Thị trường tài chính 24h: Vẫn còn cơ hội

(ĐTCK) VN-Index thủng ngưỡng 960 điểm; Lợi nhuận ngân hàng: Lo cho năm sau; Thị trường còn cơ hội tăng điểm; Thanh khoản, dòng tiền và chuyện các mã bị lãng quên; Nhiều doanh nghiệp lợi nhuận “lệch nhịp” với doanh thu; Chứng khoán Trung Quốc bật mạnh trở lại; Giá dầu có thể lên 150 USD/thùng...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua. 
Ảnh: Shutterstock. Ảnh: Shutterstock.

VN-Index tiếp tục đi xuống

Diễn biến tiêu cực từ thị trường chứng khoán toàn cầu đã tác động khá mạnh lên thị trường trong nước trong phiên sáng nay, khi lực bán tăng mạnh ngay khi mở cửa, VN-Index lao dốc sau 30 phút giao dịch.

Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc và càng tăng mạnh hơn về cuối phiên giúp đà giảm được hãm đáng kể.

Bước vào phiên chiều, dòng tiền tiếp tục hấp thụ tích cực, biên độ giảm của VN-Index tiếp tục được thu hẹp.  Trong đợt khớp ATC, thị trường tiếp tục chứng kiến nỗ lực kéo lên nhưng dòng tiền chưa đủ mạnh khiến VN-Index lại gặp khó tại ngưỡng 960 điểm.

Nếu trong phiên sáng, top 10 mã lớn nhất sàn đều giảm thì sang phiên chiều đã có một số mã tìm lại sắc xanh như MSN tăng gần 1% lên 81.000 đồng, VNM tăng 0,6% lên 126.800 đồng.

VIC lấy lại tham chiều, còn lại đều giảm dù đà giảm, trong đó GAS giảm sâu nhất 2,2% xuống 112.000 đồng; VJC giảmhơn 3,3% xuống 132.000 đồng

Ở nhóm cổ phiếu đầu cơ cũng có phần khởi sắc hơn. Bên cạnh HAG – HNG tiếp tục nới rộng đà tăng, nhiều mã đã đảo chiều tăng tốt như DXG, ITA, TTF, HQC, CIG…

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại bán ròng 7,94 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 213,17 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 2,57 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 20,44 tỷ đồng.

Trên UPCoM, khối ngoại bán ròng 1,13 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 33,85 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 19/10: VN-Index giảm 5,11 điểm (-0,53%), xuống 958,36 điểm; HNX-Index tăng 0,18 điểm (+0,17%) lên 108,1 điểm; UPCoM-Index giảm 0,23 điểm (-0,44%) xuống 52,47 điểm.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ mở cửa lình xình sát dưới tham chiếu trong phiên thứ Năm, nhưng đồng loạt giảm mạnh sau khi Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng ngân sách năm 2019 của Italia vi phạm các quy định của Liên minh châu Âu (EU).

Chứng khoán Mỹ giảm sâu hơn nữa sau khi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin rút khỏi một hội nghị nhà đầu tư tại Ả Rập Xê út khi Nhà Trắng chờ kết quả điều tra về sự biến mất của nhà báo Saudi Jamal Khashoggi.

Quyết định của Mnuchin đã làm dấy lên những lo ngại về căng thẳng tiềm ẩn trong quan hệ Mỹ-Ả Rập Xê út, đặc biệt là nếu các nhà lãnh đạo Ả Rập Xê út bị phát hiện có liên quan đến sự biến mất của Khashoggi.

Các nhà đầu tư lo ngại rằng nếu Ả Rập Xê út bị trừng phạt, họ có thể hạn chế cung cấp dầu và khiến giá năng lượng tăng, gây cú sốc với kinh tế toàn câu giống như năm 1973.

Một rủi ro nữa cũng kích thích giới đầu tư bán mạnh ra trong phiên thứ Năm là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang có dấu hiệu leo thang thêm khi Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi Liên minh bưu chính thế giới (UPU), một động thái nữa mà giới quan sát cho rằng nhằm vào Trung Quốc.

Kết thúc phiên 18/10, chỉ số Dow Jones giảm 327,23 điểm (-1,27%), xuống 25.379,45 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 40,43 điểm (-1,44%), xuống 2.768,78 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 157,56 điểm (-2,06%), xuống 7.485,14 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục mất điểm và ghi nhận 3 phiên liên tiếp giảm do ảnh hưởng từ phố Wall suy yếu đêm qua.

Chỉ Nikkei 255 đã có thời điểm mất gần 2% xuống mức thấp nhất trogn 6 tuần, nhưng trong phiên chiều đã hãm được đà rơi và phục hồi dần, nhưng chốt phiên vẫn giảm 0,56% xuống 22.532,08 điểm. Trong khi đó, Topix giảm 0,69% xuống 1.692,85 điểm.

Chỉ số Nikkei 255 đã mất khoảng 7,8% kể từ khi đạt đỉnh cao 27 năm vào ngày 2/10, do lo ngại về việc chi tiêu ngân sách của Italia có thể khiến nợ công của khu vực Eurozone tăng cao; lãi suất tăng của Mỹ, và nền kinh tế chậm lại ở Trung Quốc.

"Diễn biến gần đây của chứng khoán Nhật Bản cho thấy thị trường trong nước khá nhạy cảm với những gì đang xảy ra bên ngoài, nhất là ở Mỹ", Shusuke Yamada, nhà chiến lược tiền tệ và vốn chủ sở hữu của Bank of America Merrill Lynch cho biết.

Phiên hôm nay, cổ phiếu của nhà sản xuất thiết bị xây dựng Komatsu giảm 3,1%, Kubota Corp giảm 1,1% và Nabtesco Corp giảm 2,3% và Keyence Corp giảm 0,9%.

Các cổ phiếu lớn như SoftBank Corp và Nintendo đã lần lượt giảm 1,2% và 4%.

“Từ cuối tháng này, mùa báo cáo kết quả kinh doanh của công ty sẽ bắt đầu. Tôi nghĩ rằng nó sẽ là một cơ hội cho các nhà đầu tư để chọn lọc cổ phiếu, ”Masahiro Ichikawa, chiến lược gia tại Sumitomo Mitsui Asset Management cho biết.

Các nhà xuất khẩu giảm sau khi đồng yên tăng mạnh đêm qua lên mức cao nhất trong một tháng so với đồng USD, với Sony Corp mất 1,2% và Panasonic Corp tăng 0,9%.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô cũng giảm nhưng cuối cùng đã hãm bớt đà tơi sau khi một số phương tiện truyền thông cho biết rằng Nhật Bản đang cân nhắc việc tạm dừng đánh thuế mua xe vào năm tới.

Theo đó, Toyota Motor Corp giảm 1%, Nissan Motor Co giảm 0,5% và Honda Motor Co mất 0,9%.

Chứng khoán Trung Quốc Hồng Kông đã tăng điểm, sau khi các nhà quản lý cam kết thực hiện các bước nhằm trấn an thị trường và hỗ trợ các công ty đang gặp khó khăn.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 2,58% lên 2.550,46 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 3% lên 3.145,95 điểm.

Tại Hồng Kông, thị trường phục hồi nhẹ, mặc dù trong suốt phiên sáng giao dịch trong sắc đỏ.

Đóng cửa, chỉ số Hang Seng-Index tăng 0,42% lên 25.561,40 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,84% lên 10.222,18 điểm.

Chứng khoán Trung Quốc đã giảm khoảng 10% trong tháng này khi các nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức trong nước bán tháo cổ phiếu, trong bối cảnh lo ngại về việc tác động của việc tăng lãi suất của Mỹ lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và áp lực bán giải chấp trên thị trường.

Vào ngày Thứ sáu, Liu Shiyu, Chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết, cơ quan quản lý sẽ hỗ trợ phát hành trái phiếu có lãi suất cao và các sản phẩm nợ khác của các công ty vừa và nhỏ để hỗ trợ thị trường.

"Sue Trinh, người đứng đầu chiến lược FX châu Á tại RBC Capital Markets ở Hồngnhận định: "Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang phải đối mặt với một vấn đề khó khăn -  tiếp tục bơm tiền vào hệ thống để hạn chế việc mất cân bằng thanh khoản dài hạn hoặc chấp nhận tăng trưởng chậm hơn và tập trung vào tiến trình trả nợ".

Số liệu vừa công bố cho thấy GDP quý III của Trung Quốc chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ chậm nhất trong 10 năm qua, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Con số này cũng thấp hơn dự báo trước đó của giới phân tích (6,6%) và thấp hơn mức tăng GDP quý II (6,7%).

Sản lượng công nghiệp tháng 9 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán lẻ tăng 9,2%. Cả hai đều thấp hơn dự báo.

Zhu Haibin, nhà kinh tế tại JP Morgan dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm tới sẽ chỉ còn 6,1%. “Chúng tôi cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ càng trầm trọng trong năm tới, nhưng sẽ được bù lại phần nào bằng việc đồng nhân dân tệ yếu đi và Trung Quốc tăng cường chính sách nới lỏng tài khóa, tiền tệ. Các chính sách này có thể nâng đỡ GDP”.

Kết thúc phiên 19/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 126,08 điểm (-0,56%), xuống 22.532,08 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 64,05 điểm (+2,58%), lên 2.550,46 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 106,85 điểm (+0,42%), lên 25.561,40 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC giảm nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.390 đồng/USD

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay tăng 10.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,49 - 36,65 triệu đồng/lượng, giảm trở lại 10.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.719 đồng/USD, tăng 2 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.300 - 23.390 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Lợi nhuận ngân hàng: Lo cho năm sau

Dù không được nới room tăng trưởng tín dụng, các nhà băng vẫn cho thấy kết quả hoạt động kinh doanh tích cực năm 2018, nhờ sự đóng góp lớn của dịch vụ và bancassurance vào tổng lợi nhuận..>> Chi tiết

Thị trường còn cơ hội tăng điểm

Kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết dự kiến tăng trưởng trên 20% trong năm 2018; trong đó, lợi nhuận cải thiện rõ rệt ở các nhóm cổ phiếu ảnh hưởng lớn đến chỉ số như ngân hàng, bất động sản, dầu khí là cơ sở cho dự báo thị trường sẽ còn tăng điểm trong quý IV..>> Chi tiết

 Thanh khoản, dòng tiền và chuyện các mã bị lãng quên

Giao dịch sôi động, dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường, nhưng vẫn có hơn 50% cổ phiếu gần như không có thanh khoản, trong đó không ít mã có kết quả kinh doanh khả quan, trả cổ tức đều đặn..>> Chi tiết

Nhiều doanh nghiệp lợi nhuận “lệch nhịp” với doanh thu

Trong hoạt động kinh doanh, tăng trưởng là mục tiêu chung của doanh nghiệp, nhưng vì nhiều lý do mà nhiều doanh nghiệp lợi nhuận không theo kịp doanh thu. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lại chuyển biến theo chiều hướng ngược lại..>> Chi tiết

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước: Quy mô lớn kèm thách thức lớn

Sau rất nhiều nỗ lực, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động từ tháng 10. Kỳ vọng lớn của Đảng, Chính phủ và công chúng đối với Ủy ban đang tạo ra áp lực đòi hỏi cơ quan này phải nhận diện và vượt qua được nhiều thách thức..>> Chi tiết

Nếu Ả Rập Xê út dùng “vũ khí dầu mỏ”, giá dầu có thể lên 150 USD/thùng

45 năm trước, Ả Rập Xê út và các đồng minh cắt nguồn cung dầu mỏ cho Mỹ, giảm 1/4 sản lượng cung cấp ra thị trường nhằm trừng phạt việc Mỹ có động thái hỗ trợ Israel. Khi đó, giá dầu lập tức tăng gấp 4 lần, khiến nền kinh tế toàn cầu chịu cú sốc lớn..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục