Thị trường tiền tệ "êm đềm" trước tết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất huy động nhích lên trong mùa cao điểm cầu vốn cuối năm, song mặt bằng lãi suất nhìn chung vẫn ổn định ở mức thấp.
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng phổ biến quanh mức 6%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng phổ biến quanh mức 6%/năm.

Không dễ hưởng lãi suất tiết kiệm trên 7%/năm

Cuối tháng 11, một số ngân hàng chào mức lãi suất huy động từ 7%/năm trở lên. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng cho những khách hàng có khoản tiền gửi vài trăm tỷ đồng trở lên.

Ngân hàng có lãi suất đặc biệt cao nhất là PVComBank, khi niêm yết mức lãi suất tại quầy là 9,5%/năm cho kỳ hạn 12 - 13 tháng. Điều kiện để được hưởng mức lãi suất này là khách hàng phải có số dư tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.

HDBank chào mức lãi suất huy động cao nhất là 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, song điều kiện là khách hàng phải duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng.

Tương tự, MSB áp dụng lãi suất tiền gửi tại quầy lên tới 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng cho sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1/1/2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.

Dong A Bank áp dụng mức lãi suất cao lên tới 7,5%/năm dành cho khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ, với khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên.

Ngoài 4 ngân hàng trả lãi lên tới 7%/năm trở lên, theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, trên thị trường, có 9 ngân hàng vẫn áp dụng lãi suất từ 6%/năm trở lên cho khoản tiền gửi kỳ hạn dài…

Có thể nói, dù các ngân hàng có điều chỉnh lãi suất tiết kiệm tăng so với giữa năm 2024, song người gửi tiền khó có thể được hưởng mức lãi suất cao vì điều kiện rất khắt khe. Còn cơ bản, mặt bằng lãi suất huy động vẫn giữ ổn định ở vùng thấp.

Tại cuộc họp báo quý III/2024 mới đây, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng vẫn ổn định và còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng. Các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho nền kinh tế.

NHNN cũng công bố diễn biến lãi suất của tổ chức tín dụng đối với khách hàng trong tháng 10.

Theo đó, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,9 - 3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4 - 5,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,2 - 6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng; 6,9 - 7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Còn tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 31/10/2024 đã đạt hơn 10% so với cuối năm ngoái. Đây là yếu tố thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục tăng huy động vốn mới, qua đó, giúp đảm bảo thanh khoản cuối năm.

Tỷ lệ NIM của các nhà băng đang ngày càng mỏng dần. Nguyên do là các ngân hàng vẫn đang phải tăng lãi suất huy động để hút nguồn vốn phục vụ nhu cầu kinh doanh cuối năm cũng như đảm bảo cạnh tranh với các kênh đầu tư khác.

Trong khi đó, lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp. Nếu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, NIM của nhiều ngân hàng sẽ về dưới mức 3%, nhất là tại các ngân hàng thương mại cổ phần không có lợi thế nguồn vốn rẻ, hay tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) thấp.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán MBS, xu hướng tăng lãi suất sẽ được các nhà băng duy trì, chủ yếu do tín dụng tăng tốc dịp cuối năm, tuy nhiên, mức tăng lãi suất huy động không đáng kể. Các chuyên gia MBS dự báo, lãi suất đầu vào sẽ tăng nhẹ 0,2%/năm vào cuối năm.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam đánh giá, để lãi suất huy động tăng cao trong bối cảnh hiện nay là rất khó, kể cả khi cầu vốn tăng cao vào cuối năm.

Luận điểm của ông Khoa là, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát (số liệu mới nhất hiện được kiểm soát 3,6 - 3,7%) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hai lần giảm lãi suất. Mặt bằng lãi suất chung của thế giới đang đi xuống thì không có lý do gì lãi suất huy động ở trong nước lại tăng cao, song cũng khó giảm thêm.

Giữ ổn định lãi suất cho vay

Trong 10 tháng qua, NHNN giữ nguyên lãi suất điều hành (sau khi đã giảm 4 lần liên tiếp năm 2023) nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ tiếp tục giảm mạnh. Lãi suất cho vay bình quân năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022 và theo NHNN, đến ngày 20/10/2024 tiếp tục giảm 0,76%/năm so với cuối năm 2023.

Thực tế về kết quả ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt thời qua, cũng như tốc độ tăng trưởng tiền gửi, tăng trưởng tín dụng là minh chứng cho hiệu quả chính sách và điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN.

Mới đây, cơ quan này đã ban hành các quyết định về lãi suất tiền gửi tại các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó, NHNN quy định cụ thể mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng bằng VND là 0,5%/năm; loại tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%/năm.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM đánh giá, ở góc độ nghiệp vụ, việc ban hành các quyết định về lãi suất để phù hợp với các thông tư mới được ban hành, song nhìn ở góc độ chính sách, các mức lãi suất này không thay đổi và trong vai trò là công cụ điều hành, việc lãi suất tiền gửi bằng VND (đối với loại tiền gửi dưới 6 tháng) không thay đổi, tiếp tục phản ánh định hướng điều hành và thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN.

Theo ông Lệnh, việc NHNN duy trì mức lãi suất này tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong điều hành chính sách tiền tệ để thực hiện nhiệm vụ kép vừa ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Với các mức lãi suất điều hành đang áp dụng và kết quả ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong suốt thời gian qua, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.

Lãi suất tiền gửi ngắn hạn không tăng sẽ là cơ cở quan trọng để các tổ chức tín dụng và ngành ngân hàng giảm lãi suất cho vay hoặc giữ ổn định lãi suất cho vay bền vững. Đây là yếu tố quan trọng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ theo chỉ đạo của NHNN trong năm 2024 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình cho vay để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, để giảm thêm lãi suất cho vay trong thời gian tới được xem là thách thức, khó khăn đối với các ngân hàng, nhất là trước bối cảnh nợ xấu tăng, áp lực tỷ giá.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, tỷ lệ NIM của các nhà băng đang ngày càng mỏng dần. Nguyên do là các ngân hàng vẫn đang phải tăng lãi suất huy động để hút nguồn vốn phục vụ nhu cầu kinh doanh cuối năm cũng như đảm bảo cạnh tranh với các kênh đầu tư khác.

Trong khi đó, lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp. Nếu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, NIM của nhiều ngân hàng sẽ về dưới mức 3%, nhất là tại các ngân hàng thương mại cổ phần không có lợi thế nguồn vốn rẻ, hay tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) thấp.

Thực tế, ngay tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước chi phối, Vietcombank chỉ ghi nhận NIM 2,98% trong quý III/2024, thấp hơn mức 3,01% trong quý II/2024; VietinBank ghi nhận NIM đạt 2,91% trong quý III/2024… Trong khi đó, NIM phải giữ ở mức 3 - 3,5% mới đảm bảo cho sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, dịp cuối năm, nhu cầu tín dụng tăng cũng sẽ là một yếu tố khiến mặt bằng lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục