Thị trường tài chính 24h: Thêm một ngày sóng gió với thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index thêm một phiên giảm sâu; Ẩn số nợ xấu; Định hình gói tài khoá, tiền tệ phục hồi kinh tế; Cổ phiếu vua: “Hai kéo, một đẩy”; Fed sẽ ngăn chặn lạm phát để không ảnh hưởng đến nền kinh tế…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Thêm một ngày sóng gió với thị trường chứng khoán

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 11/1 tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 61,00 – 61,67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 4,6 USD lên 1.801,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và chạm 1.810 USD/ounce, trước khi thêm một lần bị đẩy nhẹ xuống dưới ngưỡng trên vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 95,90 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 11/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.105 đồng/USD, giảm 20 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.560 – 22.840 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,18 USD (+1,51%), lên 79,41 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,13 USD (+1,40%), lên 82,00 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giằng co mạnh và dừng ở 41.700 USD, thì sang ngày hôm nay đã có tín hiệu tốt hơn và nhích dần lên trên 42.500 USD, nhưng đã hạ nhiệt về dưới mốc 42.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

VN-Index rơi thêm hơn 10 điểm

Thị trường bước vào phiên chiều với dòng tiền bắt đáy mạnh hơn giúp VN-Index trồi lên trên 1.510 điểm. Tuy vậy, sức ép ở nhóm bluechip ngày một lớn đã khiến chỉ số dần hạ nhiệt và bất ngờ có nhịp rơi nhanh xuống dưới 1.490 điểm trước khi nảy lại về gần 1.500 điểm và thêm một lần thoái lui về gần 1.490 điểm khi đóng cửa.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, tâm điểm vẫn là nhóm cổ phiếu thuộc nhà FLC, với FLC, ROS, AMD, HAI với tổng cộng khớp lệnh gần 300 triệu đơn vị, chiếm tới gần 1/4 tổng khối lượng khớp lệnh toàn sàn HOSE.

Trong đó, FLC tiếp tục phá kỷ lục với gần 155 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 5,91%, còn ROS khớp hơn 98,6 triệu đơn vị, giảm sàn -6,7%. Hai cổ phiếu liên quan là AMD và HAI cũng giảm sàn về 9.580 đồng và 9.210 đồng.

Diễn biến trái ngược ở một số cổ phiếu, khi gia nhập nhóm cổ phiếu tăng hết biên độ và cũng như phiên sáng, khi đa số là các mã bất động sản, xây dựng với LCG, NBB, AGG, TNA, BCM, SGR, TIP, LDG, TDC, VPH, HCD, ACC, PTC, KSB và DIG.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 7,93 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng 412,02 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 11/1: VN-Index giảm 11,40 điểm (-0,76%), xuống 1.492,31 điểm; HNX-Index giảm 1,28 điểm (-0,26%), xuống 481,61 điểm; UpCoM-Index tăng 0,24 điểm (+0,21%), lên 114,54 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall có phiên giao dịch mờ nhạt trong ngày thứ Hai (10/1), khi nỗi lo về lạm phát gia tăng.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm vượt mốc 1,8%, nhưng đã ổn định dưới đó vào cuối phiên.

Lợi suất tăng mạnh gần đây do kỳ vọng Fed sẽ đẩy nhanh tiến độ thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo Fed sẽ nâng lãi suất 4 lần trong năm nay, một tín hiệu cho thấy Phố Wall ngày càng kỳ vọng Fed sẽ hành động quyết liệt để chống lạm phát.

Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đã chịu áp lực vào đầu phiên nhưng đã có thể ổn định và sau đó khởi sắc trong phiên, Cổ phiếu Nvidia, Tesla và Apple đều tăng sau khi suy giảm hồi đầu phiên.

Kết thúc phiên 10/1, chỉ số Dow Jones giảm 162,79 điểm (-0,45%), xuống 36.068,87 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,17 điểm (-0,14%), xuống 4.670,29 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 6,93 điểm (+0,05%), lên 14.942,83 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, do ảnh hưởng từ phiên mờ nhạt đêm qua trên phố Wall.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,9% xuống 28.222,48 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,44% xuống 1.986,82 điểm.

Phiên này, cổ phiếu công nghệ tạo áp lực lớn nhất đến Nikkei 225 là Tokyo Electron mất 3,34%, SoftBank Group giảm 2,35% và Keyence giảm 7,89%.

Ở những nơi khác, cổ phiếu Nippon Paint Holdings giảm 12,28% sau khi cho biết, các cổ đông của họ có kế hoạch bán cổ phiếu trên thị trường đại chúng.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do lo ngại Fed sớm tăng lãi suất và dịch Covid-19 trong nước đè nặng lên tâm lý giới đầu tư.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,74% xuống 3.567,44 điểm. Chỉ số CSI 300 giảm 0,96% xuống 4.797,77 điểm.

Phiên này, lĩnh vực quốc phòng giảm 3,3%, trong khi chỉ số phụ về công nghệ thông tin, tiêu dùng và ô tô giảm từ 2% đến 2,6%.

Thị trường cũng chịu tác động từ đợt bùng phát COVID-19 mới nhất tại các địa phương và biến thể Omicron đã được phát hiện ở ít nhất ba tỉnh.

Chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ, khi nhóm cổ phiếu công nghệ đã lùi bước do gặp áp lực chốt lời.

Đóng cửa, Hang Seng giảm nhẹ 0,03% xuống 23.833,57 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,04% lên 8.408,52 điểm.

Chỉ số công nghệ giảm 0,1% với Alibaba Group, giảm 1,6%, Xiaomi mất 1,9% và NetEase giảm 0,4%.

Chứng khoán Hàn Quốc nhích nhẹ, do các nhà đầu tư đang chờ phiên điều trần của chủ tịch Fed và dữ liệu lạm phát của Mỹ cả năm 2021 sắp được công bố.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 0,66 điểm, tương đương 0,02% lên 2.927,38 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, hai gã khổng lồ chip Samsung Electronics và SK Hynix tăng lần lượt 1,15% và 2,81%, trong khi LG Chem tăng 3,38%.

Thị trường ít phản ứng với thông tin xuất khẩu của Hàn Quốc tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong 10 ngày đầu tiên của tháng 1 này, nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với chất bán dẫn, các sản phẩm hóa dầu và ô tô.

Kết thúc phiên 11/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 256,08 điểm (-0,90%), xuống 28.222,48 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 26,08 điểm (-0,73%), xuống 3.567,44 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 7,48 điểm (-0,03%), xuống 23.739,06 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 0,66 điểm (+0,02%), lên 2.927,38 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ẩn số nợ xấu

Ẩn trong lợi nhuận các ngân hàng hiện tại là chi phí dự phòng. Tổng dư nợ của hệ thống hiện đã đến 10 triệu tỷ đồng nên tỷ lệ nợ xấu dù chỉ 2 - 3% cũng đã là con số rất lớn và sẽ “ăn” vào lợi nhuận của ngân hàng..>> Chi tiết

- Cổ phiếu vua: “Hai kéo, một đẩy”

Đại dịch không còn là nỗi sợ lớn trong năm 2022, kinh tế phục hồi thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng là yếu tố cơ bản khiến thị trường kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng tăng giá, nhưng vẫn còn ẩn số nợ xấu..>> Chi tiết

- Định hình gói tài khoá, tiền tệ phục hồi kinh tế

Cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư hướng sự chú ý tới gói tài khoá, tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế quy mô 347.000 tỷ đồng - đang được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội..>> Chi tiết

- HOSE nói gì về hiện tượng "đứng hình" phiên 10/1/2022

Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu VNX chỉ đạo các công ty thành viên khẩn trương báo cáo Lãnh đạo Bộ tình hình, làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố trong ngày 10/1/2022..>> Chi tiết

- Fed sẽ ngăn chặn lạm phát để không ảnh hưởng đến nền kinh tế

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cho biết, ngân hàng trung ương sẽ ngăn chặn lạm phát cao hơn, trong khi cảnh báo nền kinh tế sau đại dịch có thể khác so với lần mở rộng trước đó..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục