VN-Index giảm nhẹ
Trong phiên sáng, sau nửa đầu gặp khó khăn do áp lực chốt lời ở một số mã lớn, dòng tiền đã nhập cuộc ồ ạt, kéo VN-Index chạm mốc 1.000 điểm với thanh khoản tăng vọt.
Trong phiên chiều, với ngưỡng kháng cự tâm lý mạnh, nên cũng giống như phiên 25/2, chỉ số đã bị đẩy lùi trở lại. Thậm chí, VN-Index còn không thể giữ được sắc xanh khi đóng cửa.
Việc VN-Index chưa thể thể chinh phục thành công mốc 1.000 điểm, thậm chí mất luôn cả sắc xanh do lực cản của nhóm cổ phiếu Vingroup, trong đó VIC giảm 0,09% xuống 117.300 đồng, VHM giảm 2,36% xuống 91.000 đồng và VRE giảm 0,44% xuống 34.200 đồng.
Một số bluechip khác cũng gây sức ép như VNM giảm 0,63% xuống 142.000 đồng, MSN giảm 0,11% xuống 89.400 đồng, TCB giảm 0,74% xuống 26.800 đồng, HPG giảm 0,85% xuống 35.050 đồng, PLX giảm 1,66% xuống 59.400 đồng, VJC giảm 0,74% xuống 120.000 đồng, NVL giảm 1,18% xuống 58.800 đồng…
Thị trường chỉ nhận được sự hỗ trợ ít ỏi của BID với mức tăng 2,98% lên 34.600 đồng, POW tăng 2,13% lên 16.800 đồng, BVH tăng 1,87% lên 98.300 đồng, các mã khác như VCB, GAS, SAB, CTG… tăng dưới 1%.
Gây chú ý tiếp tục là nhóm cổ phiếu thị trường với sắc tím tại HQC, DLG, TTF, TSC, SJF…
Dù không tăng trần, nhưng FLC và HAG lại có thanh khoản rất tốt với hơn 19 triệu đơn vị và gần 11,5 triệu đơn vị được khớp.
Trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 2,29 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 46,64 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng gần 1,85 triệu đơn vị. Tổng giá trị mua ròng tương ứng 48,2 tỷ đồng.
Trên UPCoM, khối ngoại mua ròng 487.670 đơn vị, với tổng giá trị mua ròng tương ứng 11,69 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 5/3: VN-Index giảm 1,54 điểm (-0,15%), xuống 992,45 điểm; HNX-Index giảm 0,28 điểm (-0,26%), xuống 108,24 điểm; UPCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,1%), xuống 55,98 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Thông tin tích cực về đàm phán thương mại Mỹ - Trung khi tờ Wall Street hôm Chủ nhật đưa tin về việc Mỹ và Trung Quốc sắp hoàn tất thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến thương mại, phố Wall đồng loạt tăng mạnh khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới.
Tuy nhiên, sau đó, các chỉ số chính của phố Wall đồng loạt quay đầu giảm mạnh sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ công bố yếu kém.
Cụ thể, chi tiêu xây dựng của Mỹ trong tháng 12/2018 bất ngờ giảm khi đầu tư vào cả dự án khu vực tư nhân và dự án công cộng đều giảm. Các nhà kinh tế dự báo, Chính phủ Mỹ sẽ điều chỉnh giảm mức tăng trưởng GDP của quý IV/2018.
Trong các nhóm cổ phiếu, nhóm cổ phiếu dược phẩm là nhóm giảm mạnh nhất trong phiên này sau khi có thông tin nhà sản xuất thuốc OxyContin Purdue Pharma LP đang tìm cách nộp đơn xin phá sản để giải quyết các khoản nợ đáng kể từ các vụ kiện cáo buộc công ty.
Dù vậy, may mắn là vào cuối phiên, các chỉ số đã dần hồi phục, hãm bớt đà giảm nhờ sự hỗ trợ của nhóm vật liệu và công nghệ.
Kết thúc phiên 4/3, chỉ số Dow Jones giảm 206,67 điểm (-0,79%), xuống 25.819,65 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 10,88 điểm (-0,39%), xuống 2.792,81 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 17,79 điểm (-0,23%), xuống 7.577,57 điểm.
Thị trường châu Á
Chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh nhẹ theo chân phố Wall đêm qua, sau khi Bắc Kinh chính thức thông báo cắt giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, qua đó, khiến nhóm cổ phiếu có thị trường lớn tại Trung Quốc suy yếu.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 giảm 0,4% xuống 21.726,28 điểm. Topix giảm 0,5% xuống 1.619,23 điểm với 30 trên 33 chỉ số phụ mất điểm.
Trung Quốc hôm thứ Ba cho biết sẽ hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 xuống còn 6 - 6,5%. Mọi năm, mục tiêu là một con số cụ thể, như 6,5% năm 2018, thay vì một khoảng.
Theo đó, Bắc Kinh sẽ đưa ra nhiều chính sách kích thích hơn, bao gồm cắt giảm thuế và phí an sinh xã hội, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng và cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ.
Phiên hôm nay, cổ phiếu của các công ty có thị trường lớn Trung Quốc bị chốt lời với Yaskawa Electric, đã tăng hơn 5% vào hôm qua, đã giảm 1,5%; Nhà sản xuất robot Fanuc, sau khi tăng 3,5% vào thứ Hai, đã mất 1,3%. Nhà sản xuất thiết bị xây dựng Komatsu cũng giảm 1,5%.
Các nhà sản xuất thiết bị chip cũng mất điểm, với Tokyo Electron giảm2,3% và Eclest Corp trượt 2,7%.
Đáng chú ý, Pigeon Corp đã giảm 7,5% sau khi nhà sản xuất sản phẩm chăm sóc trẻ em báo cáo kết quả quý IV gây thất vọng với doanh số tại Trung Quốc.
Chứng khoán Trung Quốc tăng khi Bắc Kinh tiết lộ kế hoạch cắt giảm thuế và tăng chi tiêu công và tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,88% lên 3.054,25 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,58% lên 3.816,01 điểm.
Chỉ số phụ theo dõi ngành tài chính giảm gần 0,1%, ngành tiêu dùng không đổi, trong khi y tế tăng 0,6%.
Trung Quốc thông báo trong năm 2019 sẽ cắt giảm gần 2 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 298,31 tỷ USD) thuế và phí cho các doanh nghiệp, Thủ tướng Trung Quốc Li Keqiang cho biết.
Bên cạnh đó, hạn ngạch phát hành trái phiếu đặc biệt cho chính quyền địa phương, một nguồn chính cho đầu tư cơ sở hạ tầng đã được đặt ở mức 2,15 nghìn tỷ nhân dân tệ. Năm ngoái, con số này chỉ ở mức 1,35 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ đẩy mạnh việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng nhỏ và vừa với mục đích tăng cường cho vay đối với các công ty nhỏ thêm hơn 30%, Thủ tướng Trung Quốc nói thêm.
Chứng khoán Hồng Kông gần như không đổi, sau khi chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ cắt giảm thuế và khuyến khích cho vay, nhưng cũng cắt giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Đóng cửa, Hang Seng tăng không đáng kể lên 28.961,60 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng chưa đến 0,1% lên 11.582,61 điểm.
Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng giảm 0,6%, ngành tài chính giảm 0,3% và bất động sản mất 0,3%. **
Cổ phiếu ngành CNTT đi ngược xu hướng khi tăng 3,3%, sau khi gã khổng lồ công nghệ Tencent Holdings tăng 4,2%.
Một báo cáo phương tiện truyền thông cho rằng Tencent đang đấu thầu để mua lại điều hành trò chuyện lớn nhất Hàn Quốc Kakao Corp.
Kết thúc phiên 5/3: Chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 95,76 điểm (-0,44%), xuống 21.726,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 26,67 điểm (+0,88%), lên 3.054,25 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 2,01 điểm (+0,00%), lên 28.961,60 điểm.
Thị trường vàng và ngoại tệ
- Vàng SJC đứng giá. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.260 đồng/USD
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay tăng 10.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,43 - 36,62 triệu đồng/lượng, không đổi so với đầu giờ sáng.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.938 đồng/USD, tăng 8 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.150 - 23.260 đồng/USD.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Nâng tỷ lệ an toàn vốn, nước đã đến chân (Bài 1): Áp lực của ngân hàng Việt
Trong mùa đại hội cổ đông 2019, tăng vốn sẽ là vấn đề “nóng” nhất của các ngân hàng. Bởi chỉ còn 10 tháng nữa là tới thời điểm Thông tư 41/2016/TT-NHNN, quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực thi hành - ngày 1/1/2020 - với những yêu cầu khắt khe hơn..>> Chi tiết
- Tin tốt sẽ dồn vào tháng 3?
Hết tháng 2/2019, VN-Index ghi nhận mức tăng trưởng 8,17% so với đầu năm. Mức tăng mạnh của VN-Index được ghi nhận kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thanh khoản của thị trường được cải thiện và động lực tăng của VN-Index đến từ nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn. Tháng 3, chứng khoán ra sao? ..>> Chi tiết
- Kịch bản lãi suất 2019 và ứng phó của doanh nghiệp niêm yết
Lãi suất đã tăng khá mạnh trong năm 2018 do chịu tác động của nhiều yếu tố. Hiện tại, diễn biến lãi suất năm 2019 vẫn là ẩn số, nên các doanh nghiệp phải chủ động tìm giải pháp huy động vốn cho mùa kinh doanh năm nay..>> Chi tiết
- Soi tiền mặt nghìn tỷ của “ông lớn” VN30
Kinh doanh, đầu tư hiệu quả, thoái vốn thu về nguồn tiền dồi dào…, không ít DN có số dư tiền hàng nghìn tỷ đồng đến cuối năm 2018. Vậy các DN đang làm gì với nguồn tiền lớn này?..>> Chi tiết
- Giá điện có thể tăng trên 8% trong tháng 3
Bộ Công Thương đã chính thức trình phương án tăng 8,36% giá bán lẻ điện và đảm bảo "không ảnh hưởng tới CPI, GDP"..>> Chi tiết
- Trung Quốc giảm thuế, hạ mục tiêu tăng trưởng
Trung Quốc muốn chặn lại đà giảm tốc, trong bối cảnh phải đối phó với khối nợ khổng lồ và căng thẳng thương mại với Mỹ..>> Chi tiết