Phản ứng đầu tiên của thị trường tài chính Việt Nam khi kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ được công bố là giá vàng tăng và chứng khoán sụt giảm, còn lại không có biến động bất thường. Nhưng trong một phản ứng dài hạn hơn, theo ông, điều gì có thể xảy ra?
Thực tế khi kết quả bầu cử được công bố, thị trường đã có sự thất vọng, bởi hầu hết đều trông đợi vào thắng lợi của bà Hillary Clinton. Do đó, những phản ứng mang cảm tính đã tạo nên sự chao đảo đối với thị trường ngày hôm qua là bình thường, việc ông Donald Trump lên nắm quyền chưa ai biết sẽ có lợi hay bất lợi đối với kinh tế Mỹ.
Trong quá trình vận động bầu cử trước đó, ông Donald Trump có hé lộ vài điểm có thể sẽ tạo nên những biến động lớn như: xem xét lại các hiệp định thương mại tự do với các nước, khu vực trên thế giới; chỉ trích mạnh mẽ TPP; tình hình chính trị quân sự trong đó có sự hiện diện của Mỹ trong NATO; chính sách đối ngoại của Mỹ trên các khu vực nóng trên toàn cầu; xây bức tường ngăn chặn làn sóng người nhập cư từ Mexico; ngăn chặn các thành phần cực đoan từ các nước hồi giáo du nhập vào Mỹ…
Nếu thực hiện hết các điều này sẽ làm thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ với thế giới trên mọi phương diện về quan hệ mậu dịch, thương mại, quân sự, chính trị… Tuy nhiên, tất cả còn quá mới để đưa ra những nhận xét cụ thể vào lúc này.
Không những ở Việt Nam mà cả trên thế giới mọi người đều đang quan sát rất kỹ những điều sẽ được công bố từ tân Tổng thống Mỹ, liên quan đến các chính sách và kế hoạch của Chính quyền Trump, khi hiện tại mọi việc còn rất mơ hồ. Bởi suốt thời gian tranh cử, ông Donald Trump dùng phần lớn thời gian để chỉ trích những thiếu sót của hệ thống tài chính, kinh tế, xã hội..., những mảng tối của kinh tế Mỹ mà chưa đưa ra những mảng sáng hay ánh đèn cuối đường hầm. Tất cả đều đang chờ đợi ông Donald Trump đưa ra ánh sáng nào đó, để giới đầu tư đưa ra quyết định đầu tư trong thời gian tới.
Do vậy, các nhà đầu tư Việt Nam nên bình tĩnh, cẩn trọng, không nên hoảng loạn bởi tất cả đều đang chờ đợi thông tin về chủ trương mới của tân Tổng thống Mỹ. Trong khi đó, đồng tiền Việt Nam, thị trường ngoại hối, chứng khoán, bất động sản… vẫn tương đối ổn định, nghĩa là không có lý do để nhà đầu tư ra những quyết định quá vồ vập, dễ gây thiệt hại về kinh tế. Tuy nhiên, nhìn về lâu dài, tôi lo rằng, quan hệ mậu dịch, đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ sẽ không có nhiều thuận lợi như nhiệm kỳ của ông Obama và một số tổng thống Mỹ trước đây.
Trong những tháng tới đến khi ông Donald Trump lên nắm quyền, nền tài chính sẽ như thế nào, tôi cho rằng là điều khó đoán định. Liệu USD có mất giá hay không, cũng chưa thể thẩm định được một cách chặt chẽ vào thời điểm này.
Với kịch bản USD mạnh lên do thị trường tài chính tin tưởng vào tổng thống mới, giá trị USD sẽ tăng lên và nếu VND ổn định cùng với sự ổn định của USD, có thể không có lợi cho xuất khẩu. Ngược lại, nếu thị trường không tin tưởng vào chính sách của Donald Trump, USD mất giá và nếu VND cũng mất giá theo thì có thể có lợi cho xuất khẩu. Dĩ nhiên điều này cũng tùy thuộc vào sự biến động của những đồng tiền khác, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đối với USD.
Bên cạnh đó, việc Fed có nâng lãi suất hay không vẫn là ẩn số lớn. Nếu thời gian tới, thị trường tài chính tương đối ổn định, Fed sẽ tiếp tục xem xét nâng lãi suất, nhưng nếu có những bất lợi cho nền kinh tế Mỹ, Fed sẽ dừng lại việc nâng lãi suất trong năm nay. Thêm vào đó là câu chuyện liệu đồng nhân dân tệ có tiếp tục mất giá nữa hay không đối với USD?
Quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc bị tác động bởi sự biến động giữa nhân dân tệ và USD, vì phần lớn giao dịch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn được thanh toán bằng USD. Có một điều chắc chắn đó là cán cân thanh toán, cũng như xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách bảo hộ mậu dịch của tân tổng thống Mỹ và ý định có thể hủy bỏ nhiều hiệp định thương mại tự do của người tiền nhiệm như tôi đã đề cập ở trên.
Nếu dự báo về các diễn biến lãi suất, thanh khoản dịp cuối năm nay, ông sẽ chia sẻ gì?
Tôi cho rằng, thanh khoản vẫn được duy trì như hiện nay cho đến cuối năm, bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất có thể hạ đôi chút nhưng không nhiều.
“Còn quá sớm để lo lắng hay đoán định ảnh hưởng của sự kiện Mỹ có tân tổng thống đến thị trường tài chính Việt Nam”
Hồ Quốc Tuấn ,Giảng viên Đại học Bristol, Anh
Thực tế, các thị trường nước ngoài cũng đang quan sát hành động của tân tổng thống Mỹ, nên chắc chắn những ảnh hưởng nếu có, đến những thị trường tài chính châu Á ở quy mô còn nhỏ như Việt Nam là chưa rõ ràng. Hơn nữa, hệ thống chính trị của Mỹ sẽ kiểm soát hành động của tổng thống và ông Trump có thể không "điên" như người ta nghĩ. Thời điểm hiện tại là quá sớm để lo lắng hay hoảng loạn, do đó khi thị trường rớt rất mạnh, một số người bình tĩnh hơn sẽ tận dụng cơ hội, đặc biệt là sau khi họ đã có kinh nghiệm về tác động ngắn hạn hồi Brexit.
Để đánh giá ảnh hưởng từ sự kiện Mỹ có Tổng thống mới, cần phải đợi hành động của ông Trump sau một vài tháng. Về dài hạn, sự thất bại của Hilary Clinton có thể đánh dấu một bước ngoặt trong sự trỗi dậy của Trung Quốc và việc Đảng Cộng Hòa thắng trong Quốc hội có thể có những tác động chính sách lâu dài và căn bản hơn việc Trump trở thành Tổng thống.
Với thị trường tài chính Việt Nam, theo tôi, việc nước Mỹ có tân tổng thống sẽ chẳng thể tác động mạnh ngay được. Cách phản ứng giảm mạnh của TTCK Việt Nam phiên ngày 9/11 vừa qua chủ yếu là do tâm lý, những người bình tĩnh nên tận dụng được cơ hội bắt đáy trong thời điểm này.