Thị trường tài chính 24h: Tín dụng kỳ vọng sẽ bật mạnh trong 2 quý cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Tín dụng quý II khó tăng cao; Chờ đợi gì ở cổ phiếu bất động sản?; Doanh nghiệp "chia tiền" đều đặn hút khách; Mỹ và Châu Âu đang trên đà hội tụ về chính sách tiền tệ…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Tín dụng kỳ vọng sẽ bật mạnh trong 2 quý cuối năm

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC sau khi mở cửa sáng nay ngày 6/6 giảm 1,8 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 1,02 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 28,3 USD lên 2.355,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng lên 2.370 USD, trước khi hạ nhiệt về 2.360 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,23 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 6/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.241 đồng/USD, không đổi so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.213 – 25.453 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng từ 70.700 USD lên 71.300 USD thì sang ngày hôm nay đã yếu đi và lùi về 70.900 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,13 USD (+0,18%), lên 74,20 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,06 USD (+0,08%), lên 78,47 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ

Sau phiên sáng hạ nhiệt khi chỉ vừa vượt 1.290 điểm với dòng tiền thận trọng, thị trường bước vào phiên chiều thêm một lần vượt qua ngưỡng cản mạnh ngày từ khá sớm.

Tuy vậy, diễn biến cũ trở lại, khi lực cung gia tăng ngay tại mốc điểm này và khiến VN-Index đảo chiều, thậm chí đã lùi về dưới tham chiếu, mất hơn 12 điểm và thủng 1.280 điểm, trước khi bật hồi về gần tham chiếu khi đóng cửa.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 19,64 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng 805,24 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 6/6: VN-Index giảm 0,79 điểm (-0,06%), xuống 1.283,56 điểm; HNX-Index giảm 0,31 điểm (-0,13%), xuống 244,18 điểm; UpCoM-Index tăng 0,86 điểm (+0,88%), lên 98,32 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Tư (5/6), với hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq đạt mức cao kỷ lục, được hỗ trợ bởi cổ phiếu công nghệ, khi dữ liệu kinh tế mới có thể thúc đẩy Fed giảm lãi suất.

Cổ phiếu Nvidia, khi tăng thêm hơn 5% và vốn hoá thị trường đạt hơn 3.000 tỷ USD, vượt qua Apple để trở thành công ty giá trị thứ hai toàn thị trường.

Về mặt dữ liệu, khu vực tư nhân tại Mỹ đã tạo ra ít việc làm hơn, ở mức 152.000 việc làm trong tháng 5, thấp hơn nhiều so với dự báo 175.000 việc làm. Đây tín hiệu mới nhất cho thấy sự suy yếu trên thị trường lao động mà nhà đầu tư hy vọng sẽ cung cấp đủ bằng chứng để Fed hạ lãi suất.

Kết thúc phiên 5/6: Chỉ số Dow Jones tăng 96,04 điểm (+0,25%), lên 38.807,33 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 62,69 điểm (+1,18%), lên 5.354,03 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 330,86 điểm (+1,96%), lên 171.98,90 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản hồi phục, khi Tokyo Electron và các cổ phiếu liên quan đến chip khác theo chân các công ty cùng ngành ở Mỹ đêm qua tăng điểm.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,55% lên 38.703,51 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,33% lên 2.757,23 điểm.

"Cổ phiếu chip đã nâng đỡ Nikkei 225, nhưng mức tăng bị chặn lại khi các nhà đầu tư bán cổ phiếu ngay khi chỉ số này vượt qua cột mốc quan trọng 39.000 điểm trong phiên", Shuutarou Yasuda, một nhà phân tích thị trường cho biết.

Cổ phiếu chip nhích lên, với nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron tăng 3,5% và đóng góp lớn nhất cho Nikkei 225. Cổ phiếu nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest tăng 3,91%.

Thông tin đáng chú ý là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ họp vào thứ Năm và thị trường dự báo gần như chắc chắn về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên. Trong khi đó, Fed và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ tổ chức các cuộc họp chính sách vào tuần tới.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi giới đầu tư thận trọng theo dõi dữ liệu thương mại tháng 5 sẽ công bố vào ngày mai, trong khi những lo ngại về lĩnh vực bất động sản trở nên sâu sắc hơn.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,54% xuống 3.048,79 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,07% xuống 3.592,25 điểm.

Một thước đo của Bloomberg Intelligence theo dõi cổ phiếu các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã giảm tới 4%, kéo đà giảm 20% từ mức cao nhất vào giữa tháng 5. Trong đó, Sunac China Holdings Ltd là một trong những cổ phiếu giảm sâu nhất với mức giảm tới 12%, trong khi Shimao Group Holdings Ltd giảm 9,3%.

Cổ phiếu bất động sản đã suy yếu trong bối cảnh có những hoài nghi về gói hỗ trợ được chính quyền trung ương công bố vào ngày 17/5, bao gồm các yêu cầu trả trước thấp hơn cho người mua nhà. Giới phân tích đã đặt câu hỏi lớn hơn về mức độ hữu ích của các biện pháp này trong việc phục hồi nhu cầu và giải quyết tình trạng dư thừa hàng tồn kho nhà ở.

Ngoài ra còn có mối quan tâm về quy mô của các biện pháp. Các quan chức đã nói rằng một chương trình của ngân hàng trung ương sẽ khuyến khích các khoản vay ngân hàng trị giá 500 tỷ nhân dân tệ (69 tỷ USD), nhưng đó chỉ là một phần nhỏ so với giá trị của các căn hộ bỏ trống của Trung Quốc.

Dữ liệu mới cho thấy, doanh số bán nhà mới tháng 5 tại 100 công ty bất động sản lớn nhất nước này đã giảm 33,6% so với cùng kỳ trước.

Chứng khoán Hồng Kông tăng khi các nhà đầu tư đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất của Mỹ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,28% lên 18.476,80 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,19% lên 6.555,06 điểm.

Lực mua dường như đang mạnh hơn, khi dữ liệu kinh tế Mỹ bắt đầu cho thấy sự suy yếu trong tuần qua, tái khẳng định hy vọng về việc cắt giảm lãi suất sớm hơn từ Fed, nhóm nghiên cứu Saxo APAC viết trong một bài bình luận.

Chứng khoán Hàn Quốc nghỉ giao dịch ngày Tưởng niệm.

Kết thúc phiên 6/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 213,34 điểm (+0,55%), lên 38.703,51 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,61 điểm (-0,54%), xuống 3.048,79 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 51,84 điểm (+0,28%), lên 18.476,80 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tín dụng quý II khó tăng cao

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế 5 tháng đầu năm 2024 mới đạt gần 2% nên khó tăng cao trong quý II, nhưng kỳ vọng sẽ bật mạnh trong 2 quý cuối năm..>> Chi tiết

- Chờ đợi gì ở cổ phiếu bất động sản?

Doanh số bán hàng của các doanh nghiệp bất động sản dự kiến tăng tốc khi các doanh nghiệp và cả người dân bắt đầu tiếp cận được với nguồn vốn vay dồi dào (với mặt bằng lãi suất thấp hơn), đi kèm với kỳ vọng tác động tích cực Luật đất đai 2024 dự kiến có hiệu lực từ tháng 8 năm nay..>> Chi tiết

- Doanh nghiệp "chia tiền" đều đặn hút khách

Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở mức thấp khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn tới kênh đầu tư mang lại dòng tiền thu nhập thụ động khác, nhất là các cổ phiếu có lịch sử trả cổ tức đều đặn hàng năm..>> Chi tiết

- Mỹ và Châu Âu đang trên đà hội tụ về chính sách tiền tệ

Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng nhanh hơn so với nền kinh tế khu vực đồng euro vào năm ngoái, nhưng cả hai nền kinh tế này đang hội tụ và chính sách của ngân hàng trung ương có thể sẽ cùng xu hướng..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục