Giá vàng trong nước thời gian gần đây biến động rất nhanh
Thị trường vàng trong nước thời gian gần đây chịu tác động mạnh trước những thông tin kiểu tin đồn và tâm lý đám đông. Theo nhận định của Sacombank - SBJ, thị trường vàng nội địa đang diễn ra theo xu hướng một chiều là chính. Trong một ngày, có thể xuất hiện xu hướng cùng bán, cùng mua khiến giá vàng trong nước đầy rủi ro và biến động nhanh.
Trước diễn biến bất ngờ của giá vàng trong nước, yếu tố tâm lý khiến nhu cầu mua vào tăng vọt. Sacombank - SBJ dự báo, giá vàng trong nước trong ngắn hạn sẽ tiếp tục có khoảng cách lớn so với giá vàng thế giới, nếu như không được sự hỗ trợ nguồn cung từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tình trạng giá vàng trong nước gần đây luôn cao hơn giá thế giới được giới phân tích cho rằng, chính do khan hiếm cung vàng SJC, trong khi đó lực cầu tăng, đẩy giá vàng lên cao. Hiện SJC chỉ được gia công theo đơn đặt hàng của NHNN và thị trường chỉ còn lưu thông mỗi thương hiệu vàng miếng SJC. Trong khi đó, NHNN lại ra quyết định cấm các ngân hàng thương mại huy động vốn bằng vàng từ dân cư kể từ tháng 11/2012 tới đây và cấm kinh doanh vàng tài khoản. Chính sự không liên thông giữa thị trường trong nước và ngoài nước, có lúc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tới 2,5 - 3 triệu đồng/lượng, dẫn đến tình trạng vàng nhập lậu, vàng nhái tái xuất hiện, Sacombank - SBJ nhận định.
Trước đây, mỗi khi nhu cầu vàng trong nước tăng cao, Nhà nước cho nhập khẩu vàng để can thiệp thị trường trong nước, nhưng điều đó đã làm tiêu tốn một lượng ngoại tệ không nhỏ. Trong một chiều hướng khác, việc tái xuất khẩu vàng, vốn đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể, góp phần giảm nhập siêu và giải phóng tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế cũng chưa được đa số nhìn nhận là yếu tố tích cực.
Theo ThS. Trần Trọng Quốc Khanh, chuyên gia trong lĩnh vực vàng, sở dĩ phát sinh nhu cầu xuất khẩu vàng là khi giá vàng trong nước không theo kịp đà tăng của giá vàng thế giới hoặc giá vàng trong nước giảm mạnh hơn giá vàng thế giới.
“Việt
Phó tổng giám đốc một DN kinh doanh vàng cũng đưa ra quan điểm, khi sức mua của nhà đầu tư, người dân tăng mạnh, khiến nguồn cung có dấu hiệu khan, đẩy giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới, NHNN nên dùng số vàng đã mua hoặc vay của NHTM bán ra can thiệp thị trường thông qua các chân rết như NHTM, các DN kinh doanh vàng uy tín (SJC, PNJ, Bảo Tín Minh Châu...), sau đó mua vàng tài khoản nước ngoài đối ứng với số vàng đã bán ra. Còn khi giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới (do người dân bán ra nhiều), NHNN phải đứng ra mua số vàng này, đồng thời bán vàng tài khoản nước ngoài đối ứng với số vàng mua được của người dân. Cách làm như vậy sẽ khắc phục được tình trạng vàng bị xuất khẩu dưới dạng trang sức như thời gian qua, sau đó lại phải nhập vào với giá cao hơn.
Theo vị phó tổng giám đốc này, nếu giải quyết được liên thông 2 trường hợp trên thì vàng miếng vẫn nằm trong lãnh thổ Việt Nam, không cần nhập khẩu vàng, làm hao tổn ngoại tệ, đồng thời ổn định tâm lý thị trường. Vì thế, nếu không thay đổi triệt để trong quản lý, sự lệch pha giữa giá trong nước và thế giới sẽ là căn bệnh kinh niên.
Tuy nhiên, trong nội dung đăng tải trên website của NHNN, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, thị trường vàng trong nước biến động phức tạp gần đây chủ yếu là do ảnh hưởng biến động của giá vàng thế giới. Nhưng khác với các giai đoạn trước đây, mặc dù giá vàng thế giới tăng mạnh, nhưng thị trường trong nước không xuất hiện các “cơn sốt” vàng. Lực cung trên thị trường vẫn tăng do trước đây, nhiều nhà đầu tư và người dân đã mua vàng ở mức giá 42 - 43 triệu đồng/lượng, đến nay, khi đã đạt được mức tăng kỳ vọng, họ bán ra chốt lời với khối lượng tương đối lớn.
Trong nỗ lực ổn định thị trường vàng, NHNN đã và đang triển khai nhiều biện pháp như: ban hành quy định cho phép TCTD gặp khó khăn về thanh khoản vàng được vay vốn bằng vàng; bổ sung nguồn cung cho thị trường vàng; ban hành quy định về tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng nhằm cho phép các TCTD và DN kinh doanh vàng được chuyển đổi vàng miếng khác SJC sang vàng miếng SJC và gia công lại vàng miếng SJC móp méo. NHNN cũng có văn bản yêu cầu các đơn vị trên báo cáo cập nhật chính xác về số lượng, loại vàng miếng tồn quỹ thực tế cần chuyển đổi sang vàng miếng SJC, đồng thời, theo dõi sát diễn biến của thị trường vàng và áp dụng các biện pháp thích hợp để thị trường dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, NHNN cũng khuyến cáo người dân cần bình tĩnh khi tham gia mua bán trên thị trường để tránh những thiệt hại không đáng có.
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT SJC
Ngày 19/8, Công ty đã nhận được công văn của NHNN yêu cầu về việc gia công 350.000 lượng vàng miếng SJC (tương đương 13 tấn) móp méo và vàng miếng phi SJC. Với công suất gia công khoảng 52.000 lượng/ngày (tương đương 1,8 - 1,9 tấn/ngày), số vàng nói trên chúng tôi chỉ thực hiện trong khoảng 1 tuần, kể cả thời gian kiểm định chất lượng vàng phi SJC. Trong tổng số 350.000 lượng vàng được NHNN giao cho gia công, có khoảng 9.000 - 10.000 lượng là vàng miếng SJC móp mép. Do đó, lượng vàng gia công sẽ được đưa ra thị trường trong vài ngày tới. Cung vàng được gia tăng thì cầu sẽ được đáp ứng tốt hơn, lúc này giá sẽ giảm. Hiện doanh số mua - bán vàng miếng của SJC đạt mức bình quân 5.000 - 7.000 lượng/ngày. |
|
Ông Nguyễn Hoàng Minh. Phó giám đốc NHNN TP. HCM
Trước sức nóng của giá vàng thế giới ảnh hưởng đến giá bán ở thị trường nội địa, nhưng do thị trường hiện đang chịu tác động bởi tâm lý nên giá vàng trong nước chưa sát với giá thế giới. Hiện NHNN đang yêu cầu SJC chuẩn bị kế hoạch để triển khai gia công hơn 350.000 lượng vàng miếng (tương đương 13 tấn vàng) ngay từ ngày 20/9 theo Quyết định 1623/QĐ-NHNN về tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN, nhằm sớm bổ sung nguồn cung, ổn định thị trường. Hiện NHNN chi nhánh TP.HCM đang yêu cầu các NHTM báo cáo số lượng vàng huy động đến cuối tháng 9/2012. Đồng thời, NHNN Chi nhánh TP. HCM cũng giao SJC kiểm soát vàng nhái, vàng giả SJC, dưới sự phối hợp với lực lượng công an và Quản lý thị trường TP. HCM, nhằm sớm phát hiện các trường hợp về vàng nhái SJC. |