
Thưa ông, câu chuyện của Thiên Long có thể bắt đầu như thế nào?
Theo tôi, câu chuyện phát triển của Thiên Long bắt đầu từ sự cần cù, ý chí vượt khó và định hướng phát triển rõ ràng. Khi thành lập cách đây gần 30 năm, Thiên Long chỉ là một cơ sở sản xuất bút bi nhỏ với vài công nhân, máy móc thiết bị sản xuất thô sơ. Nhưng với ý chí vượt khó của anh Cô Gia Thọ, người sáng lập, Cơ sở bút bi Thiên Long từng bước vượt qua khó khăn của ngày đầu thành lập, dần tích lũy vốn và lớn mạnh như ngày hôm nay. Hiện tại, Thiên Long có thể tự hào là DN hàng đầu trong lĩnh vực bút viết và văn phòng phẩm ở Việt Nam.
Vậy đâu là những cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Thiên Long?
Sự phát triển, trưởng thành của một cá nhân hay một tổ chức thường có những thời điểm quan trọng mà chúng ta còn gọi là những thời điểm lịch sử hay cột mốc. Đối với Thiên Long, trong 15 năm trở lại đây có nhiều cột mốc quan trọng. Đầu tiên là vào năm 1996, khi Cơ sở Bút bi Thiên Long chuyển thành Công ty TNHH SX-TM Thiên Long, bắt đầu khẳng định vị trí và tên tuổi. Tiếp theo là năm 1999, khi Thiên Long đầu tư xây dựng nhà xưởng rộng 1,6 héc-ta tại Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. HCM để hiện đại hóa dây chuyền sản xuất và đa dạng hóa các dòng sản phẩm. Việc đầu tư nhà xưởng khẳng định sự lớn mạnh về nguồn lực tài chính, tham vọng chiếm lĩnh thị trường và cam kết phát triển lâu dài.
Cột mốc quan trọng tiếp theo là vào tháng 3/2005, Công ty chuyển đổi hình thức từ TNHH sang CTCP, tạo tiền đề để tiến hành IPO. Tháng 2/2008, chúng tôi thực hiện IPO thành công 3,5 triệu cổ phiếu ra công chúng và chính thức trở thành công ty đại chúng. Với tư cách là công ty đại chúng và sắp tới sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn tập trung, Công ty cần phải có chiến lược phát triển rõ ràng, minh bạch tình hình tài chính, sử dụng đồng vốn của cổ đông sao cho có hiệu quả cao nhất. Và từ đó, Thiên Long sẽ có thêm nhiều cơ hội để gia tăng năng lực tài chính, nhắm đến mục tiêu trở thành tập đoàn kinh tế mạnh và hướng đến phát triển bền vững.
Ngoài ra, còn có các cột mốc quan trọng khác như việc thành lập công ty con Thiên Long Long Thành với vốn đầu tư 150 tỷ đồng, nhằm xây dựng Nhà máy Thiên Long Long Thành chuyên sản xuất file bìa, hồ sơ văn phòng rộng 3 héc-ta tại Khu công nghiệp Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Đây là một trong các bước quan trọng để chúng tôi đa dạng hóa các sản phẩm, thực hiện chiến lược trở thành tập đoàn văn phòng phẩm hàng đầu tại Việt Nam.
Cũng với chủ trương tách bạch hoạt động sản xuất và hoạt động thương mại, chúng tôi thành lập Thiên Long Hoàn Cầu (Tập đoàn Thiên Long sở hữu 100% vốn) vào tháng 12/2007, tập trung vào hoạt động thương mại truyền thống (phân phối hàng do các công ty thành viên trong Tập đoàn sản xuất). Và để chuẩn bị cho hoạt động thương mại hiện đại (modern trade), chúng tôi đã thành lập Công ty Tân Lực (Tập đoàn Thiên Long sở hữu 100% vốn) và tiến xa hơn nữa là góp phần hiện đại hóa thương mại lĩnh vực văn phòng phẩm ở Việt Nam trong tương lai.
Theo đánh giá của ông, đâu là sức mạnh thực sự của thương hiệu Thiên Long?
Anh có biết Thiên Long không? Thiên Long nào? Có phải bút bi Thiên Long không? Bạn thấy đó, nói đến Thiên Long, hầu như ai cũng nghĩ đến bút bi Thiên Long. Nói đến bút bi Thiên Long, hầu như ai cũng biết. Theo một nghiên cứu mà chúng tôi đặt hàng Nielsen thực hiện năm 2009, khoảng hơn 90% đối tượng được hỏi (cả người lớn và trẻ em) đều trả lời là biết bút bi Thiên Long. Hiếm có thương hiệu nào có độ nhận biết cao như vậy. Đây là điểm mạnh của thương hiệu Thiên Long và cũng là lợi thế của Tập đoàn Thiên Long trong lĩnh vực bút viết văn phòng phẩm. Và cũng có thể nói rằng, đây là cơ sở quan trọng để định ra giá trị của thương hiệu Thiên Long sau này.
Ngoài dòng sản phẩm bút viết, Tập đoàn Thiên Long còn đang cung cấp cho thị trường ba dòng sản phẩm khác là văn phòng phẩm, học cụ và sản phẩm mỹ thuật dành cho học sinh. Đặc biệt, bút bi hay bút viết Thiên Long đã đi vào lòng người và là sản phẩm làm nên tên tuổi Tập đoàn Thiên Long.
Thương hiệu Thiên Long có giá trị thế nào trên thị trường hiện nay?
Hiện tại, thương hiệu Thiên Long đã được định vị rất chắc chắn như đã nói ở trên. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thực hiện định giá xem thương hiệu Thiên Long có giá bao nhiêu, nhưng tôi nghĩ là rất lớn vì Thiên Long là thương hiệu số 1 trong lĩnh vực bút viết và văn phòng phẩm tại Việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi luôn nằm trong top 10 thương hiệu mạnh của Việt Nam trong nhiều năm liền do nhiều tổ chức có uy tín trong nước thực hiện (Báo Sài gòn Tiếp thị, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam…).
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển của Thiên Long?
Với một đất nước có dân số đông và nền kinh tế đang phát triển với tốc độ cao như Việt Nam, tiềm năng phát triển ở mọi lĩnh vực đều rất lớn. Nói đến bút viết, văn phòng phẩm, thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển, với mức tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 12%. Ngành văn phòng phẩm dù ít có khả năng tăng trưởng lợi nhuận đột biến, nhưng lại có ưu thế về sự tăng trưởng ổn định. Riêng bản thân Thiên Long, với ưu thế về thương hiệu và chất lượng sản phẩm, vẫn đang duy trì mục tiêu tăng trưởng hàng năm từ 20 - 30%, nghĩa là chỉ khoảng 3 - 4 năm thì giá trị của Tập đoàn có thể tăng lên gấp đôi.
Ngoài ra, cũng phải kể đến việc tốc độ tăng trưởng doanh thu xuất khẩu của Thiên Long là rất cao. Mức tăng trưởng xuất khẩu trong 2 năm 2007 - 2008 đều vào khoảng 80%, và cũng vẫn đạt khoảng 37% trong năm 2009 - thời điểm xuất khẩu chịu ảnh hưởng lớn của khủng hoảng kinh tế thế giới. Sắp tới, Thiên Long cũng sẽ tiến hành một đề án kinh doanh quốc tế, nhằm mở rộng thị trường và nâng giá trị xuất khẩu.
Giới đầu tư rất quan tâm đến định hướng trong thời gian tới của Thiên Long, do có liên quan trực tiếp đến tiềm năng sinh lợi của cổ phiếu. Ông có thể cho biết một số điểm quan trọng trong chiến lược này, cũng như một số kế hoạch tài chính đi kèm?
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Thiên Long trong thời gian tới sẽ là nâng năng lực sản xuất lên gấp đôi so với hiện tại. Hiện sản lượng của Thiên Long là khoảng 45 triệu đơn vị sản phẩm một tháng. Theo kế hoạch, đến năm 2012, mức này sẽ được nâng lên 70 triệu và đến năm 2014 sẽ là 80 triệu. Để phục vụ cho mục tiêu năng suất này, Thiên Long đang tiến hành xây dựng mở rộng nhà máy hiện hữu và đầu tư thêm máy móc thiết bị để tự động hóa quá trình sản xuất.
Sắp tới, Thiên Long sẽ tiến hành tăng vốn để phục vụ cho mục tiêu phát triển chiến lược 5 năm tính từ năm 2010 đến năm 2014. Tuy nhiên, thời điểm tăng vốn sẽ được xem xét cẩn thận nhằm bảo vệ lợi ích cho cổ đông và duy trì EPS luôn ở mức cao.
Tổng kết lại, ông có thể nói gì về quan điểm "đầu tư" của Thiên Long?
Theo tôi, đầu tư dù trong ngắn hạn hay dài hạn đều phải mang lại lợi ích. Ở đây tôi không dùng từ lợi nhuận, vì có những khoản đầu tư lợi nhuận không tính được bằng tiền. Cụ thể như hàng năm chúng tôi chi rất nhiều tiền để thực hiện các chương trình xã hội như "Tiếp sức mùa thi", xây trường học..., chúng tôi đâu có nghĩ tới là phải có lợi nhuận từ các khoản chi này. Nhưng đây thực sự là các khoản đầu tư chắc chắn là có mang lại lợi ích cho xã hội và cho Thiên Long.
Đứng ở khía cạnh khác, khi đầu tư vào nhà xưởng, máy móc thiết bị, chúng tôi phải tính toán làm sao để mang lại lợi nhuận cao nhất cho cổ đông, ở đây bài toán lợi nhuận phải được đặt lên hàng đầu.
Nhìn chung, quan điểm đầu tư có thể linh động theo từng trường hợp. Lúc thì tập trung vào trách nhiệm xã hội, lúc thì tập trung vào lợi ích của cổ đông. Nhưng suy cho cùng thì lợi ích của xã hội là mục tiêu cuối cùng, vì thật ra đối với công ty đại chúng như Thiên Long, việc mang lại lợi ích cho cổ đông cũng là mang lại lợi ích cho xã hội.