Thị trường trái phiếu toàn cầu báo hiệu các chính phủ cần phải trả nhiều hơn để vay dài hạn

(ĐTCK) Từ các cuộc đấu giá trái phiếu chính phủ ảm đạm đến giá trái phiếu dài hạn lao dốc, các nhà đầu tư đang gửi một thông điệp rõ ràng tới các chính phủ rằng trong bối cảnh bất ổn hiện nay, sẽ cần phải trả nhiều hơn để đi vay trong nhiều thập kỷ tới.

Lợi suất trái phiếu chính phủ có kỳ hạn dài nhất đã tăng mạnh không chỉ ở Mỹ, mà còn ở Nhật Bản và Anh.

Việc bán trái phiếu chính phủ từng là một quá trình liền mạch đối với các nền kinh tế lớn, nay đang trở thành đấu trường cho “bond vigilante” (mô tả các nhà đầu tư mong muốn lợi suất cao hơn đối với trái phiếu chính phủ để bù đắp cho lạm phát gia tăng) đặt câu hỏi về sự phung phí của chính phủ và triển vọng lạm phát. Tại Nhật Bản và Mỹ, thị trường trái phiếu dường như không thích việc cắt giảm thuế mà các nhà chức trách đang tìm kiếm.

Tuần này, đợt chào bán trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 năm kém hiệu quả của Mỹ và kết quả đấu giá tệ nhất của trái phiếu chính phủ Nhật Bản kể từ năm 2012 đã đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh cho thị trường, những điều này diễn ra ngay sau khi Moody's trở thành công ty xếp hạng tín nhiệm lớn cuối cùng trong ba công ty xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới tước xếp hạng tín nhiệm Aaa hàng đầu của Mỹ do nợ ngày càng tăng.

"Các nhà đầu tư đang nghĩ rằng, nếu chúng ta đang ở trong một thế giới mà nợ tiếp tục xấu đi và động lực tăng trưởng mong manh hơn, thì mức phần bù rủi ro mà chúng ta yêu cầu để nắm giữ những trái phiếu này sẽ tăng lên, và đó chính là những gì đang xảy ra hiện nay", Guy Miller, chiến lược gia thị trường trưởng của Zurich Insurance Group cho biết.

Trong những tuần tới, Nhật Bản, Đức, Mỹ và Anh sẽ chào bán trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm và 30 năm.

Về lý thuyết, các chính phủ có thể chi tiêu ít hơn hoặc đánh thuế nhiều hơn để trấn an các nhà đầu tư, nhưng thắt lưng buộc bụng là điều khó có thể khả thi vì lo ngại về tác động của cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump đối với nền kinh tế toàn cầu.

Câu lạc bộ các quốc gia được xếp hạng tín nhiệm hoàn hảo

Phần bù rủi ro kỳ hạn

Hầu hết quy mô của các đợt chào bán trái phiếu kho bạc Mỹ, trái phiếu chính phủ Anh và trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) đều ở mức cao, do lo ngại rằng chiến tranh thương mại và cắt giảm thuế của Tổng thống Trump sẽ làm tăng lạm phát và buộc các chính phủ phải chi tiêu nhiều hơn.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 30 năm đã đạt mức cao nhất kể từ cuối những năm 1990 trong năm nay. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm đang ở mức quanh 5,09%, tăng 70 điểm cơ bản kể từ tháng 3. Theo Moody's, nợ công của Mỹ chiếm khoảng 100% GDP và dự kiến ​​sẽ tăng lên 134% trong thập kỷ tới.

Lý do chính khiến các nhà đầu tư lớn không còn quá mặn mà với trái phiếu chính phủ là do "phần bù rủi ro kỳ hạn" - lợi suất trái phiếu tăng thêm mà những người nắm giữ trái phiếu mong đợi khi giữ tiền trong một thời gian dài.

Phần bù rủi ro kỳ hạn đối với trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm (khoản lợi nhuận bổ sung mà các nhà đầu tư yêu cầu khi nắm giữ trái phiếu dài hạn hơn là gia hạn nợ ngắn hạn) được ước tính ở mức 0,79%. Con số này có vẻ quá thấp trong bối cảnh này, và thấp hơn mức năm 2011, khi nợ của Mỹ ở mức tương tự và chỉ bằng một phần nhỏ so với mức 5% trong thời kỳ đình lạm những năm 1970.

"Mọi người đang định giá lại phần bù rủi ro kỳ hạn. Đây là mối lo ngại âm ỉ nhưng không trở thành vấn đề cho đến khi nó trở thành vấn đề", Rong Ren Goh, nhà quản lý danh mục đầu tư trong nhóm thu nhập cố định tại Eastspring Investments cho biết.

Thử nghiệm và sai lầm

Tổng nợ chưa thanh toán của chính phủ liên bang Mỹ là 36.200 tỷ USD vào cuối năm 2024. Tính đến tháng 3, người nước ngoài nắm giữ hơn 9.000 tỷ USD, trong đó Nhật Bản chiếm 1.100 tỷ USD và Trung Quốc chiếm 965 tỷ USD.

Sự tham gia của người nước ngoài trong phiên đấu giá trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm gần đây nhất là thấp nhất kể từ năm 2019, chỉ ở mức 58,88% và đã giảm dần kể từ tháng 10/2024.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư từ Nhật Bản đã bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn dài hơn, khiến lợi suất tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong tuần này.

"Bức tranh lớn hơn là thâm hụt thực sự quan trọng, chính sách tài khóa cũng quan trọng và không gian tài khóa là hữu hạn… Và không chỉ Mỹ có vấn đề về chính sách tài khóa", Robin Brooks, thành viên cấp cao tại Viện Brookings cho biết.

Tại Nhật Bản, mối lo ngại về thị trường trái phiếu xuất phát từ các biện pháp kích thích tài khóa mà các nhà lập pháp đã lên kế hoạch trước cuộc bầu cử thượng viện dự kiến ​​diễn ra vào tháng 7, điều này có thể làm chính phủ sẽ vay nhiều hơn vào thời điểm Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng đang giảm mua trái phiếu.

Tỷ lệ nợ/GDP của các quốc gia G7

"Mọi người kỳ vọng BOJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất và giảm lượng nắm giữ JGB… Nhiều nhà đầu tư có lẽ đang nghĩ, đặc biệt là đối với trái phiếu siêu dài hạn, mức lợi suất nào phù hợp với lãi suất chính sách, chẳng hạn như 1,25% và không có sự hỗ trợ từ hoạt động mua vào của BOJ. Chúng tôi đang trong quá trình tìm kiếm sự cân bằng đó. Đó là một quá trình thử nghiệm và sai sót", Masayuki Kichikawa, chiến lược gia vĩ mô trưởng tại Sumitomo Mitsui DS Asset Management cho biết.

Mặt khác, Đức có thể nổi lên là quốc gia chiến thắng trong quá trình thử nghiệm và sai sót. Mặc dù lợi suất trái phiếu của nước này cũng tăng đột biến trong năm nay sau các biện pháp kích thích lớn báo hiệu sẽ có nhiều khoản vay hơn, nhưng nước này vẫn là nền kinh tế duy nhất trong G7 có tỷ lệ nợ trên GDP dưới 100%.

Trên thực tế, trong đợt bán tháo trái phiếu toàn cầu diễn ra vào tháng 4, các nhà đầu tư đã đổ xô vào trái phiếu Đức.

"Bất chấp các cam kết chi tiêu của Đức, mức nợ sẽ vẫn tương đối thấp và tăng trưởng có thể sẽ được thúc đẩy trong dài hạn", chiến lược gia Guy Miller cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục