Những kêu ca về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thắt chặt kênh cung vốn qua thị trường mở (OMO), cơ quan này đã có điều chỉnh. Trong những ngày qua, lượng vốn cho vay qua OMO có những ngày đã đạt tới 14.000 tỷ đồng, một con số lớn hơn rất nhiều so với những tuần trước đó, khi mà doanh số của cả tuần cũng chỉ xấp xỉ 30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này, một vị lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, dù NHNN đã cho vay nhiều hơn, nhưng điều quan trọng là thời hạn quá ngắn, chỉ tối đa 2 tuần. “Do đó, lượng tiền này tuy lớn nhưng chỉ để bù đắp thanh khoản tạm thời”.
Để có nguồn vốn dài hạn hơn, hiện nay trên thị trường, các ngân hàng vẫn tiếp tục dùng những “cách riêng” để tăng thêm lãi suất huy động như lãi suất thưởng và các hình thức khuyến mại khác.
Tuy nhiên, theo ghi nhận sơ bộ từ một số ngân hàng lớn thì tình hình huy động vốn từ dân cư tuy có tăng so với tháng trước nhưng chưa được cải thiện nhiều. Trong nhiều tình huống “cần kíp” về vốn, nhiều ngân hàng cũng phải chấp nhận những giải pháp “giật gấu vá vai”.
Một vị lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần tiết lộ rằng, họ vừa phải vay trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng với mức lãi suất… 14%/năm. Phương thức cho vay ở đây là một Ngân hàng A có vốn tiền đồng cho Ngân hàng B vay với lãi suất 12%/năm. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Ngân hàng B sẽ phải gửi một số tiền ngoại tệ tương ứng tại Ngân hàng A với mức lãi suất chỉ là 2%/năm có cùng kỳ hạn.
“Chúng tôi đã phải huy động USD với lãi suất 4%/năm, nay phải chấp nhận gửi tại ngân hàng khác với mức lãi suất chỉ 2%/năm, tức là chịu lỗ 2%/năm. Tính tổng cộng lại, chúng tôi đã phải trả 14%/năm cho khoản vay bằng tiền đồng đó. Nhưng để có được vốn kỳ hạn 4 tuần trở lên thì đó là cách duy nhất”, vị lãnh đạo này cho biết.
Hiện nay, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng bị áp mức trần 12%/năm, do vậy, có thể coi như đây là một “thủ thuật hợp pháp” của các ngân hàng để lách trần lãi suất.
Vị lãnh đạo ngân hàng trên cho rằng, NHNN nên kéo dài hơn thời hạn cho vay vốn qua kênh OMO lên 3 - 4 tuần và “thậm chí là cho vay với mức lãi suất cao hơn như 10 -11%/năm, ngang với lãi suất huy động trên thị trường”. Hiện tại, mức lãi suất cho vay qua kênh OMO là 8%/năm.
Có thể nói, việc NHNN chỉ cho các ngân hàng thương mại vay vốn ngắn hạn 1-2 tuần là nhằm mục đích hạn chế tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm khi mà nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp tăng cao hơn thì có lẽ cơ quan quản lý cũng không thể thắt quá chặt.
Trong khi đó, theo một nguồn tin của ĐTCK, lãi suất cơ bản nhiều khả năng sẽ được giữ nguyên trong tháng 1/2010, nghĩa là trần lãi suất vẫn được giữ ở mức 12%/năm. Tức là dù có muốn các ngân hàng cũng không thể tăng lãi suất huy động lên hơn nữa với kỳ vọng tăng khả năng huy động vốn từ dân cư.
Mặc dù vậy, vấn đề vốn của các ngân hàng đang có những tín hiệu mừng. Hiện nay, NHNN đang chuẩn bị có những văn bản pháp luật cụ thể về việc các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn bán lại ngoại tệ cho các ngân hàng bắt đầu từ tháng 1/2010. Khi đó, đổi lại với lượng ngoại tệ NHNN mua vào sẽ có một lượng tiền đồng tương ứng được cung ra thị trường. Đó chính là lối thoát cho các ngân hàng!