Thị trường truyền hình trả tiền nhiều tiềm năng

Việt Nam chỉ có 79.000 thuê bao truyền hình trả tiền năm 2003 thì đến nay đã có hơn 3,7 triệu, mang lại doanh thu khoảng 53.000 tỷ đồng. Mức tăng trưởng sẽ lên 20-25% vào 2015.
Thị trường truyền hình trả tiền nhiều tiềm năng

Theo con số ước tính của Báo cáo cạnh tranh 2012 do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) thực hiện, tổng doanh thu của toàn thị trường truyền hình trả tiền trong nước đạt gần 2 tỷ USD năm 2011 và tăng lên 2,5 tỷ USD vào 2012 (tương đương 53.000 tỷ đồng). Nguồn thu này có được chủ yếu từ quảng cáo, khoảng 850 triệu USD trong năm 2011 và hơn 1 tỷ USD vào năm ngoái.

 

Triển vọng phát triển thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam là rất lớn. Trong tổng số 20 triệu thuê bao truyền hình, Việt Nam mới chỉ đạt 3,7 triệu thuê bao trả tiền, chiếm 13,5%. So với các nước châu Á từ 40 - 60% thì tỷ lệ này tương đối thấp.

 

Do đó, khoảng trống thị trường còn rộng và tỷ lệ này dự báo tăng trưởng lên 20 - 25% vào năm 2015. Đặc biệt, thị trường nông thôn còn bỏ ngỏ.

 

Theo Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2009, thì đến năm 2020 sẽ hoàn toàn chuyển sang sử dụng công nghệ số. Số hóa truyền hình đồng nghĩa với việc dịch chuyển từ truyền hình quảng bá sang hình thức trả tiền.

 

Chỉ trong vòng 2 năm, số lượng các kênh truyền hình được phát trên sóng truyền hình trả tiền của VCTV (Truyền hình cáp Việt Nam ), SCTV (Truyền hình cáp Saigontourist), HTVC (Truyền hình cáp TP HCM), VTC tăng gấp đôi.

 

"Nhưng chất lượng và nội dung của các kênh trong nước hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu người xem", báo cáo trên khẳng định. Trong khoảng 100 kênh truyền hình hiện có trên mạng truyền hình trả tiền, có tới hơn 70% là các kênh nước ngoài.

 

Chưa hết, rất nhiều nội dung trên các kênh truyền hình trong nước được lấy lại từ nội dung của các kênh nước ngoài. Thêm vào đó là chất lượng hình ảnh, chất lượng sóng kém, nhất là truyền hình cáp. Trong năm 2012, Viettel, AVG (An Viên), FPT và có thể sắp tới là VNPT tham gia vào lĩnh vực này.

 

Người xem chịu thiệt

 

Dẫn đầu thị trường truyền hình trả tiền hiện nay là SCTV, với thị phần trên 32%. Đây là một liên doanh giữa VTV và Tổng công ty du lịch Sài Gòn. Đứng vị trí thứ hai là VCTV, khoảng 19%. Thứ ba là HTVC, chừng 14%. Như vậy, thị trường đã hình thành doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh là SCTV (trên 30% được xác định là thống lĩnh thị trường).

 

Còn nếu tính tổng thị phần của tất cả các doanh nghiệp mà VTV là chủ sở hữu hoặc tham gia góp vốn đã lên tới 58% (bao gồm SCTV, VCTV và VSTV - Truyền hình số vệ tinh). Đây là tỷ lệ rất cao và có thể chi phối thị trường. Chính vì vậy, các doanh nghiệp này sẽ có ưu thế cạnh tranh rất lớn so với các doanh nghiệp khác, nhất là những ai mới gia nhập thị trường.

 

Cạnh tranh dễ thấy nhất chính là việc ký các hợp đồng bản quyền truyền hình của các chương trình hấp dẫn, trong đó có bản quyền các giải bóng đá thế giới.

 

Điển hình, 3 năm trước VSTV (sở hữu kênh K +, liên doanh với Pháp) với tiềm lực tài chính mạnh đã mua độc quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh ngày chủ nhật với giá 8 triệu USD trong 3 năm. Đó là con số cực lớn nếu so sánh với số tiền hơn 1 triệu USD mà VTC đã bỏ ra để mua bản quyền này trong những năm trước.

 

Bỏ ra số tiền lớn, VSTV đã chấp nhận chịu lỗ trong thương vụ này dù đã tăng giá thuê bao cao gấp đôi so với các đối thủ. Thực tế, các doanh nghiệp không có sự liên kết, hợp tác trong đàm phán mua bản quyền chương trình truyền hình mà ngược lại lao vào cuộc đua cạnh tranh, đẩy giá mua bản quyền lên cao để có thể giành được hợp đồng độc quyền, ảnh hưởng xấu đến thị trường.

 

Chưa hết, chỉ sau 3 năm, giá bản quyền giải Ngoại hạng Anh đã được K+ mang về Việt Nam độc quyền lên tới gần 40 triệu USD trong các mùa giải 2013 - 2016. Kết cục của những thương vụ độc quyền như thế này là người xem chịu thiệt.

 

Một chuyên gia về cạnh tranh cho rằng, một khi chi phí mua bản quyền quá lớn, sẽ khiến giá thuê bao tăng theo để nhà đài thu hồi nhanh vốn đầu tư. Do đó, người xem phải trả phí cao để có thể xem các chương trình.

 

Tuy nhiên, việc tăng giá thuê bao cũng không giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia thị trường được hưởng lợi, mà chủ yếu vào tay các công ty nước ngoài.

 

"Nhu cầu xem bóng đá Anh của khán giả Việt Nam là có thật. Đây cũng là một sản phẩm đặc thù, người xem không có lựa chọn khác và thị trường cũng không thể sản xuất sản phẩm giống vậy để thay thế. Nhưng đó hoàn toàn là vấn đề thị trường. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn, điều chỉnh sang một chương trình bóng đá khác và nếu không đủ tiền thuê bao sẽ không xem. Đến lúc này, nhà cung cấp chương trình cũng sẽ tự điều chỉnh để có giá thuê bao hợp lý, nếu không sẽ không có khán giả", một chuyên gia trong lĩnh vực cạnh tranh phân tích.

 

Nhà nước không thể can thiệp vào vấn đề này và không thể kiểm soát hoặc ấn định giá, bởi hình thức mua bán theo kiểu đấu thầu. "Tuy nhiên, với trường hợp của K +, VTV cần phải thể hiện vai trò của mình vì đơn vị này là chủ quản của VSTV, đơn vị có góp vốn vào liên danh đẻ ra kênh K +", chuyên gia cạnh tranh kết luận.


Tiền Phong

Tin cùng chuyên mục