Thị trường tài chính 24h: Xuất hiện điều kỳ lạ trên thị trường chứng khoán Việt Nam

(ĐTCK) VN-Index tiếp tục tăng; 9 tháng, tăng trưởng tín dụng đạt 11,02%, xử lý nợ xấu đạt chỉ tiêu; Nhà đầu tư Hàn Quốc đang bỏ rất nhiều tiền vào ngành tài chính Việt; Doanh nghiệp UPCoM tự tin báo lãi 9 tháng; Quý IV đầy hứa hẹn với các CTCK; FDI 2017 có thể đạt kỷ lục 28 tỷ USD; Chứng khoán Mỹ bật tăng trở lại; Xu hướng tích trữ tiền mặt và tài sản có tính thanh khoản cao...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Ảnh Internet Ảnh Internet
Vn-Index tiếp tục tăng

Tâm lý nhà đầu tư có phần hưng phấn hơn khi bước vào phiên sáng 11/10, kéo VN-Index tiến thẳng mốc 815 điểm, lên mức đỉnh mới của 10 năm. Tuy nhiên, áp lực bán chốt lời xuất hiện đã thu hẹp đà tăng của chỉ số.

Sang phiên chiều, sau gần 1 giờ duy trì trạng thái lình xình đi ngang, lực bán bất ngờ tăng mạnh và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường hạ mạnh độ cao, VN-Index lùi về sát mốc tham chiếu.

Nhưng sự hỗ trợ khá tích cực từ một số mã vốn hóa lớn cùng lực cầu hấp thụ gia tăng mạnh trong đợt khớp ATC, đã giúp thị trường bật ngược trở lại.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phân hóa, trong đó STB sau thông tin đổi mã chứng khoán và chuyển sàn niêm yết sàn HNX đã giảm 6,4%, khớp lệnh đạt hơn 9,3 triệu đơn vị.

VPB tăng mạnh 3,9% lên mức giá cao nhất kể từ ngày niêm yết với gần 3,5 triệu đơn vị được khớp.

Một số mã có vốn hóa lớn cũng hỗ trợ tích cực giúp thị trường khởi sắc về cuối phiên như SAB tăng 0,7%, GAS tăng 1,6%, VJC tăng 0,1%, ROS tăng 0,6%... VIC tăng 5,2%

Dẫn đầu thanh khoản là OGC với khối lượng khớp 12,24 triệu đơn vị, tăng 2,7%.

Trong khi đó, HAI tăng 6,7% lên mức 10.550 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 8,18 triệu đơn vị.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại bán ròng 1,71 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 6 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 1,1 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 23,28 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 321.700 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 29,36 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 11/10: VN-Index tăng 3,3 điểm (+0,41%), lên 813,95 điểm; HNX-Index tăng 0,08 điểm (+0,08%), lên 108,65 điểm; UPCoM-Index tăng 0,02 điểm (+0,05%), lên 54,12 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 4.863 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Trong phiên 10/10, dự báo khả quan về doanh thu của "đại gia" bán lẻ Wal-Mart đã tiếp sức cho chỉ số Dow Jones chinh phục mức cao kỷ lục mới.

Giá cổ phiếu của Wal-Mart Stores tăng 4,5% sau khi doanh nghiệp này dự báo doanh số bán trong tài khóa 2019 sẽ tăng 3% hoặc cao hơn khi hoạt động thương mại điện tử được đẩy mạnh.

Wal-Mart cũng thông báo chương trình mua lại các cổ phiếu trị giá tổng cộng 20 tỷ USD.

Điểm nhấn hôm nay là việc trang tin trực tuyến Dow Jones đã thu hút sự chú ý của rất nhiều độc giả bằng một câu chuyện sặc mùi bịa đặt: Google mua lại Apple với giá chỉ 9 tỷ USD.

Họ thậm chí còn cho rằng thỏa thuận đó là theo ý nguyện của cố Giám đốc điều hành Apple Steve Jobs.

Dow Jones ngay lập tức đã thanh minh rằng điều này là do “lỗi kỹ thuật” gây ra và nhanh chóng gỡ bỏ thông tin.

Kết thúc phiên 10/10, Chỉ số Dow Jones tăng 69,61 điểm (+0,31%), lên 22.830,68 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,91 điểm (+0,23%), lên 2.550,64 điểm. Chỉ số Nasdaq không đổi ở mức 6.587,25  điểm.

Trên thị trường châu Á

Chỉ số Nikkei của Nhật Bản đóng cửa ở mức cao nhất trong 21 năm qua, do ảnh hưởng đến từ nhóm cổ phiếu bền vững, giá trị cao.

Nikkei tăng 0,3% lên 20.881,27 điểm, mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 12/1996.

Sự tăng trưởng của Nikkei phản ánh triển vọng tăng trưởng lành mạnh của các nền kinh tế lớn ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á.

Mặc dù Nikkei đã đạt được một mốc quan trọng nhưng khối lượng giao dịch trên sàn Tokyo chỉ đạt trung bình 2,37 nghìn tỷ yên.

"Khi thị trường trở nên lạc quan, thông thường sẽ có một sự gia tăng khối lượng giao dịch. Nhưng chúng tôi đã không nhận thấy điều đó", Hideyuki Ishiguro, nhà chiến lược tại Daiwa Securities cho biết.

Trong phiên, dẫn dắt thị trường đi lên là các cổ phiếu có giá trị bền vững cao như các công ty thực phẩm và các công ty đường sắt.

Công ty chế biến thịt NH Foods tăng 1,6%, nhà sản xuất bột Nisshin Seifun Group tăng 1,2%, đường sắt Đông Nhật Bản tăng 1,6% và đường sắt Tây Nhật Bản tăng 0,9%

Kobe Steel Ltd tiếp tục lao dốc giảm 18%, sau khi giảm 22% vào phiên hôm qua, sau khi công bố rằng họ đã giả mạo dữ liệu về các sản phẩm nhôm và đồng được dùng trong khoảng 200 công ty sản xuất.

Và đương nhiên, điều này bắt đầu ảnh hưởng đến các công ty đã được cung cấp sản phẩm từ Kobe Steel, với Toyota giảm 1%, Mitsubishi Motors Corp giảm 1,6% và Mazda Motor Corp giảm 2%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ sự ổn định của các cổ phiếu hàng tiêu dùng.

Chỉ số CSI300 tăng 0,3%, lên 3.902,69 điểm, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,2%.

Hoạt động của ngành diễn biến trái chiều, với các công ty tiêu dùng và chăm sóc sức khoẻ dẫn đầu, trong khi nguyên vật liệu sụt giảm.

Kweichow Moutai, nhà sản xuất rượu lớn nhất Trung Quốc đã tăng 1% lên mức cao kỷ lục, giúp chỉ số theo dõi ngành tiêu dùng tăng hơn 2% lên mức cao nhất kể từ khi nó được đưa vào năm 2005.

Xu Wei, chuyên gia phân tích của chứng khoán Hongxin, cho biết: "Các nhà đầu tư tđang ngày càng tập trung nhiều hơn vào các nguyên tắc cơ bản của thị trường. Họ tìm kiếm các cơ hội trong các lĩnh vực có tăng trưởng vững chắc và được định giá hợp lý, bao gồm cả các công ty tiêu dùng”.

Các công ty chăm sóc sức khoẻ cũng tăng mạnh, dẫn đầu bởi Giang Tô Hengrui Medicine với mức tăng 2,5%, sau khi chính phủ cam kết cải cách y tế trên diện rộng.

Một chỉ số theo dõi các công ty y tế lớn đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2015, và đã tăng gần 20% trong năm nay.

Tuy nhiên, các công ty tài nguyên vẫn tiếp tục suy giảm, với China Molybden giảm 3,5% và kéo chỉ số ngành vật liệu mất 0,8%.

Chứng khoán Hồng Kông giảm do áp lực đảo chiều trong các cổ phiếu bất động sản, sau khi lãnh đạo thành phố công bố một loạt các chính sách về nhà ở và thuế đã làm thất vọng một số nhà đầu tư.

Chỉ số Hang Seng giảm 0,4%, trong khi Chỉ số Doanh nghiệp Trung Quốc giảm 0,1%, xuống còn 11.411.41 điểm.

Trong bài phát biểu đầu tiên, bà Carrie Lam, người đứng đầu thành phố đã cảnh báo Hồng Kông đang đối mặt với những thách thức "nghiêm trọng" và phải phát triển một nền kinh tế đa dạng và có giá trị cao.

Bà đã cam kết sẽ tăng nguồn cung đất đai nếu có thể, và khởi động một chương trình trợ cấp để giúp các gia đình không đủ điều kiện để thuê nhà ở giá rẻ.

Cổ phiếu bất động sản đã tăng điểm trong phiên sáng, nhưng đóng cửa giảm 1,8%, do một số nhà quan sát thấy các sáng kiến về nhà đất của bà Carrie Lam là không đủ mạnh.

"Cổ phiếu bất động sản đã giảm do chính sách của thành phố chưa đề cập đến việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang xây dưng nhà cửa.

Nhưng thực chất bà Lam chưa nói tới kế hoạch chi tiết, nên việc bán tháo không phản ánh tình hình thực sự ", Nicole Wong, nhà phân tích tài sản của CLSA nói.

Kết thúc phiên 11/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 57,76 điểm (+0,28%), lên 20.881,27 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 101,26 điểm (-0,36%), xuống 28.389,57 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,30 điểm (+0,16%), lên 3.388,28 điểm.

Thị trường vàng, ngoại tệ

- Vàng SJC giảm nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.765 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay tăng 10.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,43 - 36,65 triệu đồng/lượng, giảm 20.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.459 đồng/USD, giảm 8 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.695 - 22.765 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

 - 9 tháng, tăng trưởng tín dụng đạt 11,02%, xử lý nợ xấu đạt chỉ tiêu cả năm 2017

NHNN vừa công bố thông tin về hoạt động ngân hàng tính đến tháng 9 với những thông tin đáng chú ý..>> Chi tiết

- Dòng tiền được kỳ vọng chảy mạnh vào thị trường chứng khoán những tháng cuối năm

Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), lãi suất duy trì ở mức thấp sẽ là một trong những yếu tố vĩ mô giúp ổn định tăng trưởng sản xuất kinh doanh, tác động tích cực đến dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán những tháng cuối năm. >> Chi tiết

Không được chú ý nhiều, nhưng sự thực là nhà đầu tư Hàn Quốc đang bỏ rất nhiều tiền vào ngành tài chính Việt

Từ đầu năm đến nay, liên tiếp các nhà đầu tư tài chính đến từ Hàn Quốc tích cực tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là phân khúc tài chính tiêu dùng.

Việc Lotte Card đang đàm phán mua lại Techcom Finance là ví dụ điển hình..>> Chi tiết

Doanh nghiệp UPCoM tự tin báo lãi 9 tháng

Một số doanh nghiệp đáng chú ý trên sàn UPCoM đã hé lộ kết quả hoạt động kinh doanh 9 tháng, từ đó, khả năng thành/bại với kế hoạch cả năm dần hiện ra..>> Chi tiết

Quý IV đầy hứa hẹn với các công ty chứng khoán

Là thành viên luôn chuyển động cùng với nhịp đập của thị trường, khối công ty chứng khoán (CTCK) đã ghi nhận những kết quả tích cực trong 3 quý đầu năm 2017..>> Chi tiết

Đầu tư nước ngoài có thể đạt 28 tỷ USD, 2017 trở thành năm “hoàng kim” của FDI

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh, có thể đạt 28 tỷ USD vốn đăng ký. Một cái kết đẹp trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)..>> Chi tiết

Xu hướng tích trữ tiền mặt và tài sản có tính thanh khoản cao

Làn sóng cất trữ các tài sản có tính thanh khoản cao, loại tài sản dễ chuyển thành tiền mặt còn được gọi là tài sản lỏng hay tài sản dễ luân chuyển, đang lan ra khắp các công ty đa quốc gia..>> Chi tiết

Sacombank đổi mã chứng khoán STB sang SCM để thoát bóng "Sao Thái Bạch"

Việc Sacombank muốn đổi mã chứng khoán STB sang SCM và chuyển sang niêm yết tại HNX là quyết định kỳ lạ nhất từ trước đến nay trên sàn chứng khoán Việt Nam, bởi thị trường chưa từng có tiền lệ đổi mã chứng khoán nếu không hình thành pháp nhân mới. Lý do vì sao? >> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục