Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm chao đảo các thị trường trong năm nay khi thực hiện các đợt tăng lãi suất ở quy mô lớn trong nỗ lực kiềm chế mức lạm phát cao nhất trong 40 năm. Nhưng lãi suất cao hơn cũng khiến các quỹ thị trường tiền tệ trở nên hấp dẫn hơn, trong khi những quỹ này đã trở nên thu hút các nhà đầu tư kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020.
Điều đó đã làm cho tiền mặt trở thành nơi ẩn náu hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư đang tìm kiếm nơi trú ẩn khỏi sự biến động của thị trường - mặc dù mức lạm phát cao nhất trong 40 năm đã làm giảm sức hấp dẫn của tiền mặt.
Một cuộc khảo sát được theo dõi rộng rãi từ BofA Global Research cho thấy, các nhà quản lý quỹ đã tăng số dư tiền mặt trung bình của họ lên 6,1% vào tháng 9, đây là mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ.
Theo Refinitiv Lipper, tài sản trong các quỹ thị trường tiền tệ vẫn tăng và đạt mức 4.440 tỷ USD vào tháng 8, không xa so với mức đỉnh 4.670 tỷ USD vào tháng 5/2020.
|
Quy mô tài sản của các quỹ thị trường tiền tệ tăng trưởng kể từ năm 2020 |
Nhà quản lý danh mục đầu tư Paul Nolte của Kingsview Investment Management cho biết: “Tiền mặt hiện đang trở thành một loại tài sản khả thi vì những gì đã xảy ra với lãi suất”. Ông cho biết, tỷ lệ tiền mặt các danh mục đầu tư mà ông đang quản lý đang ở mức 10% đến 15% so với mức dưới 5% vào thời điểm thông thường.
“Tỷ lệ tiền mặt này cho tôi cơ hội trong vài tháng để xem xét thị trường tài chính và triển khai lại nếu thị trường và nền kinh tế trông tốt hơn”, ông cho biết.
Các nhà đầu tư đang hướng đến cuộc họp vào tuần tới của Fed, tại đó ngân hàng trung ương dự kiến sẽ đưa ra một đợt tăng lãi suất lớn khác sau báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tuần này nóng hơn dự kiến.
Chỉ số S&P 500 đã giảm 4,8% trong tuần này và giảm 18,7% trong năm nay. Trong khi đó, theo chỉ số Crane 100 Money Fund, lợi nhuận trung bình của 100 quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất đạt trung bình 0,4% trong năm nay tính đến cuối tháng 8.
Tất nhiên, việc nắm giữ tiền mặt có những hạn chế của nó, bao gồm khả năng bỏ lỡ một sự đảo chiều đột ngột khiến giá cổ phiếu và trái phiếu cao hơn. Lạm phát của Mỹ trong tháng 8 đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, điều này cũng đã làm giảm sức hấp dẫn của tiền mặt.
Peter Tuz, chủ tịch của Chase Investment Counsel cho biết: “Chắc chắn là bạn đang mất sức mua với lạm phát ở mức hơn 8%, nhưng bạn đang rút tiền ra khỏi thị trường vào thời điểm rủi ro thị trường chứng khoán ở mức cao. Cổ phiếu của bạn có thể giảm 8% trong hai tuần”.
Mark Hackett, Trưởng bộ phận nghiên cứu đầu tư của Nationwide cho biết: “Mặc dù đó là một dấu hiệu thận trọng rõ ràng đối với các nhà đầu tư, nhưng tỷ lệ tiền mặt ở mức cao đôi khi được coi là một chỉ báo tương phản tốt cho thị trường chứng khoán”.
Ông tin rằng, thị trường có thể sẽ biến động mạnh trong thời gian tới trong bối cảnh nhiều rủi ro khác nhau bao gồm khả năng báo cáo lợi nhuận suy yếu cùng với lạm phát cao và quan điểm diều hâu của Fed, nhưng ông lạc quan hơn về triển vọng cổ phiếu trong 6 tháng tới.
"Giống như một lò xo cuộn đang bị nén khi các nhà đầu tư đã đứng ngoài thị trường và tới một thời điểm nào đó hầu hết các nhà đầu tư đều làm như vậy thì điều đó có thể dẫn bạn đến bất kỳ một tin tốt tiềm năng nào đó để thực hiện một động thái lớn", ông cho biết.
David Kotok, Giám đốc đầu tư tại Cumberland Advisors cho biết, danh mục đầu tư cổ phiếu tại Mỹ của ông hiện có 48% là tiền mặt, trong khi năm ngoái giải ngân gần như hoàn toàn vào thị trường chứng khoán.
Ông cho biết, cổ phiếu quá đắt với rủi ro bao gồm lãi suất tăng, khả năng xảy ra suy thoái do Fed gây ra và căng thẳng địa chính trị.
"Vì vậy, tôi muốn nắm giữ tiền mặt. Tôi muốn tiền mặt có thể triển khai trở lại thị trường chứng khoán với giá thấp hơn hoặc giá thấp hơn đáng kể và tôi không biết mình sẽ có cơ hội nào nhưng cách duy nhất tôi có thể nắm bắt là nắm nhiều tiền mặt”, ông cho biết.