Thị trường tài chính 24h: Thị trường chứng khoán vẫn mang lại cơ hội ngắn hạn

(ĐTCK) VN-Index giảm về gần 1.240 điểm; Nhu cầu gia hạn nợ sẽ giảm đi; Rủi ro của việc "cho vay deal" tại công ty chứng khoán; “Chọn mặt gửi vàng”; Trái phiếu đầu cơ có nguy cơ “ra rìa”; Dự báo Fed tiếp tục giảm lãi suất sau cuộc họp tháng 12/2024…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 4/12 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 83,00 – 85,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng nhẹ 4,2 USD lên 2.642,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lên 2.650 USD, trước khi lùi về vùng 2.640 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,49 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 4/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.262 đồng/USD, tăng 2 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.172 – 25.475 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 96.000 USD xuống 95.100 USD, thì sang ngày hôm nay đã dần hồi phục và lên gần 97.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,27 USD (+0,39%), lên 70,21 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,33 USD (+0,45%), lên 73,96 USD/thùng.

VN-Index giảm về gần 1.240 điểm

Thị trường sớm giảm điểm ngay khi mở cửa với sắc đỏ lấn át trên bảng điện tử. Dù có một số thời điểm nỗ lực trở lại, nhưng đứng trước áp lực bán gia tăng, VN-Index đã bị đẩy lùi nhanh, đặc biệt vào thời điểm cuối phiên. Nhưng ngưỡng điểm hỗ trợ 1.240 điểm may mắn vẫn được bảo toàn khi thị trường đóng cửa. Thanh khoản vẫn là điểm trừ khi duy trì ở mức thấp.

Kết thúc phiên giao dịch 4/12: VN-Index giảm 9,42 điểm (-0,75%), xuống 1.240,41 điểm; HNX-Index giảm 0,67 điểm (-0,3%), xuống 224,62 điểm; UPCoM-Index đứng tại mức tham chiếu 92,44 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ biến động nhẹ trong phiên thứ Ba (3/12), khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi báo cáo việc làm quan trọng vào cuối tuần này, cũng như bình luận từ các quan chức của Fed.

Số liệu bảng lương tháng 11 đang rất được giới đầu tư trông đợi vào ngày thứ Sáu. Đây là một thước đo về tình trạng lao động quan trọng trong việc đánh giá con đường lãi suất của Fed.

Kết thúc phiên 3/12: Chỉ số Dow Jones giảm 76,47 điểm (-0,17%), xuống 44.705,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,72 điểm (+0,05%), lên 6.049,88 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 76,96 điểm (+0,40%), lên 19.480,91 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giằng co, rung lắc trong phần lớn thời gian của phiên trước khi đóng cửa tăng nhẹ, khi giới đầu tư chờ đợi các tín hiệu kinh tế mới từ Mỹ và Nhật Bản.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,07% lên 39.276,39 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,47% xuống 2.740,60 điểm.

Các cổ phiếu lớn như SoftBank Group giảm 1,73%, nhà sản xuất chip Tokyo Electron nhích 0,02%%, Advantest tăng 0,74%.

Với các cuộc họp chính sách tiền tệ ở cả Mỹ và Nhật Bản sắp diễn ra vào cuối tháng này, thì các dữ liệu kinh tế sẽ là tâm điểm theo dõi của thị trường, Kenji Abe, chiến lược gia trưởng tại Daiwa Securities cho biết.

Báo cáo việc làm của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu, trong khi CPI của Mỹ và cuộc khảo sát "tankan" của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ được công bố vào cuối tháng này.

"Tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư đang chú ý rất nhiều đến những dữ liệu trên", ông Abe nói thêm

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi thị trường đón nhận dữ liệu tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ chậm lại và xung đột thương mại leo thang với Mỹ làm suy yếu tâm lý nhà đầu tư.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,42% xuống 3.364,65 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,54% xuống 3.930,56 điểm.

Hoạt động dịch vụ của Trung Quốc tăng với tốc độ chậm lại trong tháng 11, với chỉ số nhà quản trị mua dịch vụ (PMI) Caixin/S&P Global, giảm xuống 51,5 điểm từ mức 52,0 điểm trong tháng 10, khi nền kinh tế chuẩn bị cho một tương lai khó khăn với mức thuế của Mỹ dưới thời chính quyền Trump.

Tâm lý thị trường cũng trầm lắng, sau lệnh cấm xuất khẩu các khoáng sản có nhiều ứng dụng của Bắc Kinh sang Mỹ, một ngày sau khi Washington áp đặt lệnh hạn chế mới trong lĩnh vực chip đối với Trung Quốc.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ, khi các nhà đầu tư cân nhắc triển vọng về các biện pháp kích thích từ Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,02% xuống 19.742,46 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,18% lên 7.085,00 điểm.

Cổ phiếu SMIC tăng 1,5% nhờ kỳ vọng về nhu cầu tăng đối với chip trong nước sau khi các hiệp hội ngành do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn kêu gọi tẩy chay chip của Mỹ.

Chứng khoán Hàn Quốc hãm bớt đà giảm, sau khi tổng thống nước này nhanh chóng dỡ bỏ quyết định thiết quân luật.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 36,10, tương đương 1,44% xuống 2.464,00 điểm.

Tổng thống nước này Yoon Suk Yeol tuyên bố thiết quân luật trong đêm và đã dỡ bỏ sắc lệnh này trong vòng vài giờ sau đó.

Bộ Tài chính Hàn Quốc trong một động thái gần như ngay lập tức cho biết, họ sẵn sàng bơm thanh khoản "không giới hạn" vào thị trường tài chính nếu cần thiết sau khi tuyên bố thiết quân luật đẩy đồng won xuống mức thấp nhất trong nhiều năm so với đồng USD.

Thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã là một trong những thị trường hoạt động tồi tệ nhất trên thế giới khi giảm hơn 7% trong năm nay, trái ngược hoàn toàn với nhiều chỉ số chính, ở châu Á và các nơi khác khi đã tăng trưởng ở mức hai con số.

Kết thúc phiên 4/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 27,53 điểm (+0,07%), lên 39.276,39 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 14,16 điểm (-0,42%), xuống 3.364,65 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 3,86 điểm (-0,02%), xuống 19.742,46 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 36,10 điểm (-1,44%), xuống 2.464,00 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Nhu cầu gia hạn nợ sẽ giảm đi

Theo quan sát của bà Phan Thị Vân Anh, Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp, VIS Rating, khả năng trả nợ của người đi vay đang dần cải thiện..>> Chi tiết

- Rủi ro của việc "cho vay deal" tại công ty chứng khoán

Từ lâu, kênh cho vay ký quỹ của công ty chứng khoán đóng vai trò như là một kênh cấp vốn quan trọng đối với nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn khi kênh ngân hàng và trái phiếu không thể huy động thêm. Thời gian gần đây, hoạt động có thể xem là ngân hàng ngầm (shadow banking) này càng diễn ra mạnh mẽ với đặc tính dễ tiếp cận và quy mô ngày càng tăng..>> Chi tiết

- “Chọn mặt gửi vàng”

Trong bối cảnh dòng tiền yếu, thị trường chứng khoán vẫn ghi nhận sự luân chuyển linh hoạt tích cực và mang lại cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư ngắn hạn..>> Chi tiết

- Trái phiếu đầu cơ có nguy cơ “ra rìa”

Nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump hiện thực hóa các chính sách về kinh tế đưa ra khi tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2025 - 2029, trái phiếu đầu cơ có nguy cơ sẽ rơi vào khủng hoảng..>> Chi tiết

- Giới chuyên gia dự báo Fed tiếp tục giảm lãi suất sau cuộc họp tháng 12/2024

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa đưa ra nhận định lạc quan về tình hình lạm phát tại nước này, cho rằng Mỹ đang trên đà đạt được mục tiêu lạm phát 2% trong dài hạn, theo đó hé mở triển vọng giảm lãi suất ngay trong tháng 12 này..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục