Khối lượng vốn lớn lại đổ vào trái phiếu doanh nghiệp
Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong quý cuối năm 2024, đã có 138 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ, với tổng trị giá 130.420 tỷ đồng, giảm 12,1% so với quý trước và không biến động nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định, mặc dù có sự chậm lại trong quý IV/2024 nhưng so với các giai đoạn trước, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 3 quý gần nhất có sự bứt phá.
Tính cả năm 2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu đạt hơn 447.000 tỷ đồng, tăng gần 32% so với năm 2023. Điều này cho thấy sau giai đoạn khủng hoảng về niềm tin khiến quy mô phát hành sụt giảm mạnh trong năm 2022 và hồi phục nhẹ năm 2023 thì trong năm 2024 đã có sự cải thiện mạnh mẽ hơn.
Nhóm ngân hàng đóng vai trò chính yếu trong sự hồi phục của thị trường trái phiếu. Trong Top 10 doanh nghiệp có giá trị phát hành lớn nhất trong năm 2024, có tới 9 tổ chức phát hành thuộc ngành ngân hàng.
Nhu cầu phát hành trái phiếu của các ngân hàng thương mại tăng hơn 50% so với năm 2023 và chiếm hơn 65% tổng lượng trái phiếu phát hành mới trong cả năm 2024.
Dự kiến, với nhu cầu về vốn để đảm bảo an toàn vốn và tăng trưởng tín dụng trong năm sau thì xu hướng phát hành của nhóm ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2025.
Xếp sau ngân hàng là nhóm bất động sản và xây dựng, với việc đóng góp tỷ trọng 18,2% vào tổng lượng trái phiếu phát hành mới trong năm 2024.
PHS cho biết, tình hình trái phiếu chậm trả gốc và lãi trong nửa cuối năm 2024 cũng thấp hơn rất nhiều so với năm 2023, dao động từ 10.000-15.000 tỷ đồng/tháng.
Xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho thị trường trong năm sau, đặc biệt là khi lượng trái phiếu đáo hạn giảm bớt so với các năm trước đó, giúp tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quay trở lại thị trường.
Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua trong tháng 12/2024 cũng giúp hoàn thiện khung pháp lý để hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, quy định về việc giới hạn gia hạn trái phiếu tối đa 2 năm sẽ dẫn đến khối lượng lớn trái phiếu đáo hạn kể từ quý II/2025.
Theo đó, áp lực đáo hạn sẽ gia tăng dần và đạt đỉnh vào quý III/2025, phần nào tác động đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn nửa cuối năm.
Đây cũng là nhận định của Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) khi bàn về áp lực của thị trường trái phiếu năm 2025.
Theo ABS, riêng trong riêng quý III/2025, lượng trái phiếu đạt 120.000 tỷ đồng, gấp 1,6 lần cùng kỳ, gây áp lực lên thị trường tài chính. Khu vực doanh nghiệp bất động sản và các tổ chức tín dụng có tỷ lệ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong năm 2025, với tỷ lệ lần lượt là 46% và 25,1%.
Dần lấy lại niềm tin
Đánh giá được PHS đưa ra, giai đoạn rủi ro nhất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã qua, đặc biệt là khi các quy định pháp lý mới được áp dụng, giúp thị trường minh bạch, bền vững hơn.
Mặt bằng lãi suất tiết kiệm ổn định ở mức 4-5%/năm cũng thúc đẩy dòng tiền từ nhà đầu tư chuyển dịch sang các kênh đầu tư có lợi suất cao hơn.
Năm 2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu đạt hơn 447.000 tỷ đồng, tăng gần 32% so với năm 2023.
Bên cạnh đó, nền kinh tế tăng trưởng tốt cũng sẽ kéo theo kỳ vọng về sự hồi phục trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó giúp cho chất lượng tài sản của các doanh nghiệp tốt hơn và là cơ sở để nhà đầu tư gia tăng niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
ABS cũng có cái nhìn tích cực hơn về thị trường, đặc biệt việc thị trường bất động sản dự báo ấm lên sẽ giúp cải thiện dòng tiền trả nợ của nhiều doanh nghiệp.
Trong khi đó, nhu cầu vốn cho triển khai các dự án mới sẽ gia tăng. Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán sửa đổi siết chặt điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân mua trái phiếu phát hành riêng lẻ, chỉ khi doanh nghiệp phát hành đáp ứng được điều kiện về xếp hạng tín nhiệm, tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh ngân hàng...
Đồng thời, Luật bổ sung quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, siết chặt quy định công bố thông tin, trách nhiệm của cơ quan quản lý và các bên liên quan… Các quy định mới một mặt sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, cải thiện chất lượng trái phiếu và hoạt động phát hành ra thị trường, mặt khác giúp cải thiện niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Nhận định về kênh trái phiếu năm 2025, ông Lê Quang Hưng, Giám đốc cao cấp Phân tích đầu tư Công ty cổ phần Quản lý quỹ Kỹ Thương (Techcom Capital) cho rằng, đây là một kênh đầu đem lại nguồn thu nhập ổn định mà nhà đầu tư có thể cân nhắc.
Ông Hưng đánh giá kênh đầu tư này sẽ phát triển tốt trong năm 2025, đặc biệt khi thị trường đã trải qua những biến động lớn trong giai đoạn 2023 vừa qua. Đồng thời gần đây, nhiều quy định mới được ban hành nhằm nâng cao tính minh bạch của thị trường trái phiếu, bảo vệ nhà đầu tư. Đây là điều quan trọng để thị trường trái phiếu phát triển bền vững.
“Hiện trái phiếu doanh nghiệp đang dần lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư”, ông Hưng nhận xét.
Ở góc độ của đơn vị xếp hạng tín nhiệm, ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Ratings (SGR) nhận định, năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã từng bước phục hồi nhưng chưa thực sự bền vững. Áp lực đáo hạn trong giai đoạn 2025 - 2026 sẽ không hề nhỏ.
Theo ông Minh, có ba vấn đề chính trên thị trường trái phiếu hiện nay. Thứ nhất là niềm tin thị trường. Thông qua các chính sách của cơ quan quản lý, các chế tài xử lý sai phạm những vụ bê bối vừa qua đã góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Thứ hai là chất lượng của nhà phát hành. Các tổ chức phát hành đang cố gắng hồi phục sức khỏe tài chính, tuy nhiên vẫn chưa thực sự mạnh.
Thứ ba là chất lượng thông tin cung cấp ra thị trường. Theo quy định pháp luật hiện hành, chỉ có một số đối tượng bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tỷ lệ tổ chức phát hành phải xếp hạng tín nhiệm hiện nay chưa cao so với số lượng phát hành thực tế ra thị trường.
Bởi vậy, theo Chủ tịch Saigon Ratings, xét trong ngắn hạn, yếu tố quan trọng nhất để thị trường trái phiếu phát triển là chính sách. Cần ban hành các văn bản dưới luật nhanh nhất, hiệu quả nhất để tạo khuôn khổ pháp lý cho thị trường trái phiếu phát triển.
Tiếp nữa, thị trường Việt Nam cần thu hút thêm nhiều nhà đầu tư ngoại, dù là trên thị trường chứng khoán hay trái phiếu. Hiện các nhà đầu tư ngoại cũng rất quan tâm đến việc đầu tư vào các thị trường trái phiếu, chứng khoán Việt Nam, từ đó thu hút thêm nguồn lực đa dạng từ nước ngoài.
“Xét về dài hạn, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là củng cố vững chắc cái gốc - chính là niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu”, ông Minh khẳng định.