Thị trường tài sản số thu hút tay chơi lớn

0:00 / 0:00
0:00
Các công ty chứng khoán trong nước, các quỹ đầu tư, doanh nghiệp công nghệ đình đám trong và ngoài nước đang rầm rộ tìm cách đón đầu thị trường tiền số, tài sản số tại Việt Nam.
Luật Công nghiệp công nghệ số đã được Quốc hội thông qua, chính thức công nhận tài sản số, tài sản mã hóa. Ảnh: Đức Thanh Luật Công nghiệp công nghệ số đã được Quốc hội thông qua, chính thức công nhận tài sản số, tài sản mã hóa. Ảnh: Đức Thanh

Thay đổi tư duy chính sách

Tuần qua, Dragon Capital công bố đề xuất dự án thí điểm token hóa quỹ giao dịch hoán đổi danh mục (ETF). Nếu được cơ quan quản lý chấp thuận, nhà đầu tư có thể mua chứng chỉ quỹ bằng nhiều hình thức, trong đó có cả tiền số như bitcoin. Trong bối cảnh giá bitcoin trên thế giới đã vượt 120.000 USD/BTC và nhiều quốc gia cũng chấp nhận thanh toán bằng bitcoin, đề xuất này gây được nhiều chú ý.

Tại Việt Nam, dù tài sản số bước đầu đã được pháp luật công nhận, song Ngân hàng Nhà nước vẫn không công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán. Tuy vậy, trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần nghiên cứu vấn đề này, bởi thế giới đang thay đổi rất nhanh với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là của trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain…

“Việt Nam có lẽ phải tiến tới giai đoạn cho phép chấp thuận một số tiền ảo - đơn cử như bitcoin - là phương tiện thanh toán. Dĩ nhiên, không thể coi bitcoin là đồng tiền thanh toán quốc gia, được chấp nhận rộng rãi như VND, nhưng cũng nên cho phép chấp nhận thanh toán trong phạm vi nhất định, với một số giao dịch đặc thù nhất định trên thị trường tài chính”, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.

Theo TS. Hiếu, việc thiếu quy định về tiền kỹ thuật số, cũng như giao dịch bằng tiền kỹ thuật số khiến các giao dịch này vẫn diễn ra trên thị trường ngầm, rất khó quản lý, tạo ra rủi ro lừa đảo, rửa tiền, trốn thuế…

Nhiều tổ chức quốc tế cho biết, giao dịch tài sản số tại Việt Nam lên tới hơn 100 tỷ USD/năm. Việt Nam cũng liên tục vào nhóm 5 quốc gia có Chỉ số Chấp nhận tài sản số toàn cầu của Chainalysis cao nhất suốt 4 năm liên tiếp.

Về tư duy chính sách, Chính phủ đã có sự thay đổi rất nhanh về tư duy chính sách thời gian gần đây. Luật Công nghiệp công nghệ số đã được Quốc hội thông qua, chính thức công nhận tài sản số, tài sản mã hóa. Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành hoàn thiện và trình dự thảo nghị định thí điểm thị trường tài sản mã hóa trước ngày 15/7/2025.

Bước ngoặt về tư duy chính sách này mở đường cho các nhà đầu tư. Thậm chí, các chuyên gia cho rằng, rất có thể, trong tương lai, việc chấp nhận thanh toán bằng bitcoin hay stalblecoin ở trong phạm vi nhất định không phải là không thể.

Trên thế giới, tuần qua, ngành tiền số toàn cầu đón nhận bước ngoặt mang tính lịch sử khi Hạ viện Mỹ thông qua Dự luật GENIUS tạo ra khung pháp lý cho stablecoin (tiền ảo neo theo giá trị USD), đồng thời chuyển Dự luật để Tổng thống Donald Trump ký ban hành.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã chấp nhận bitcoin là phương tiện thanh toán hoặc thí điểm từng phần có kiểm soát.

Sân chơi tỷ USD hút tay chơi lớn

Sân chơi tài sản số tại Việt Nam ngày càng thu hút các tay chơi lớn, không chỉ các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty công nghệ trong nước, mà còn cả các “tay to” trên thế giới.

Tuần qua, Binance - sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới - công bố sáng kiến “Blockchain for Vietnam”, với tham vọng thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm mới của khu vực về công nghệ blockchain và đổi mới sáng tạo. Theo đó, Binance cam kết tài trợ 1 triệu USD nhằm nâng cao nhận thức về blockchain trong cộng đồng tại Việt Nam, tăng cường ứng dụng công nghệ chuỗi khối vào các lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh…

Ông Richard Teng, CEO Binance nhận định, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển thị tường tiền số nhờ dân số trẻ, đội ngũ nhân lực am hiểu công nghệ đông đảo. Thực tế, Việt Nam đang nằm trong nhóm 10 quốc gia có tỷ lệ chấp nhận tài sản số hàng đầu thế giới.

Theo lãnh đạo Binance, việc Việt Nam chính thức luật hóa tài sản số mang đến cho nhà đầu tư kênh đầu tư mới. Dự đoán, sàn giao dịch về tài sản số khi được thành lập sẽ trở thành một trong những kênh đầu tư thu hút giới trẻ nhiều nhất.

Trong khi đó, ông Will Ross, Giám đốc Tiếp thị và Phân phối của Dragon Capital Việt Nam nêu quan điểm, thay vì chỉ tập trung vào các kênh đầu tư truyền thống như vàng, bất động sản, chứng khoán…, các cơ quan quản lý cần tạo ra khung pháp lý để nhà đầu tư có thể yên tâm tham gia đầu tư tài sản số.

Hiện rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư hạ tầng và hệ sinh thái tài sản số tại Việt Nam, như SSID, Tether, IDGX, U2U Network, Amazon Web Services (AWS), Binance, Bybit, BingX… Các chuyên gia cho rằng, khi sàn giao dịch về tài sản số được thiết lập, Việt Nam sẽ huy động được lượng lớn vốn trên thế giới và tài sản số, tiền mã hóa sẽ là kênh đầu tư nổi bật thời gian tới, nhất là trong bối cảnh giá bất động sản đang quá đắt đỏ.

Chính thức hóa thị trường tài sản số phải đi kèm các điều kiện

- TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

Việc hoàn thiện hành lang pháp lý về tài sản ảo, tiền mã hóa là rất cần thiết, bởi nếu không, các giao dịch liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo sẽ diễn ra trong nền kinh tế ngầm, gây ra nhiều rủi ro lừa đảo, rửa tiền, trốn thuế… Để đẩy lùi những bất cập này, chính thức hóa thị trường tài sản số, tiền số là cần thiết, song việc này phải đi kèm các điều kiện. Đó là hành lang pháp lý phải vững chắc, mọi giao dịch phải được thực hiện qua sàn, phải có chương trình giáo dục để nhà đầu tư hiểu biết về rủi ro của tài sản số nói chung và tiền kỹ thuật số nói riêng.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục