Miếng bánh ngon hàng trăm tỷ USD
Quy mô dân số gần 100 triệu của Việt Nam khiến bất kỳ đại gia ngành hàng tiêu dùng thực phẩm nào cũng phải khát khao, dù cạnh tranh trong lĩnh vực này vô cùng khốc liệt. Có thể kể tên vô số đại gia chế biến thực phẩm - đồ uống của cả trong và ngoài nước như: Masan, Visan, CP, Dabaco, Japfa Comfeed, Ba Huân, Minh Phú, Hùng Vương, Vĩnh Hoàn, Navico, Gò Đàng, IDI Seafood, Vinamilk, TH true MILK, IDP, Cô gái Hà Lan, Nutifood, Habeco, Sabeco, Tribeco, Tân Hiệp Phát, Coca-Cola, PepsiCo, URC, Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị…
Theo dự báo của Hãng BMI Research, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam sẽ tăng trưởng 10,2% trong năm 2016 và tăng trưởng kép hàng năm cho giai đoạn 2015-2020 là 10,9%. Trong đó, tăng trưởng của ngành sữa dự kiến khoảng 10%, của đồ uống có cồn là 11,1%... Thu nhập của người dân Việt Nam vẫn thấp hơn các nước phát triển, vì vậy, nhu cầu tiêu dùng sẽ tập trung vào nhóm hàng thực phẩm và đồ dùng thiết yếu.
Tính đến giữa tháng 10/2016, Việt Nam đã nhập khẩu gần 655 triệu USD sữa và sản phẩm sữa, gần 700 triệu USD rau quả, 670 triệu USD thực phẩm chế phẩm khác…
Nghiên cứu của BMI cho thấy, cơ hội trong ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam vẫn còn rất lớn, đặc biệt là ngành đồ uống, thực phẩm chế biến và sữa. Điều này cũng lý giải vì sao hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực này luôn diễn ra sôi động và thị trường ngày càng xuất hiện nhiều gương mặt mới đầy tiềm năng.
Điển hình cho hoạt động thâu tóm các công ty con và chuyển hướng mạnh sang kinh doanh thực phẩm có thể kể đến Công ty cổ phần Tập đoàn Masan. Tính đến nay, Masan đã mạnh tay chi hàng chục ngàn tỷ đồng để mua lượng lớn cổ phần trong các công ty con, công ty liên kết, tiêu biểu là thương vụ mua lại cổ phần của VinaCafe Biên Hòa, Anco, Cholimex, Vissan…
Tương tự, Tập đoàn Kido, Pan Group thời gian qua cũng ra sức tiến hành hàng loạt hoạt động M&A để gia tăng thị phần. Mới đây, nhiều ông lớn khác như Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup… cũng bắt đầu tham gia thị trường thực phẩm.
Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, song giá trị mang về chưa xứng với tiềm năng, một phần do công nghiệp chế biến thực phẩm chưa thực sự phát triển. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, nhu cầu thực phẩm sạch và thói quen tiêu dùng của người dân đang thay đổi, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư thực phẩm sạch.
“Gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã nghiên cứu và quyết định đầu tư vào nông nghiệp. Ví dụ, Vingroup đã lập VinEco với số vốn 2.000 tỷ đồng cùng chiến lược 2 năm phấn đấu hoàn thành khoảng 300 nhà kính tập trung sản xuất rau sạch. Trong chuỗi sản phẩm về thịt lợn, gà, Tập đoàn Dabaco ở Bắc Ninh 1 năm sản xuất tới 45 triệu con giống, mỗi ngày 1 triệu trứng thương phẩm, 8 siêu thị phân phối sản phẩm sạch... Nhiều doanh nghiệp đã nhìn thấy tiềm năng, khả năng có thể sinh lời trong nông nghiệp”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhận định.
Còn nhiều đất cho doanh nghiệp ngoại
Mặc dù dư địa của thị trường thực phẩm đổ uống của Việt Nam vẫn còn rất lớn, song cạnh tranh trong lĩnh vực này cũng không đơn giản do thị trường đã có quá nhiều “cá mập”. Bên cạnh đó, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, thực phẩm - đồ uống nhập khẩu đang ồ ạt tràn vào Việt Nam.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến giữa tháng 10/2016, nước ta đã nhập khẩu gần 655 triệu USD sữa và sản phẩm sữa, gần 700 triệu USD rau quả, 670 triệu USD thực phẩm chế phẩm khác…
“Đánh hơi” được tiềm năng của thị trường tiêu dùng Việt Nam, ngày càng nhiều quốc gia gây sức ép để xuất khẩu thực phẩm sang Việt Nam. Không chỉ thịt bò, thịt gà Mỹ đang tràn ngập các siêu thị mà thịt nhập khẩu từ EU cũng liên tục tăng nhanh vài năm gần đây. Từ chỗ chỉ đạt hơn 7 triệu euro năm 2013, năm nay, xuất khẩu thịt từ EU sang Việt Nam có thể vượt 25 triệu euro. Đặc biệt, thịt lợn - vốn là thế mạnh của ngành chăn nuôi trong nước cũng đang chịu cạnh tranh khốc liệt. Vài năm gần đây, Canada, Ba Lan, Pháp, Nga… cũng tăng cường tiếp thị để xuất khẩu thịt sang Việt Nam. Xuất khẩu thịt lợn Canada sang Việt Nam vài năm gần đây đều tăng trên 200%.
Theo ông Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, thời gian tới, thịt nhập ngoại sẽ tràn vào nước ta ngày càng nhiều và nhiều ngành chăn nuôi có nguy cơ phải phá sản.
Không chỉ nhập khẩu, rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang tìm hiểu để đầu tư vào công nghiệp thực phẩm nước ta. Nếu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, chắc chắn làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thực phẩm sẽ còn tăng mạnh.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2016 đạt gần 30 tỷ USD. Dự báo, doanh số tiêu thụ thực phẩm thời gian tới tiếp tục tăng trên 10%. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước phải lường trước được sự đổ bộ của thịt nhập khẩu và sự cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoại để có chiến lược ứng phó.