Thị trường trái phiếu Việt Nam mới chỉ bắt đầu phát triển khoảng một năm trở lại đây nhưng đang hứa hẹn là một thị trường hấp dẫn cho các định chế tài chính. Hỗ trợ cho sự phát triển này, một Ban vận động thành lập Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam đã được thành lập, khả năng Hiệp hội này sẽ sớm ra mắt trên thị trường.
Kiếm lời tốt
Các định chế tài chính có thể mua trái phiếu trên thị trường sơ cấp (thị trường phát hành) như mua trái phiếu chính phủ qua Bộ Tài chính, mua trái phiếu doanh nghiệp khi các doanh nghiệp phát hành. Trái phiếu có thể được mua tại thị trường thứ cấp - nơi mua đi bán lại các loại trái phiếu đã được phát hành, mà dễ trông thấy là qua hai Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. HCM - nơi các loại trái phiếu được niêm yết. Theo số liệu của CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS), tính tới thời điểm này đã có 57 nghìn tỷ đồng trái phiếu các loại được niêm yết. Mặc dù số lượng còn khiêm tốn với trị giá gần 4 tỷ USD, nhưng số lượng giao dịch khá sôi động. Theo những thống kê chưa đầy đủ, trung bình một ngày có khoảng 15 - 20 triệu USD trái phiếu được giao dịch, có những ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đầu tư rất mạnh trên thị trường thứ cấp với tổng khối lượng giao dịch khoảng 1,5 tỷ USD từ đầu năm tới nay.
Theo lãnh đạo một ngân hàng, nói đến trái phiếu trước đây mọi người thường hiểu theo nghĩa “mua rồi để đấy và hưởng lãi”. Những ngân hàng, công ty bảo hiểm... phân tán nguồn vốn đầu tư của mình thì mua các loại trái phiếu, giấy tờ có giá và chờ vài năm đáo hạn để lĩnh lãi. Nhưng khoảng một năm trở lại đây, khi lãi suất trên thị trường biến động mạnh, giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp đã trở lên sôi động hơn, đầu tư dài hạn, ngắn hạn, đầu tư chênh lệch lãi suất theo nguyên tắc chênh lệch thời hạn, các loại nghiệp vụ phái sinh như repo... rất nhộn nhịp.
Tháng 6/2006, lãi suất trái phiếu dài hạn khoảng trên 9%/năm, nhưng đến tháng 2/2007 khi nhiều định chế tham gia đầu tư, lãi suất đã hạ xuống còn trên 6%/năm. Những định chế tài chính mua trái phiếu vào giữa năm ngoái bán lại trái phiếu vào đầu năm nay sẽ được hưởng một khoản chênh lệch lãi suất gần 3%/năm. Với giá trị giao dịch trái phiếu cả ngàn tỷ đồng thì mức chênh lệch này không hề nhỏ. “Trên thị trường trái phiếu, giao dịch với khối lượng lớn thì mức chênh lệch lãi suất khoảng 0,1%/năm cũng là rất ý nghĩa với các tổ chức đầu tư”, vị lãnh đạo này cho biết.
Cũng theo vị lãnh đạo trên, kiểu kinh doanh này chỉ là một trong các hình thức đầu tư rất đa dạng trên thị trường trái phiếu. Nó cũng đòi hỏi sự phân tích rất kỹ càng như đầu tư cổ phiếu, nhưng có điều khác là không phải dự đoán thị giá tăng hay giảm mà là lãi suất thị trường tăng hay giảm.
Tìm sự hoàn thiện
Thị trường trái phiếu phát triển cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp lớn của Việt Nam tham gia vào thị trường để huy động vốn đầu tư phát triển, như ENV, Vinashin… và tới đây là Công ty tài chính dầu khí (PVFC).
Đợt phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu của Vinashin vừa qua đã có số lượng đặt mua gấp 3 lần khối lượng phát hành và 95% trái phiếu phát hành do các nhà đầu tư nước ngoài mua vào. Những trái phiếu mới này sẽ giúp hàng hóa thị trường đa dạng hơn, thay vì có tới 80% trái phiếu phát hành trên thị trường hiện nay là trái phiếu chính phủ.
Để thị trường vận hành thông suốt, các định chế tài chính gồm các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán... đã thành lập một Diễn đàn trái phiếu Việt Nam và hoạt động khá sôi động. Hiện tổng số thành viên tham gia đã lên tới 38 định chế tài chính, dự kiến diễn đàn này sẽ là cơ sở bước đầu sẽ tiến tới thành lập Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam.
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Phó Ban nguồn vốn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, việc thành lập Hiệp hội sẽ giúp thị trường vận hành tốt hơn. Ngoài mục đích quy tụ các thành viên tham gia giao dịch, Hiệp hội sẽ xây dựng các quy tắc giao dịch chung thống nhất cho thị trường, khắc phục tình trạng hiện nay là mỗi thành viên tham gia giao dịch lại có quy định riêng, có biểu mẫu hợp đồng riêng, khiến giao dịch không thực sự thông suốt.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng đóng vai trò là đơn vị tư vấn cho các cơ quan quản lý về định hướng phát triển thị trường, xây dựng các quy tắc ứng xử trong giao dịch...
Theo đánh giá sơ bộ của một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, lợi nhuận từ kinh doanh trái phiếu đang chiếm ít nhất 30% lợi nhuận kinh doanh tiền tệ của phòng vốn ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay. Tại một số ngân hàng, con số này lên tới 70%.