Thị trường tài chính 24h: Triển vọng cuối năm ngành hàng không, bảo hiểm và nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  VN-Index giảm nhẹ; Quy định mua cổ phiếu quỹ quá cứng; Thời gian vận hành chính thức KRX chỉ còn tính theo tháng; 3 nhóm ngành triển vọng cuối năm; Một số nền kinh tế châu Á có thể cần tăng lãi suất nhanh chóng để hạ nhiệt lạm phát… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Triển vọng cuối năm ngành hàng không, bảo hiểm và nông nghiệp

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 29/7 tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 400.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày đứng tại đã tăng thêm 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 65,70 – 66,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 22 USD lên mức 1.756,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng tiếp lên gần 1.770 USD trước khi hạ nhiệt về gần 1.760 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,11 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 29/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.176 đồng/USD, giảm 25 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.200 – 23.480 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua nhích tăng lên 23.800 USD, thì sang phiên hôm nay đã chững lại nhưng cũng đã vượt mốc 24.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 2,07 USD (+2,15%), lên 98,49 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 2,44 USD (+2,28%), lên 109,58 USD/thùng.

VN-Index điều chỉnh nhẹ

Thị trường đã khá thuận lợi trong phiên sáng, khi nhóm cổ phiếu chứng khoán đua nhau nới rộng đà tăng, nhưng VN-Index chưa thể vượt được đường MA50 ngày (1.220 điểm) do áp lực bán gia tăng về cuối phiên.

Sang phiên chiều, VN-Index bắt đầu quay đầu, dần thu hẹp đà tăng điểm trước áp lực bán gia tăng.

Đặc biệt, trong đợt khớp lệnh ATC, áp lực bán dâng cao với tâm điểm là cặp đôi lớn VIC và MSN, đã cản trở thị trường, đẩy VN-Index về dưới tham chiếu.

Cổ phiếu lớn VIC là gánh nặng chính khi giảm 4,5%, trong khi MSN cũng để mất 3,5%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 5,75 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị là bán ròng 77,03 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 29/7: VN-Index giảm 1,79 điểm (-0,15%) xuống 1.206,33 điểm; HNX-Index giảm 1,23 điểm (-0,42%) xuống 288,61 điểm; UpCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,12%), lên 89,61 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tiếp tục tăng trong phiên ngày thứ Năm (28/7), khi dữ liệu GDP quý II ghi nhận tăng trưởng âm khiến kỳ vọng Fed sẽ bớt diều hâu trong việc tăng lãi suất.

Theo đó, dữ liệu quan trọng về GDP quý II của Mỹ được Bộ Thương mại công bố cho thấy GDP của quốc gia này giảm 0,9% trong quý II so với cùng kỳ năm 2021, ghi nhận quý thứ hai liên tiếp tăng trưởng âm.

Điều này phù hợp với các dự báo trước đó và quan trọng hơn là thúc đẩy kỳ vọng rằng, Fed có thể không cần quá quyết liệt với việc tăng lãi suất như một số người đã lo sợ.

Kết thúc phiên 28/7, chỉ số Dow Jones tăng 332,04 điểm (+1,03%), lên 32.529,63 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 48,82 điểm (+1,21%), lên 4.072,43 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 130,17 điểm (+1,08%), lên 12.162,59 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đảo chiều giảm nhẹ, do lo ngại về lợi nhuận doanh nghiệp tăng lên sau khi nhà cung cấp Toyota Denso cắt giảm triển vọng, trong khi đồng yên tăng giá cũng đè nặng lên các nhà xuất khẩu.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,05% xuống 27.801,64 điểm sau khi tăng 0,7% trước đó trong phiên. Chỉ số này nhích 0,4% trong tuần.

Chỉ số Topix giảm 0,44% xuống 1.940,31 điểm và giảm 0,8% trong tuần qua.

Jun Morita, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Chibagin Asset Management, cho biết đồng yên mạnh hơn và thu nhập của Denso đã làm suy giảm tâm trạng thị trường.

Cổ phiếu của Denso, nhà cung cấp chính cho Toyota Motor Corp, đã giảm 5,2% sau khi công ty hạ dự báo lợi nhuận hoạt động cho năm kinh doanh hiện tại xuống 14%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm khi khi chính phủ nước này tỏ ra ít kiên quyết về việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế tại cuộc họp chính sách gần đây.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,89% xuống 3.253,24 điểm và mất 4,3% trong tháng 7. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,32% xuống 4.170,10 điểm và cũng mất 7% trong tháng 7.

Trung Quốc sẽ cố gắng hết sức để đạt được kết quả tốt nhất có thể cho nền kinh tế trong năm nay, truyền thông nhà nước cho biết hôm thứ Năm sau cuộc họp cấp cao của Đảng Cộng sản nước này, từ bỏ lời kêu gọi trước đó rằng họ sẽ cố gắng đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2022.

Nhiều nhà phân tích tin rằng chính phủ đã bỏ qua việc đề cập đến mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm, một dấu hiệu cho thấy các biện pháp kích thích mới có thể bị tạm dừng trong thời điểm hiện tại.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, chịu áp lực bởi đà lao dốc của nhóm cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,26% xuống 20.156,51 điểm điểm và mất tới 7,8% trong tháng 7, tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2021.

Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,78% xuống 6.885,48 điểm.

Các công ty công nghệ lớn bị bán tháo, khi các nhà đầu tư lo ngại về việc lĩnh vực tiếp tục bị kìm hãm, sau khi Wall Street Journal đưa tin cho biết tỷ phú Trung Quốc Jack Ma có kế hoạch nhượng lại quyền kiểm soát công ty công nghệ tài chính Ant trong nỗ lực rút khỏi công ty liên kết Alibaba. Cổ phiếu Alibaba giảm 6,1%.

Cổ phiếu của nền tảng giao hàng và đồ ăn của Trung Quốc Meituan giảm 6,22%, sau khi cơ quan quản lý thị trường Hàng Châu cho biết đã triệu tập Meituan, Ele.me và các nền tảng giao hàng tận nơi khác vì tình trạng cắt giảm giá “luẩn quẩn” và quy định kém.

Một gã khổng lồ truyền thông xã hội và trò chơi internet khác là Tencent Holdings cũng giảm mạnh 4,36%, sau khi một nguồn tin nói với Reuters rằng Ấn Độ đã chặn một trò chơi dạng battle-royale phổ biến từ Krafton Inc, một công ty Hàn Quốc được Tencent hậu thuẫn.

Chứng khoán Hàn Quốc tiếp tục tăng và đạt mức tăng hơn 5% trong tháng 7.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 16,23 điểm, tương đương 0,67% lên 2.451,50 điểm.

Chỉ số này tăng phiên thứ năm liên tiếp, chuỗi dài nhất kể từ đầu tháng 12/2021 và kết thúc tuần cao hơn 2,44%. Trong tháng 7, ghi nhận đã tăng 5,1%, mức tốt nhất kể từ tháng 12/2020.

Các thị trường toàn cầu đã bị xáo trộn bởi lo lắng lạm phát tăng cao và việc tăng lãi suất mạnh làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, nhưng nhận xét của Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng, ông không tin rằng Mỹ đang suy thoái do nguồn lao động thị trường ổn định.

Kết thúc phiên 29/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 13,84 điểm (-0,05%), xuống 27.801,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 29,34 điểm (-0,89%), xuống 3.253,24 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 466,17 điểm (-2,26%), xuống 20.156,51 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 16,23 điểm (+0,67%), lên 2.451,50 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Xử lý nghiêm hành vi trục lợi bảo hiểm để lành mạnh thị trường

Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, nhu cầu mua bảo hiểm của người dân cũng ngày càng tăng. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển đó là tình trạng trục lợi bảo hiểm ngày càng tinh vi, có hệ thống, tổ chức..>> Chi tiết

- Quy định mua cổ phiếu quỹ quá cứng

Đợt sụt giảm mạnh của thị trường trong mấy tháng qua đã không nhận được lực đỡ quan trọng là đăng ký mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp do quy định hiện nay đã chặn đứng khả năng này..>> Chi tiết

- Thứ trưởng Bộ Tài Chính: Thời gian vận hành chính thức KRX chỉ còn tính theo tháng

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, hiện nay, hệ thống KRX đang được cấp tốc triển khai và các thành viên có thể tin tưởng vào thời hạn vận hành chính thức chỉ còn tính theo tháng..>> Chi tiết

- Chứng khoán DNSE: 3 nhóm ngành triển vọng cuối năm

Chuyên gia nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán DNSE cho rằng, ba nhóm ngành triển vọng là hàng không, bảo hiểm phi nhân thọ và nông nghiệp..>> Chi tiết

- IMF: Một số nền kinh tế châu Á có thể cần tăng lãi suất nhanh chóng để hạ nhiệt lạm phát

Một quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, một số ngân hàng trung ương châu Á phải tăng lãi suất nhanh chóng để hạ nhiệt lạm phát trước bối cảnh chi phí lương thực và nhiên liệu tăng cao trên toàn cầu..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục