GEX: Lợi nhuận giảm dù vượt kế hoạch
Năm 2020 đánh dấu bước chuyển lớn trong cơ cấu hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam - GELEX (GEX) khi quyết định thoái vốn khỏi Công ty TNHH MTV Gelex Logistic - đơn vị quản lý mảng vận tải, kho vận; đồng thời thực hiện đầu tư vào mảng khu công nghiệp thông qua M&A Tổng công ty Viglacera (VGC) - một trong những doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp hàng đầu đang đầu tư và vận hành 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.400 ha tính đến cuối năm 2019.
Bên cạnh đó, GEX cùng công ty con là Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex sở hữu trên 25% vốn của Tổng công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển khu công nghiệp Dầu khí - Long Sơn (PXL), đơn vị đang thực hiện dự án Khu công nghiệp Long Sơn với diện tích 850 ha.
Trong lần báo cáo kết quả chào mua công khai gần nhất vào ngày 8/10/2020, GEX đã nâng tổng tỷ lệ sở hữu tại VGC lên 46,07%. Như vậy, để sở hữu chi phối 51% theo mục tiêu đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, GEX cần phải mua thêm 4,93%.
Việc có kịp nâng tỷ lệ sở hữu tại VGC lên 51% trước ngày 31/12/2020 hay không sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của GEX năm nay, bởi ở tỷ lệ 51% trở lên, VGC sẽ trở thành công ty con và được hợp nhất vào báo cáo của GEX, còn sở hữu dưới 51%, VGC chỉ là công ty liên kết).
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, GEX đưa 2 ra kịch bản kinh doanh năm nay: nếu không hợp nhất VGC thì kế hoạch doanh thu là 17.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 735 tỷ đồng; với kịch bản hợp nhất VGC từ quý IV/2020, mục tiêu doanh thu là 19.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 975 tỷ đồng.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, GEX đạt 12.164 tỷ đồng doanh thu và 790,9 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; hoàn thành 69,5% kế hoạch doanh thu năm và vượt 7,6% kế hoạch lợi nhuận năm theo kịch bản không hợp nhất VGC. Nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận 9 tháng của GEX giảm 12,2%, chủ yếu do biên lợi nhuận gộp giảm 3,6 điểm phần trăm.
Ngày 14/12, GEX đã chốt danh sách cổ đông để tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường, dự kiến tổ chức ngày 29/12/2020, bàn về kế hoạch chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu.
Diễn biến giá một số cổ phiếu đứng ngoài sóng tăng của VN-Index trong 2 tháng qua. |
PPC, NT2: Lợi nhuận trong chu kỳ thấp điểm
Trong nửa đầu năm, nhóm nhiệt điện ghi nhận lợi nhuận cao nhất vì thời tiết trong mùa khô, nhưng nửa cuối năm là mùa thấp điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhóm này như Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) hay Công ty cổ phần Điện lực dầu khí Nhơn Trạch (NT2), nhất là trong quý III.
Trong quý III/2020, PPC đạt doanh thu 1.557,5 tỷ đồng, giảm 20,5%; lợi nhuận sau thuế 90,3 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, lượng điện của PPC trong quý III/2020 giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, giá bán bình quân (ASP) giảm 3,1%, giá trên thị trường điện cạnh tranh (CGM) giảm 33,3%, trong khi giá than đầu vào tăng 2,5%.
Đây là nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận gộp trong kỳ đều giảm. Thu nhập từ lãi tiền gửi giảm và thiếu vắng hoàn nhập dự phòng khiến doanh thu tài chính giảm mạnh, trong khi chi phí tăng, càng tác động tiêu cực lên lợi nhuận.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, PPC ghi nhận 6.057,2 tỷ đồng doanh thu và 505,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Mặc dù doanh thu tăng 2,5% nhưng lợi nhuận giảm 34,9% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam dự phóng, doanh thu quý IV/2020 của PPC có thể giảm 10%, lợi nhuận sau thuế giảm 38% so với cùng kỳ 2019, khiến lợi nhuận cả năm giảm 36%, còn 804 tỷ đồng.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh suy giảm hoặc triển vọng kém khả quan đứng ngoài xu hướng bùng nổ của kênh đầu tư chứng khoán.
Tại NT2, Công ty lỗ gần 6 tỷ đồng trong quý III/2020, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi sau thuế gần 162 tỷ đồng, còn doanh thu trong kỳ giảm 34%.
Kết quả kinh doanh quý III năm nay suy giảm là kịch bản đã được dự báo trước, bởi doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động nhà máy (từ ngày 15/9 đến 22/10) để tiến hành trung tu mở rộng định kỳ sau 75.000 giờ, dẫn đến sản xuất điện giảm, trong khi các chi phí cố định như khấu hao, lãi vay, chi phí quản lý... không biến động nhiều. Tuy vậy, việc NT2 thua lỗ khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ.
Ngoài ra, tỷ giá diễn biến bất lợi trong quý III khiến doanh thu tài chính của NT2 giảm mạnh, trong khi chi phí tài chính tăng do đánh giá lại số dư các khoản vay có gốc ngoại tệ.
Kết quả kinh doanh quý IV/2020 của NT2 được dự báo sẽ chưa khả quan do việc trung tu kéo dài hết 2/3 thời gian của tháng 10 khiến sản lượng và doanh thu tháng này giảm lần lượt 74% và 65% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu NT2 đi ngang từ đầu quý IV đến nay; giá cổ phiếu PPC đi ngang hơn 1 năm qua.
SCS, NCT: Chông chênh niềm tin hồi phục
9 tháng đầu năm 2020 là giai đoạn khó khăn nhất với nhiều doanh nghiệp ngành dịch vụ sân bay khi dịch bệnh Covid-19 khiến lưu lượng vận chuyển hàng hóa qua kênh này giảm mạnh.
Việt Nam sớm kiểm soát tốt dịch bệnh giúp hoạt động vận tải nội địa được khôi phục, kết quả kinh doanh quý III/2020 của các doanh nghiệp trong ngành có tín hiệu phục hồi sau cơn bĩ cực quý II. Tuy vậy, điều này chưa đủ bù đắp sự sụt giảm hoạt động vận tải hành khách của các đường bay quốc tế.
Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) - đơn vị hiện sở hữu nhà ga hàng hóa lớn nhất tại Sân bay Tân Sơn Nhất, chiếm 48% thị phần trong năm 2019 cho biết, quý III/2020 đạt doanh thu 167 tỷ đồng, giảm 10%; lợi nhuận trước thuế 124 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 115 tỷ đồng, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Với Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT), lợi nhuận trong quý III/2020 đạt 69 tỷ đồng, giảm 8% với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế giảm 25,9%, doanh thu giảm 32,9% so với cùng kỳ.
Nhiều doanh nghiệp khác có nguồn thu từ cung cấp dịch vụ cho hành khách tiếp thục thua lỗ trong quý III/2020 như Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (AST) lỗ 30 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng lỗ 29 tỷ đồng; Công ty cổ phần Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIA) lỗ liên tiếp trong 3 quý đầu năm, tổng lỗ gần 26 tỷ đồng; Công ty cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS ) lỗ 9 tháng 43 tỷ đồng.
Những tin tức tích cực gần đây về sự tiến triển trong việc sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 được kỳ vọng sẽ sớm giúp giảm thiểu tác động của dịch bệnh lên các hoạt động sản xuất - kinh doanh, du lịch, tương ứng cải thiện hiệu quả cho các doanh nghiệp trong ngành hàng không và dịch vụ hàng không. Một số doanh nghiệp còn có triển vọng tăng nguồn thu nhờ tham gia chuỗi vận chuyển và bảo quản vắc-xin. Tuy vậy, để các hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách trở lại như trước dịch cần nhiều thời gian, thậm chí tính bằng năm.
DPM, BFC: Chững lại chờ chính sách
Cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất phân bón như DCM, DPM, BFC là một trong những nhóm có mức sinh lời cao nhất trong giai đoạn quý II và III/2020 Động lực tăng giá là kỳ vọng Luật Thuế giá trị gia tăng sẽ được sửa đổi, trong đó, nhóm phân bón dự kiến được đưa trở lại diện chịu thuế giá trị gia tăng, tương ứng với thuế giá trị gia tăng đầu vào của máy móc, nguyên, nhiên vật liệu, dịch vụ dùng trong sản xuất được khấu trừ.
Việc này sẽ giúp doanh nghiệp giảm giá vốn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, qua đó không chi tăng tính cạnh tranh về giá so với phân bón nhập khẩu mà còn tạo dư địa cải thiện biên lợi nhuận.
Kỳ vọng trên có cơ sở hơn khi đề xuất thay đổi chính sách thuế nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, nhất là sau khi Chính phủ có Nghị quyết số 159/NQ-CP thông qua hồ sơ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón theo đề nghị của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, việc sửa đổi luật thuế bị trì hoãn trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, có thể phải chờ tới kỳ họp nửa cuối năm 2021, thậm chí là năm 2022.
Ngoài câu chuyện thuế không sớm đạt kỳ vọng, triển vọng lợi nhuận năm 2021 của các doanh nghiệp trong ngành phân bón dự báo có thể khó khăn hơn bởi áp lực giá khí đầu vào tăng trở lại.
Trong 9 tháng đầu năm nay, giá khí giảm thấp theo giá dầu đã giúp các doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận gộp, nhất là trong quý II và III, bao gồm cả các doanh nghiệp sử dụng trực tiếp khí là nguyên liệu đầu vào như DCM, DPM, hay những doanh nghiệp được hưởng lợi gián tiếp như BFC, LAS, SFG…
Nhưng hiện nay, giá các sản phẩm dầu mỏ có xu hướng hồi phục, tương ứng giá khí tăng theo sẽ làm tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp.