Thị trường tài chính 24h: Thêm một phiên bán tháo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index bay mất gần 40 điểm; Nhiều ngân hàng chưa dứt nợ với VAMC; Cơ hội tốt trên thị trường chứng khoán có thể vuột trôi; Nhà đầu tư dễ “bỏng tay” với nhóm cổ phiếu dược; Tìm kiếm cơ hội ở vùng cao hay lo ngại chứng khoán tăng ảo?; Chứng khoán châu Á biến động nhẹ; Deutsche Bank cảnh báo về "quả bom hẹn giờ" tài chính toàn cầu…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.  
Thị trường tài chính 24h: Thêm một phiên bán tháo

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 8/6 tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và 300.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm thêm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại mức 56,75 – 57,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 7,7 USD lên 1.899,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng leo nhanh lên trên 1.905 USD/ounce, nhưng đã yếu nhanh đi sau đó và về quanh 1.890 USD/ounce đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,20% lên 90,13 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 8/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.130 đồng, giảm 10 đồng với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.860 - 23.060 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,47 USD (-0,68%), xuống 68,76 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,51 USD (-0,71%), xuống 70,98 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau khi giảm sâu về gần 34.000 USD trong ngày hôm qua, đã tiếp tục xu hướng giảm mạnh trong ngày hôm nay và về gần 33.000 USD/BTC vào cuối giờ chiều.

Chứng khoán trong nước

Gãy Trend tăng ngắn hạn

Chỉ sau khoảng 45 phút giao dịch sau khi mở cửa, lực lực chốt lời ồ ạt đẩy VN-Index xuyên thủng vùng hỗ trợ “mềm” 1.350 điểm.

Bước vào phiên chiều, lệnh bán càng mạnh hơn và mang tính rũ bỏ được tung vào, khiến hàng loạt mã xuống mức sàn, VN-Index xuyên thủng luôn vùng hỗ trợ 1.340 điểm và lùi tiếp về dưới 1.320 điểm khi đóng cửa.

Trong rổ VN30, giảm mạnh nhất đều là các cổ phiếu ngân hàng, thép, chứng khoán, dầu khí với mức giảm từ 5-6% như HPG -5,1%, SSI -6,7%, HDB -6,8%, MBB -6,2%.

Các mã STB, LPB, MSB, HCM, AGR, CTS, PVD, PVT, HSG, NKG… còn giảm sàn và trắng bên mua.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 7,22 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 289,41 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 8/6: VN-Index giảm 38,9 điểm (-2,86%), xuống 1.319,88 điểm; HNX-Index giảm 12,25 điểm (-3,84%), xuống 306,39 điểm; UpCoM-Index giảm 2,67 điểm (-2,99%), xuống 86,4 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall khởi đầu tuần mới với một phiên giao dịch ảm đạm ngày thứ Hai (7/6), khi thiếu động lực từ chuyển động kinh tế sau phiên tăng tích cực nhờ báo cáo việc làm vào cuối tuần trước.

Tuần này, giới đầu tư sẽ tập trung chú ý đến dữ liệu lạm phát công bố trong tuần, với chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 5 dự kiến công bố vào ngày 10/6. Đây sẽ là dữ liệu quan trọng ảnh hưởng đến quyết định chính sách của Fed trong thời gian tới.

Trong một diễn biến khác, “cổ phiếu meme” AMC Entertainment Holdings, cổ phiếu đang nhận được sự chú ý trên thị trường trong thời gian gần đây, tăng 14,8%, kéo dài mức tăng 85% của tuần trước.

Kết thúc phiên 7/6, chỉ số Dow Jones giảm 126,15 điểm (-0,36%), xuống 34.630,24 điểm. Chỉ số S&P giảm 3,37 điểm (-0,08%), xuống 4.226,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 67,23 điểm (+0,49%), lên 13.8881,72 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, do tổn thất ở nhóm cổ phiếu lớn, đáng kể là Softbank Group.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,19% xuống 28.963,56 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,09% lên 1.962,65 điểm.

Hầu hết các cổ phiếu lớn đều xuống giám, với SoftBank Group giảm 1,6%, nhà sản xuất điều hòa Daikin Industries giảm 3,1%, Sumitomo Metal Mining giảm giảm 4,1%.

Ở chiều ngược lại, điểm sáng lớn nhất là Eisai Co tăng 19,4%, sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt một loại thuốc do Eisai Co và Biogen Inc hợp tác phát để điều trị bệnh Alzheimer từ gốc.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do các công ty tiêu dùng đè nặng, khi các nhà đầu tư lo lắng về mức định giá đã cao và căng thẳng Trung-Mỹ.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,54% xuống 3.580,11 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,86% xuống 5.232,12 điểm.

Giảm mạnh nhất là chỉ số theo dõi ngành tiêu dùng, lùi 3,4%, với Anhui Yingjia Distillery, Sichuan Swellfun, Hebei Hengshui Laobaigan Liquor, Jinhui Liquor và An Huy Golden Seed Winery đều giảm sàn -10%.

Sự thoái lui diễn ra khi chỉ số ngành đồ uống có cồn gần đạt mức cao kỷ lục vào giữa tháng 2 và tăng lần lượt 12% và 12,5% trong tháng 5 và tháng 4 vừa qua.

Căng thẳng với Mỹ cũng ảnh hưởng đến thị trường, sau khi Ngoại trưởng Mỹ, ông Antony Blinken báo hiệu rằng khả năng có thể nối lại các cuộc đàm phán thương mại và đầu tư với Đài Loan vốn đã bị đình trệ kể từ thời chính quyền Obama.

Chứng khoán Hồng Kông gần như không đổi, khi tổn thất ở các công ty năng lượng và công nghệ đã được bù đắp bằng đà tăng của nhóm bất động sản.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 5 0,02% xuống 28.781,38 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,17% xuống 10.729,52 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng giảm 1,1%, ngành CNTT giảm 0,39%, tài chính tăng 0,18% và bất động sản tăng 0,96%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm do cổ phiếu công nghệ đi xuống, trong khi các nhà đầu tư đứng ngoài chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần này.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,13% xuống 3.247,83 điểm.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất là của Nhà sản xuất thuốc Samsung Biologics Co Ltd đã tăng 4,6% sau khi mở rộng hợp đồng với Gilead Sciences Inc.

Kết thúc phiên 8/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 55,68 điểm (-0,19%), xuống 28.963,56 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 19,43 điểm (-0,54%), xuống 3.580,11 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 5,9 điểm (-0,02%), xuống 28.781,38 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 4,29 điểm (-0,13%), xuống 3.247,83 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Nhiều ngân hàng chưa dứt nợ với VAMC

Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, nhiều ngân hàng đã tất toán xong khoản nợ xấu “gửi” tại VAMC, song một số nhà băng vẫn loay hoay với bài toán này..>> Chi tiết

- Cơ hội tốt trên thị trường chứng khoán có thể vuột trôi

“Kỷ lục sinh ra để phá”, diễn biến thị trường tuần qua đúng như câu nói trên và nếu không có trục trặc hệ thống tại HOSE, có lẽ những con số vô tiền khoáng hậu trong ngành chứng khoán Việt Nam sẽ còn xuất hiện..>> Chi tiết

- Nhà đầu tư dễ “bỏng tay” với nhóm cổ phiếu dược

Sau khi Bộ Y tế công bố danh sách 36 đơn vị đủ điều kiện kinh doanh, nhập khẩu vắc xin, hàng loạt cổ phiếu dược đồng loạt tăng điểm mạnh..>> Chi tiết

- Tìm kiếm cơ hội ở vùng cao hay lo ngại chứng khoán tăng ảo?

Dòng tiền mạnh mẽ đẩy giá nhiều cổ phiếu vượt xa định giá cơ bản, triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp cũng chưa rõ ràng trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, khiến nhiều ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán đang tăng quá mức, đi vào giai đoạn “ảo”..>> Chi tiết

- Deutsche Bank cảnh báo về "quả bom hẹn giờ" tài chính toàn cầu do lạm phát gia tăng

Theo cảnh báo từ các nhà kinh tế của Deutsche Bank, lạm phát có thể là một vấn đề sẽ qua đi nhưng nhiều khả năng sẽ kéo dài dai dẳng và dẫn đến khủng hoảng trong những năm tới..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,204.97 -0.64 -0.05% 141,739 tỷ
HNX 227.57 -0.3 -0.13% 1,224 tỷ
UPCOM 88.33 -0.04 -0.04% 488 tỷ