Thị trường thẻ: Bao giờ mới hết cát cứ?

(ĐTCK-online) Thị trường thẻ Việt Nam trong vài năm gần đây, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Viết Ngoạn, không chỉ tăng trưởng mạnh mà là bùng nổ. Trong thời gian tới, thị trường thẻ tiếp tục bùng nổ với tốc độ cao hơn. Tuy nhiên, hàng loạt sự cố xảy ra đối với hệ thống máy ATM đã khiến người sử dụng thẻ hết sức bức xúc.
Ông Vũ Viết Ngoạn. Ông Vũ Viết Ngoạn.

Ông đánh giá thế nào về tình trạng tắc nghẽn tại máy ATM đặt ở các khu công nghiệp, khu chế xuất?

Vào thời điểm lĩnh lương, hàng trăm người xếp hàng chờ rút tiền tại máy ATM có thể ví như tình trạng tắc nghẽn giao thông. Cụ thể, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông phát triển chậm thì phương tiện giao thông tăng rất mạnh và đều đổ ra đường vào cùng một thời điểm thì việc tắc nghẽn giao thông là đương nhiên.

 

Có thể hiểu, trong khi số lượng thẻ tăng chóng mặt thì hệ thống máy ATM không tăng kịp đã dẫn đến sự tắc nghẽn?

Đúng vậy. Có thể nói, hệ thống ngân hàng chưa chuẩn bị kịp trước sự bùng nổ của thị trường thẻ. Việc này một phần do lịch sử để lại. Đến khi người dân nhận thấy sự thuận tiện, tính ưu việt của thẻ ATM thì các ngân hàng không dự báo được tốc độ tăng trưởng nên không có kế hoạch xây dựng một hệ thống đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

 

Nhưng bây giờ thì các ngân hàng đã dự báo được tốc độ tăng trưởng của thị trường thẻ?

Từ khi dự báo, lên kế hoạch xây dựng và thực hiện kế hoạch là cả một quá trình và mất rất nhiều thời gian vì công nghệ thẻ ngân hàng không chỉ hiện đại, mà đòi hỏi phải tập trung dữ liệu. Để tập trung được dữ liệu, các ngân hàng phải liên kết với nhau. Điều này không dễ vì hoạt động của các ngân hàng Việt Nam hiện nay rất phân tán, mặc dù các ngân hàng đã nhận thức việc liên kết là cần thiết trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và đã bắt đầu có sự hợp tác. Đánh giá chung về dịch vụ thẻ ngân hàng Việt Nam có thể khái quát: số lượng máy ATM quá ít; phần mềm sử dụng còn hạn chế; nhân lực để quản lý, theo dõi, giám sát hệ thống máy móc cũng như những dịch vụ đi kèm đều kém. Với thực tế này, nếu không gây ra tắc nghẽn mới là lạ.

 

Thế còn tình trạng máy ATM thường xuyên báo lỗi mỗi khi khách hàng giao dịch thì sao, thưa ông?

Do nhân lực chưa theo kịp với sự phát triển nên việc bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ không được thực hiện đầy đủ theo quy trình đã dẫn tới tình trạng này. Hiện trong nước có rất ít doanh nghiệp có đủ kỹ thuật, công nghệ, nhân lực để làm dịch vụ sửa chữa, bảo trì máy ATM.

 

Mọi việc sẽ đơn giản hơn nếu các ngân hàng liên kết với nhau để cùng sử dụng một hệ thống thẻ?

Câu chuyện liên kết giữa các hệ thống thẻ đã được bàn tới bàn lui nhiều năm rồi, nhưng kết quả thì sự liên kết chặt chẽ vẫn chưa được thiết lập, mặc dù các ngân hàng đều biết rằng, nếu sử dụng chung một hệ thống thẻ sẽ giảm được chi phí, thời gian lắp đặt, bảo dưỡng máy móc và gia tăng dịch vụ ngân hàng, đồng thời tăng được tiện ích đối với người sử dụng. Vì sao lại có tình trạng "cát cứ"? Theo tôi, thứ nhất, hệ thống công nghệ của một số ngân hàng chưa đồng bộ với nhau; thứ hai, tư duy của lãnh đạo ngân hàng chưa thực sự "thoáng" khi người ta đều muốn "ngồi chiếu trên" trong liên minh thẻ. Tôi nghĩ, một khi lãnh đạo ngân hàng chưa chịu thay đổi tư duy thì mơ ước sử dụng một thẻ ATM có thể giao dịch tại tất cả máy ATM còn lâu mới thành hiện thực.

 

Trong điều kiện như vậy, tại sao các ngân hàng vẫn không ngừng mở rộng thị trường thẻ?

Hãy đặt vấn đề ngược lại, nếu có ít người sử dụng thì không có ngân hàng nào tập trung xây dựng máy ATM, phát triển các dịch vụ đi kèm. Đây là mối quan hệ sản xuất - tiêu dùng, nhà sản xuất càng mở rộng được thị trường, càng bán được nhiều hàng thì mới đầu tư cho sản xuất, phát triển chủng loại, mẫu mã hàng hóa, hạ giá thành sản phẩm. Chỉ có điều, khi thị trường đã mở rộng, hệ thống ngân hàng phải tập trung đầu tư để phục vụ khách hàng tốt hơn. Thẻ ngân hàng là sản phẩm công nghệ cao, nên phải đầu tư thích đáng mới có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

 

Tuy vậy, việc hàng triệu người hưởng lương từ ngân sách phải nhận lương qua thẻ ngân hàng cũng là bất cập?

Tôi không nghĩ như vậy. Những năm 1970, khi mà hệ thống ATM ở nước ngoài chưa phát triển nhưng người ta vẫn thực hiện trả lương qua thẻ. Còn ở Việt Nam , người dân quen nhận lương tận tay, bây giờ phải ra ngân hàng hoặc ra máy ATM rút tiền người ta cảm thấy bất cập. Tôi tin rằng, người dân sẽ quen với cơ chế thanh toán văn minh, hiện đại.

Mạnh Bôn thực hiện.
Mạnh Bôn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục