam không chỉ “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, mà còn tiếp bước trên con đường độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu, như mong ước khôn nguôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Nghĩa ĐỒNG BÀO
Hai chữ đồng bào, thật kỳ diệu, như riêng khác, như đặc sắc chỉ riêng mình Việt Nam có. Khắp Tây sang Đông, từ Nam chí Bắc, chỉ người Việt mới có truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, đẻ ra bọc trăm trứng, 50 người con xuống biển, 50 người con lên núi, dù sống mỗi nơi mỗi khác, nhưng đều là con một nhà, chung cha Rồng, chung mẹ Tiên, chung Quốc tổ, Quốc giỗ, chung Bác Hồ, chung cả “Đảng ta”. Nghĩa ĐỒNG BÀO (cùng một bọc), vì thế thiêng liêng và sâu nặng vô cùng.
Những tưởng kinh tế thị trường đã cuốn phăng nghĩa tình, chỉ còn tồn tại những ích kỷ, bon chen, tư lợi, thì nghĩa đồng bào vẫn sâu nặng và thiêng liêng vô cùng…
Suốt những năm tháng chiến tranh, nghĩa đồng bào đã luôn rực rỡ, khi “bao bà cụ từ tâm làm mẹ” (thơ Tố Hữu) thương yêu, che chở cho bộ đội ta đánh giặc. Bao nhà tư sản hiến nhà, hiến tài sản cho cách mạng, tấm lòng son đỏ rực tình yêu thương.
Khi chiến tranh đã lùi xa, nhất là vào những giai đoạn khó khăn nhất, nghĩa đồng bào càng thêm bền chặt. Bởi từ những em nhỏ đều biết, trong 5 điều Bác Hồ dạy, “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” là điều đầu tiên phải nhớ. Biết thế nào là “lá lành đùm lá rách”, biết “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”. Biết lúc hoạn nạn, khi khốn khó, sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo cho đồng bào, cho người dân nước Việt mình.
Kể cả bây giờ, những tưởng kinh tế thị trường đã cuốn phăng nghĩa tình, chỉ còn tồn tại những ích kỷ, bon chen, tư lợi, thì nghĩa đồng bào vẫn sâu nặng và thiêng liêng vô cùng.
Khi đại dịch Covid-19 tràn đến, đã thấy những cây ATM gạo chỉ trong một thời gian ngắn được phát triển ở nhiều địa phương trong cả nước. Thấy những gian hàng đầy ân tình “nếu bạn cần hãy cứ lấy một phần”, thấy những quỹ “mỗi ngày một quả trứng”, thấy gạo và thực phẩm được hỗ trợ gửi đến từng nhà dân trong mỗi khu phong tỏa… Thấy những đồng tiền nghĩa tình được quyên góp để cùng chung sức chống lại Covid-19. Thấy tình người sao ấm áp thế giữa đại dịch đầy âu lo.
Khi đại dịch đến, đặc biệt khi tái bùng phát ở Đà Nẵng, rồi lan rộng ra một số địa phương trong cả nước, “đồng bào” Việt lại sát cánh bên nhau. Các y, bác sĩ xung phong vào điểm nóng chống dịch, chấp nhận xa gia đình, người thân, chấp nhận rủi ro cả tính mạng, xương máu. Bởi đồng bào Quảng Nam, Đà Nẵng an toàn là cả nước an toàn.
Khi đại dịch đến, các phi công, tiếp viên hàng không sẵn sàng đi vào tận tâm dịch ở Vũ Hán, để đưa bằng được người Việt Nam còn kẹt ở bên đó trở về. Sau này, còn nhiều, rất nhiều chuyến bay được thực hiện và vẫn đang được thực hiện, để đưa người Việt Nam về với Tổ quốc yêu thương. Nhưng sẽ chẳng ai quên được cái ngày, máy bay của Vietnam Airlines lần đầu tiên bay một chặng bay rất dài, từ California (Mỹ) đưa những công dân Việt hạ cánh an toàn xuống Vân Đồn (Quảng Ninh). Hay chuyến bay thắm nghĩa tình đồng bào chở 219 công dân Việt từ Guinea Xích Đạo trở về nước. Mà lúc ấy, 129 người trong số đó được xác định dương tính với Covid-19…
Rủi ro luôn trực chờ… Nhưng vì nghĩa đồng bào, biết bao người đã sẵn sàng chịu gian khó. Cũng vì nghĩa đồng bào, ngay từ khi Covid-19 bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực trong phòng chống dịch bệnh. Mọi công dân Việt Nam, kể cả từ nước ngoài về, thậm chí là cả người nước ngoài đến Việt Nam cũng đều được tận tình chăm sóc, cứu chữa, thực hiện các biện pháp cách ly y tế..., điều mà không có bất cứ nước nào trên thế giới làm được.
Tổ quốc ta luôn dang rộng vòng tay che chở những đứa con xa xứ tìm về nguồn cội. Đến nỗi, cũng có lời ra tiếng vào, vì ngân sách Việt còn hạn hẹp, đâu thể mãi chi ngân khoản lớn để chữa bệnh cho “người ngoài”. Nhưng Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch của Việt Nam đã nói: “Người Việt Nam ở nước ngoài trường hợp thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức, thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào”.
“Đấy là nghĩa đồng bào”. Rưng rưng lòng khi nghe câu nói ấy. Thế mới biết, hai tiếng “Tổ quốc”, hai chữ “đồng bào” thiêng liêng, sâu nặng thế nào trong đại dịch. Đấy là nguồn sức mạnh vô bờ để Việt Nam đã và sẽ tiếp tục chiến thắng trong đại dịch. Không có nghĩa đồng bào, Việt Nam đâu thể làm được điều kỳ diệu đó! Chỉ có nghĩa đồng bào mới giúp Việt Nam đang viết nên câu chuyện đặc biệt của riêng mình!
Và sức mạnh VIỆT NAM
Chủ tịch Hồ Chí Minh có lẽ là người Việt Nam hay nhắc đến hai tiếng “đồng bào” nhất, trong các bài viết, bài nói của mình. Giữa thời khắc đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, người còn dừng lại cất tiếng hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Chỉ một câu hỏi đó mà chất chứa bao ân tình. Cả tình yêu, sự trân trọng với đồng bào.
Với Người, trên đời này không có gì quý bằng nhân dân, không có gì to lớn, mạnh mẽ bằng nhân dân, không có gì thay thế được nhân dân. Chính vì vậy, suốt cuộc đời mình, Bác luôn lấy mục tiêu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm lẽ sống. Người còn nói rằng: “Chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc ấm no, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Thấm nhuần lời dạy của Người, 75 năm qua, kể từ khi nước Việt Nam giành Độc lập, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng xây dựng đất nước, to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Sau gần 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và đang hướng đến một nước Việt Nam thịnh vượng vào năm 2045, tức là vào thời điểm 100 năm thành lập nước, 100 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập để khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Để thực hiện mục tiêu đó, một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm tới (2021 - 2030) đang được xây dựng, mà theo đó, lần đầu tiên, hai đột phá chiến lược mới, bao gồm đổi mới sáng tạo và văn hóa, con người được bổ sung, bên cạnh ba đột phá chiến lược của thời kỳ trước, là thể chế, hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực.
Chiến lược mới sẽ đặt trọng tâm vào con người. Không chỉ là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, mà quan trọng hơn, là phải lấy ấm no, hạnh phúc của người dân làm gốc.
Thế nên, đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói, làm một con đường, cũng phải trước tiên nghĩ đến người dân. Xây một trường học, nghĩ đến người dân trước tiên. Mở một bệnh viện, cũng thế, phải làm sao để người dân được hưởng lợi nhiều nhất... Khi mọi người dân Việt đều ấm no, hạnh phúc, sợ gì nước Việt không lớn mạnh, phồn vinh!
Con đường ấy hẳn chẳng hề dễ dàng. Vẫn còn nhiều khó khăn, chông gai ở phía trước. Nhưng nếu mỗi người dân Việt, dù làm gì, ở đâu, khi nghĩ về đất nước mình, người dân mình, đều nhớ rằng, chúng ta là “đồng bào”, để hành động vì nghĩa đồng bào sâu nặng, vì tình yêu Tổ quốc thiêng liêng, thì chúng ta sẽ có một VIỆT NAM mạnh mẽ và phồn vinh. Đó là điều chắc chắn!