Trắc trở T+2
Theo khảo sát mới đây của cơ quan quản lý, trong số gần 100 CTCK được gửi công văn, thì chưa đến 10 công ty có phản hồi về việc có thể áp dụng việc bán sớm chứng khoán ngày T+2 và báo cáo về thực trạng công nghệ đang áp dụng. Điều này cho thấy, nhiều CTCK chưa đáp ứng được yêu cầu về công nghệ; mặt khác, mức độ quan tâm của các CTCK là không nhiều.
Hơn thế, theo một số chuyên gia chứng khoán, kiểm soát rủi ro việc bán sớm chứng khoán T+2 là nguyên nhân chính khiến cơ quan quản lý chưa cho phép áp dụng. Một số nước phát triển cho bán chứng khoán T+0, T+1, T+2, thậm chí cho bán khống, là do có một quỹ thanh toán chứng khoán tự động. Quỹ này tập hợp nhiều mã chứng khoán khác nhau, khi CTCK bị thiếu thì quỹ đó sẽ tự động chuyển chứng khoán thanh toán để không ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Sau đó, CTCK bị thiếu chứng khoán sẽ tìm nguồn bù đắp vào sau.
Tại Việt Nam , do chưa hình thành quỹ hỗ trợ thanh toán, nên khi thiếu chứng khoán, việc tìm nguồn bổ sung hết sức khó khăn. Mặc dù đang thực hiện T+3, có nhiều thời gian để xử lý, nhưng khi xảy ra thiếu chứng khoán (dù là khối lượng rất nhỏ) thì CTCK và Trung tâm Lưu ký cũng phải rất khó khăn khi tìm nguồn bù đắp. Nếu chỉ giải quyết riêng vấn đề thanh khoản thì việc cho bán chứng khoán T+2 là rất rủi ro.
Vì những khó khăn kể trên mà đến nay thông tư về giao dịch, trong đó có quy định cho phép bán chứng khoán T+2, vẫn chưa được ban hành.
Chứng khoán tăng vì giá xuống thấp
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC cho biết, ông cảm thấy ngỡ ngàng trước sự tăng điểm của thị trường. Đi tìm sự chia sẻ với các đồng nghiệp, ông Tuấn cũng không nhận được một câu trả lời chung cho sự tăng điểm của TTCK lần này.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, TTCK có một số điểm tích cực như giá cổ phiếu đã xuống thấp, nhiều cá nhân là lãnh đạo trong các DN và bản thân DN niêm yết công bố mua vào cổ phiếu. Điều này cho thấy, DN làm ăn tốt và giá cổ phiếu đang giao dịch bằng hoặc thấp hơn "giá trị thực". Bên cạnh đó, trong khi nhiều thị trường mới nổi đang thu hút dòng tiền nóng từ các nước như Mỹ, thì dòng tiền này vẫn đứng ngoài Việt Nam , do tỷ giá tại Việt Nam chưa ổn định. Vì thế, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn, khi chính sách tỷ giá ổn định.
Vẫn theo ông Tuấn, những vấn đề về lạm phát, lãi suất, tỷ giá hiện đã phản ánh vào giá. Khi những tin xấu đã rõ ràng, NĐT ước lượng được mức độ rủi ro có thể chịu đựng nên tham gia vào thị trường. Tuy nhiên, lãi suất tăng cao là cản trở lớn cho sự hồi phục của thị trường. Việc phải vay vốn với lãi suất đến 20% khiến chi phí tăng và năng lực cạnh tranh của DN bị sụt giảm.
Ông Ngô Văn Minh, Giám đốc Phân tích CTCP Quản lý quỹ Sài Gòn - Hà Nội cho rằng, thị trường đang tăng điểm trong sự hoài nghi về thông tin. Theo ông Minh, chưa có gì đảm bảo cho sự tăng trưởng bền vững của thị trường, bởi những khó khăn như lạm phát, tỷ giá, lãi suất vẫn đang hiện hữu. Đó là chưa kể đến những vấn đề khá nhạy cảm như nợ công châu Âu, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên… nghe thì rất xa, nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến Việt Nam .
Ông Nguyễn Việt Quang, chuyên gia phân tích CTCK VNDirect nhận xét, những vấn đề vĩ mô hiện nay chưa tích cực. Đã 3 tháng nay, thị trường không có "sóng", nên dòng tiền chuyển một phần sang các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ, bất động sản. Khi các thị trường này tăng giá, NĐT hiện thực hóa lợi nhuận và phân bổ một phần sang TTCK, khi thấy giá chứng khoán đã giảm khá nhiều. Cũng có một bộ phận NĐT lạc quan cho rằng, TTCK thường phản ứng trước diễn biến của nền kinh tế khoảng 3 tháng. Hiện nay, những thông tin vĩ mô thiếu tích cực đã được đưa ra, nên việc mua cổ phiếu vào lúc này là để "đón lõng" thị trường tăng điểm.
"Dòng tiền hiện chủ yếu chảy vào các cổ phiếu nhỏ, vốn hóa ít, cho thấy lực cầu xuất phát từ các NĐT cá nhân. Thị trường chỉ có thể tăng điểm bền vững khi những NĐT tổ chức nhập cuộc. Nhưng các NĐT này chỉ mua cổ phiếu khi những vấn đề vĩ mô thực sự sáng sủa hơn", ông Quang nói.