Thị trường vẫn trong xu hướng tăng điểm

(ĐTCK) Thị trường hiện tại đang trong xu hướng tăng điểm, bởi NĐT tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng tốt hơn của nền kinh tế trong năm 2014.
Thị trường vẫn trong xu hướng tăng điểm

Đó là nhận định của ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng phân tích CTCK SHS khi trao đổi với Đầu tư Chứng khoán.

Trong hơn 2 năm trở lại đây, tình trạng cổ phiếu tăng giá đồng loạt đã không còn. Đến thời điểm này, theo ông, sức cầu thị trường tập trung chủ yếu ở dạng hàng hóa nào?

Đúng là trong 2 năm trở lại đây, NĐT đã thận trọng và quan tâm nhiều hơn đến nền tảng cơ bản, tình hình tài chính của các DN, trước khi đi đến quyết định mua bán cổ phiếu.

Điều này có thể hiểu được, bởi trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thì chỉ có một số nhóm ngành và một số DN tốt mới có thể trụ lại được và có cơ hội phát triển trong tương lai. Vì vậy mà có sự phân hóa về giá cổ phiếu giữa các nhóm ngành khác nhau và ngay trong cùng một ngành diễn ra rất mạnh như chúng ta đã thấy.  

Hiện tại, lực cầu thị trường đang tập trung ở một số nhóm cổ phiếu, kỳ vọng thông tin hỗ trợ, với một số nhóm chính: một là nhóm cổ phiếu thị giá trung bình, được kỳ vọng có kết quả kinh doanh khả quan trong quý IV/2013; hai là nhóm cổ phiếu đã giảm giá mạnh trong thời gian trước và được dự báo có triển vọng tích cực trong giai đoạn tới như ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản, vận tải biển; ba là nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, cổ phiếu ngân hàng, là nơi tập trung dòng vốn đầu tư mang tính dài hạn.

  Thị trường vẫn trong xu hướng tăng điểm ảnh 1

Vậy theo ông, NĐT tham gia thị trường thời gian này cần chú ý đến những yếu tố nào?

Thị trường hiện tại đang trong xu hướng tăng điểm, bởi NĐT tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng tốt hơn của nền kinh tế trong năm 2014, khi Chính phủ ưu tiên chi tiêu công làm động lực lan tỏa tăng trưởng, xu hướng đầu tư của dòng vốn ngoại vào nền kinh tế trong nước và kỳ vọng các giải pháp xử lý nợ xấu, nới room… phát huy tác dụng.

Kỳ vọng của thị trường vào những yếu tố trên là có cơ sở. Tuy nhiên, trong quá trình đi lên, thị trường được nhận định sẽ có những nhịp điều chỉnh, do vậy, quản trị rủi ro luôn là yếu tố mà NĐT phải tính đến.

Ngoài ra, việc lựa chọn cổ phiếu cũng cần phải xem xét kỹ, nên ưu tiên những ngành nghề được quan tâm và cần chú ý đến yếu tố cơ bản của DN, tránh trường hợp đầu tư theo tin đồn không chính xác, hạn chế tham gia vào những cổ phiếu đã tăng nóng.

 

Theo quy luật nhiều năm nay, về cuối năm, thị trường thường có sóng. Theo ông, có thể hình dung về những kịch bản nào đối với diễn biến của TTCK từ nay đến cuối năm?

Từ tháng 11 đến nay, TTCK diễn biến tích cực cả về điểm số và thanh khoản. Trong tháng 11, chỉ số VN-Index đã tăng 2,08% và kết thúc tháng ở mức 507,78 điểm, trong khi HNX-Index tăng mạnh 5,76% lên mức 65,19 điểm.

Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình tháng 11 trên HOSE đạt gần 89,1 triệu đơn vị/phiên, tăng mạnh 39,6% so với tháng 10. Trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình đạt 44,3 triệu đơn vị/phiên, tăng 64,8% so với tháng trước. Đây là dấu hiệu cho thấy, dòng tiền đang quay trở lại thị trường.

Những tín hiệu vĩ mô hỗ trợ cho thị trường đã rõ rệt hơn, khi CPI cả năm ước tính được kiềm chế ở mức 6%, tỷ giá được duy trì ổn định, tăng trưởng GDP ở mức 5,4%, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng qua VAMC đang được triển khai khá tích cực...

Mặc dù cũng có những lo ngại nhất định như tăng trưởng tín dụng chậm hay tổng cầu thấp, nhưng chúng tôi tin rằng, với nền tảng hiện tại và các chính sách đang và sẽ được triển khai, bối cảnh vĩ mô sẽ dần tích cực hơn trong năm 2014.

Đề án Tái cơ cấu SCIC đã được Chính phủ thông qua, trong đó, có đề cập đến việc bán cổ phần tại một loạt DN niêm yết như FPT, BMP, NTP… Theo ông, điều này có ảnh hưởng như thế nào đến cung - cầu trên TTCK?

Theo Quyết định số 2344 của Chính phủ, sẽ có 376 DN được SCIC thực hiện thoái vốn đến năm 2015; trong đó, có những DN lớn như BVH (SCIC đang nắm giữ hơn 22 triệu cổ phiếu), VCG (SCIC nắm hơn 255 triệu cổ phiếu).

Như vậy, cùng với động thái tương tự từ phía các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo lộ trình thoái vốn ngoài ngành, tái cơ cấu DN nhà nước, TTCK trong các năm 2014 và 2015 sẽ tiếp nhận một lượng cung cổ phiếu khá lớn và điều này sẽ có những tác động nhất định tới dòng tiền của NĐT vào thị trường.

Tuy nhiên, việc thoái vốn sẽ giúp gia tăng thanh khoản của thị trường và đây cũng là cơ hội để mua vào cổ phiếu tốt, bởi nhiều DN trong danh mục thoái vốn của SCIC  được đánh giá cao do hoạt động hiệu quả như BMP, NTP, NSC, SSC, FPT. Như vậy, hoạt động thoái vốn của SCIC sẽ có những tác động nhiều chiều đối với TTCK trong trung và dài hạn. Theo quan điểm của chúng tôi thì mặt tích cực sẽ nhiều hơn.

>>SCIC thoái vốn, khó có “phản ứng phụ” tăng cung

>>Cú tung hàng của SCIC sẽ “làm nóng” TTCK

>>Giải mã danh mục đầu tư bất ngờ của SCIC

Phong Lan
Phong Lan

Tin cùng chuyên mục