Thiên đường nông nghiệp và chuyện lạ làm sữa từ gạo

“Trong mắt nhiều quốc gia, Việt Nam là thiên đường của nông nghiệp với rừng vàng, biển bạc, những con người thông minh, cần cù và năng động. Vì sao chúng ta lại chưa biết cách làm cho thiên đường đó trở nên giàu có?”, bà Nguyễn Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Phát triển N.N, doanh nhân Việt kiều Pháp mở đầu như thế khi chia sẻ về những ý tưởng làm giàu từ nông nghiệp.

Bà Nguyễn Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Phát triển N.N: “Cần một chiến lược đưa đất nước thành cường quốc nông nghiệp”            ảnh: Đức Thanh Bà Nguyễn Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Phát triển N.N: “Cần một chiến lược đưa đất nước thành cường quốc nông nghiệp” ảnh: Đức Thanh

Than gáo dừa nghìn USD  và giấc mơ sữa gạo

Được biết đến với tư cách là một kiến trúc sư với Dự án Bảo tồn, cải tạo và phát triển cầu Long Biên, song mấy năm gần đây, bà lại đầu tư nhiều về các dự án nông nghiệp. Đâu là lý do để bà “rẽ ngang” như vậy? 

Ngay từ năm 1987, dự án đầu tiên của tôi đầu tư vào Việt Nam đã liên quan đến nông nghiệp. Thời đó, tôi thấy ở Bến Tre, gáo dừa chất đống, gần như không sử dụng nên đã tìm hiểu trên thế giới và thấy có công nghệ sản xuất than hoạt tính từ gáo dừa với giá trị cao để lọc vàng, lọc nước, lọc khí độc.

Chính vì vậy, tôi đến gặp PICA - doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này để hợp tác và thành lập Liên doanh Pica - Bartech. Chúng tôi đã xây dựng được vùng nguyên liệu than gáo dừa với hệ thống 300 lò thiêu kết, xuất khẩu 40 container/tháng với giá trị 250 USD/tấn. Sau khi được chuyển về Pháp và hoạt hóa bằng công nghệ cao cấp, giá trị của than hoạt tính từ gáo dừa đã lên đến 2.500 USD/tấn. 

Hiện nay, khi vùng nguyên liệu ổn định, Pica đã mang công nghệ hoạt hóa than sang Việt Nam, tạo hàng ngàn công ăn việc làm và hàng triệu USD mỗi năm cho Bến Tre.

Ngoài ra, tôi cũng đang triển khai và đề xuất một số dự án nông nghiệp kết hợp du lịch như: Dự án Chuyển giao công nghệ trồng và sản xuất trà Shan Tuyết Suối

Giàng (Yên Bái),  Dự án Sản xuất và tạo thương hiệu cao cấp cho muối Bạch Long (Nam Định). Tại Hà Nội, tôi đang đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng trên bãi giữa sông Hồng một Bảo tàng Quốc gia Nông - Lâm - Ngư Việt Nam để thu hút khách du lịch quốc tế.

Tôi cho rằng, đầu tư vào nông nghiệp là đại thắng, song cần phải có tầm nhìn để phát triển bền vững, chứ không thể “ăn xổi” được. 

Trong một hội nghị của Bộ NN&PTNT gần đây, bà đã khiến nhiều người vô cùng ngạc nhiên khi đưa ra ý tưởng sản xuất sữa từ gạo. Đưa hạt gạo tham gia ngành công nghiệp sản xuất sữa nghe có vẻ lạ, thưa bà?

Sữa gạo là chuyện lạ ở Việt Nam, nhưng đã có từ lâu trên thế giới. Ở Pháp, một lít sữa bò có giá 1 euro, 1 lít sữa đậu nành có giá 1,5 euro, còn 1 lít sữa gạo giá lên tới 2-2,5 euro. Trung bình 1kg gạo có thể làm ra 15-20 lít sữa gạo.

Mấy năm gần đây, một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu sữa gạo từ Hàn Quốc và Đức về bán với giá từ 45.000 đồng đến 75.000 đồng/lít mà vẫn luôn cháy hàng. Đáng nói là, nguyên liệu sản xuất sữa gạo được các nước này nhập khẩu với giá rẻ từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới nhưng nông dân trồng lúa vẫn nghèo vì chúng ta chỉ bán gạo thô và với giá rẻ, nhập khẩu sữa đắt. 

Công nghệ sản xuất sữa gạo thì sao, có phức tạp không, thưa bà?

Công nghệ chế biến sữa gạo khá đơn giản, có thể sử dụng chính dây chuyền sản xuất sữa bò hoặc sữa đậu nành và dễ dàng bổ sung các vitamin, khoáng chất. Thậm chí, ta có thể sản xuất những máy làm sữa gạo mini để người dân có thể tự làm sữa gạo tại nhà.

Tôi tin rằng, với thị trường nội địa hơn 90 triệu dân, cùng với thị trường xuất khẩu rộng mở tại châu Âu, châu Mỹ…, sữa gạo là lĩnh vực rất tiềm năng của Việt Nam.

Ở các nước, sữa gạo ngày càng được ưa chuộng do lành tính, giàu chất dinh dưỡng, dễ dàng bổ sung vitamin, khoáng chất, chất đạm, chất béo, ít calo và cholesterol; đặc biệt là không gây dị ứng như sữa bò, phù hợp cho cả người già, trẻ sơ sinh, trẻ em…

Tất cả các loại gạo đều có thể làm nguyên liệu sản xuất sữa gạo. Có điều, sữa là sản phẩm siêu sạch, dùng cho cả trẻ sơ sinh, người già, nên gạo dùng để sản xuất sữa phải được trồng theo quy trình sạch, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Tốt nhất, nên phát triển nguyên liệu làm gạo sữa là các giống lúa thuần chủng bản địa có sức kháng bệnh tốt, dinh dưỡng cao như gạo tím thảo dược Vĩnh Hòa, gạo Séng Cù, Tú Lệ... 

Nếu triển khai được thì giá thành sản xuất sữa gạo của Việt Nam có phù hợp với sức mua của người dân không?

Giá thành gạo của Việt Nam từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng/kg. Trung bình 1 kg gạo lứt có thể sản xuất được 15-20 lít sữa dinh dưỡng. Như vậy, giá sữa gạo sẽ rẻ hơn rất nhiều so với sữa nhập khẩu, chỉ khoảng 10.000 đồng/lít.

Mỗi năm, Việt Nam phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu sữa bột về sản xuất sữa bò, chi hàng tỷ USD để nhập khẩu đậu tương về sản xuất sữa đậu nành, trong khi cả kho nguyên liệu “vàng” để sản xuất sữa đang bị bỏ quên: đó chính là hạt gạo. 

Nông nghiệp Việt là “thiên đường” với thế giới  Đã từng đi nhiều nước trên thế giới, bà thấy nông nghiệp Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới như thế nào?

Vừa rồi, chúng tôi đi tìm hiểu thị trường Dubai. Ai cũng ngưỡng mộ Dubai chỉ trong thời gian ngắn đã xây dựng được một thiên đường du lịch giàu có. Thế nhưng, nhiều người Dubai nói, cái mà họ mơ ước là một đất nước “xanh” như Việt Nam, bởi Dubai là đất nước sa mạc.

Nói như thế để thấy, thiên nhiên đã ưu đãi cho chúng ta một di sản xanh tuyệt vời, đặc biệt là nền văn minh lúa nước từ 10.000 năm và nhiều di sản thế giới. Đó là tài sản quý giá mà chúng ta cần gìn giữ và phát huy. 

Hiện nay, thị trường nông sản Việt rất rộng mở với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được ký kết. Tuy nhiên, nếu không đổi mới tư duy, Việt Nam vẫn  chỉ là nơi cung cấp nguyên liệu thô giá trị thấp, còn nâng giá trị nông sản qua chế biến thì nước ngoài hưởng lợi.

Trong tương lai gần, doanh nhiệp nước ngoài sẽ vào Việt Nam để thuê đất sản xuất, chế biến, xuất khẩu. Một khi chậm chân, để nước ngoài làm chủ, nông dân Việt Nam sẽ chỉ là người làm thuê trên mảnh đất của chính mình.

Vậy theo bà, làm thế nào để Việt Nam nhanh chóng trở thành cường quốc nông nghiệp?

Chúng ta cần sớm làm chủ công nghệ, làm chủ giống, làm ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Thiếu vốn có thể vay, thiếu công nghệ có thể mua, vấn đề là phải có tư duy đúng.

Theo tôi, trước hết, cần phải ý thức được rằng, chỉ có nông nghiệp và áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp mới có thể giúp đất nước làm giàu. Tiếp theo, cần phải thực hiện 3 giải pháp cấp bách để ngành nông nghiệp phát triển.

Thứ nhất, phải có được một chiến lược đưa đất nước thành cường quốc nông nghiệp. Muốn vậy, Bộ NN&PTNT nên thành lập một ban cố vấn, mời những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp quốc tế, đặc biệt quan tâm đến lực lượng Việt kiều trên thế giới để tư vấn những mô hình nông nghiệp phù hợp với Việt Nam.

Thứ hai, phải làm chủ được công nghệ sản xuất giống. Muốn vậy, trước hết Việt Nam phải có được một bảo tàng gien, bảo quản những giống cây, chủ động sản xuất giống con thuần chủng.

Thứ ba mới đến khoa học công nghệ.  

Việt Nam là đất nước có thế mạnh về nông nghiệp, việc biến Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp là hoàn toàn khả thi. Vấn đề là chúng ta phải có tầm nhìn, phải thay đổi tư duy để phát triển bền vững từ “di sản xanh và vì cộng đồng” - đó cũng là phương châm của những dự án tôi đang làm ở Việt Nam.

Hà Tâm
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục