Thị trường Việt Nam cần thêm thời gian để phục hồi

(ĐTCK) Ông Tsuyoshi Imai, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Nhật Bản (JSI) cho rằng, thị trường chứng khoán toàn cầu bị bán tháo chủ yếu là do phản ứng của các quỹ đầu tư sử dụng “thuật toán” trước các thông tin bất lợi. Với thị trường Việt Nam, có thể cần nhiều thời gian hơn để phục hồi.
Ảnh Lê Toàn

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm 1/3 về điểm số với đầu năm. So sánh với giai đoạn 2008 - 2009, ông nhận thấy diễn biến thị trường có gì khác biệt?

Ông Tsuyoshi Imai, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Nhật Bản (JSI).
Khi nhà đầu tư không đánh giá được khi nào tình hình sẽ trở nên bình thường, họ vội vã bán ra các tài sản đầu tư để thu về tiền mặt. Ðiều này tương tự hiện tượng khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009.

Vậy nhưng, trước tiên, hãy bắt đầu bằng cái nhìn toàn cảnh tại thị trường toàn cầu. Việc giá dầu lao dốc và/hoặc đại dịch Covid-19 diễn ra không có khả năng làm ngừng lại vòng quay của các chu kỳ kinh tế.

Do đó, điều tôi lo lắng là thị trường tài chính mất kiểm soát, trở nên hoảng loạn, bất chấp các yếu tố cơ bản.

Trong 2 thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến một số thời điểm nền kinh tế rơi vào “trầm cảm”. Tuy nhiên, lần này khác biệt, bởi ngân hàng trung ương tại các quốc gia trên toàn cầu đã cung cấp đủ nguồn vốn và hiện tại đang mở rộng cung tiền hơn nữa.

Tiếp theo, chúng ta hãy tập trung sự chú ý vào khối lượng giao dịch. Vào thời điểm thị trường đổ vỡ, khối lượng giao dịch thường rất lớn, đạt mức kỷ lục.

Ví dụ, sự kiện Black Monday - “thứ Hai đen tối” (tháng 10/1987), tuy nền kinh tế không chịu ảnh hưởng, nhưng thị trường chứng khoán chao đảo bởi khối lượng giao dịch lớn kỷ lục.

Thị trường đổ vỡ tạo nên những giao dịch khối lượng rất lớn, nhưng giao dịch khối lượng lớn không đồng nghĩa với việc thị trường chao đảo.

Hiện tại, dù mức giảm giá có thể rất lớn, chạm tới mức được gọi là đổ vỡ, nhưng thực tế cho thấy, mức độ giao dịch của thị trường ở con số thấp (đồng nghĩa với việc có ít nhà đầu tư tham gia giao dịch) và không hoảng loạn.

Thị trường sụt giảm chủ yếu là do các thuật toán được thiết kế để phản ứng trước các từ ngữ, tin tức, sự kiện mang tính tiêu cực.

Chẳng hạn, việc xuất hiện dày đặc hơn của các thông tin như Mỹ cấm công dân EU nhập cảnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trạng thái “Olympic Tokyo nên bị trì hoãn”, tình trạng khẩn cấp quốc gia… làm kích hoạt HFT (giao dịch tần suất cao) và tạo nên hiệu ứng bán ra hàng loạt.

Việc một lượng lớn các quỹ đầu tư sử dụng thuật toán như vậy đã tạo ra tình trạng như hiện nay.

Hiện tại, chúng ta không nên nói tới một thị trường cụ thể nào đó, bởi có thể mất đi cái nhìn toàn cảnh. Tuy nhiên, nếu phải nói tới thị trường chứng khoán Việt Nam, thì có một chút khác biệt tại đây.

Theo đó, Việt Nam không có hoạt động bán khống (short sell) như nhiều thị trường lớn khác. Do không có short cover (hành động mua vào để trả lại chứng khoán sau khi bán khống) và thiếu đi lực mua nên thị trường sẽ cần thêm thời gian để hồi phục.

Nhiều hoạt động của các công ty chứng khoán bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường, trong đó có tự doanh, môi giới, giao dịch ký quỹ (margin), ngân hàng đầu tư (IB)… JSI đối diện với tình trạng này như thế nào? Ông có thể chia sẻ dự báo của Công ty về thị trường?

Một nửa nhân viên của chúng tôi đang làm việc tại nhà nhằm ngăn rủi ro phải cách ly toàn bộ nhân viên. Cho tới nay, chúng tôi chưa thấy có khó khăn gì. Tuy nhiên, tình trạng sẽ trở nên thách thức hơn nếu cả toà nhà bị phong toả. C

húng tôi sẽ phải yêu cầu tất cả khách hàng thực hiện hoạt động giao dịch online, thay vì sàn giao dịch DMA. Với những hoạt động khác, chưa có gì cụ thể cả.

Theo báo cáo gần nhất, Moody’s đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ ở mức 6% năm 2020.

Những yếu tố như vậy là động lực quan trọng đối với khách hàng cá nhân, nhưng các nhà đầu tư tổ chức lại khác. Chúng tôi mong đợi và sẽ bám sát nhóm nhà đầu tư tổ chức.

Với các nhà đầu tư đang chìm ngập trong khó khăn hiện nay, Công ty có chính sách hỗ trợ gì?

Dù thị trường tích cực hay tiêu cực, chúng tôi luôn chia sẻ và hỗ trợ khách hàng bằng việc cập nhật các thông tin thị trường thường xuyên. Có chăng, trong giai đoạn này, nội dung cập nhật sẽ có chút khác biệt, nhất là nhấn mạnh tới các yếu tố vĩ mô trên toàn cầu.

Thêm vào đó, chúng tôi cố gắng chọn một số công ty được hưởng lợi trong bối cảnh hiện nay, đưa ra lời khuyên để nhà đầu tư cân bằng danh mục, tìm kiếm cách hạn chế các tổn thất.

Nếu tình hình trở nên khó khăn hơn, liệu JSI có nhận thêm được nguồn vốn hỗ trợ từ công ty mẹ? Công ty mẹ có đặt ra mục tiêu cụ thể nào cho JSI trong năm nay?

Tôi cho rằng, câu trả lời là có. Tuy nhiên, ngay cả khi tình hình trở nên khó khăn hơn, chúng tôi vẫn có thể hoạt động mà không cần thêm sự hỗ trợ từ công ty mẹ.

Tất nhiên, công ty mẹ đặt ra các mục tiêu cho JSI, nhưng không chỉ cho năm nay, bởi Tập đoàn có tầm nhìn dài hạn hơn, nhất là tại thị trường châu Á.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục