Thị trường tài chính 24h: Sức ép gia tăng

(ĐTCK) VN-Index mất mốc 955 điểm; Nhân dân tệ mất giá so với USD: VND sẽ như thế nào?; Thời của cổ phiếu công nghệ; Cắt nghĩa trạng thái “xanh, đỏ” của VN-Index; Trái phiếu doanh nghiệp: Dấu hỏi về chất lượng tài sản bảo đảm; Chứng khoán Hồng Kông giảm sâu; Giới đầu tư đang lắng nghe Fed...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Sức ép gia tăng

Sức ép gia tăng, VN-Index bị đẩy lùi khá sâu

Trong phiên sáng, tâm lý thận trọng của cả bên mua và bên bán khiến VN-Index giảm duy trì sắc đỏ, đánh mất mốc 960 điểm với thanh khoản thấp.

Bước sang phiên chiều, bên nắm giữ đã mất kiên nhất, đồng loạt bán ra, khiến VN-Index nới rộng đà giảm, lùi xuống dưới 954 điểm trước khi nảy trở lại trên 955 điểm.

Tuy nhiên, lực bán gia tăng trong đợt ATC đẩy chỉ số trở lại, không giữ được mốc 955 điểm khi đóng cửa,

Nhóm cổ phiếu lớn đều chìm trong sắc đỏ khi nhóm VN30 chỉ có 4 mã tăng là HDB +0,19%; HPG +0,43%; MWG +1,23%; và SBT +2,99%; thêm VPB đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm.

Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn cũng chìm trong sắc đỏ, VIC giảm 0,85%, VHM giảm 2,32%, VCB giảm 0,59%, VNM giảm 0,24%, GAS giảm 2,4%, SAB giảm 0,72%, BID giảm 1,25%, MSN giảm 1,16%, VRE giảm 0,71% và CTG giảm 1,22%.

Các mã nhỏ có sự phân hóa khi FLC, IJC, HAI, OGC, TTF, DLG, AMD, JVC, FIT, AGR, PTL, HAR tăng giá.

Trong khi đó, HQC, VOS, TNT, PXI, DIC, DXV, ITA, KMR, HAG, HVG, ASM, IDI… giảm, trong đó HVG, DXV thậm chí còn đóng cửa ở mức sàn.

Tính chung trên toàn thị trườngnhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 0,16 triệu đơn vị, giá trị 21,17 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 12/6: VN-Index giảm 7,9 điểm (-0,82%), xuống 954,17 điểm; HNX-Index giảm 0,4 điểm (-0,38%), xuống 103,56 điểm; UPCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,03%), xuống 55,12 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Trong phiên thứ Ba, mở cửa phiên, phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng mạnh ở cả 3 chỉ số chính khi dư âm của những thông tin và kỳ vọng trước đó như Mỹ hoãn đánh thuế hàng Mexico, Fed có khả năng giảm lãi suất…, được duy trì.

Tuy nhiên, chỉ quá nữa phiên sáng, thị trường đồng loạt đảo chiều đi xuống và giao dịch lình xình quanh tham chiếu trước khi đóng cửa gần như không đổi nhưng với sắc màu đỏ.

Giới đầu tư thận trọng trở lại khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu hôm thứ Ba cho biết, ông không hứng thú với việc thúc đẩy nhanh một thỏa thuận với Trung Quốc trừ khi Bắc Kinh đồng ý với 4 hoặc 5 điểm chính mà Mỹ đưa ra, nhưng ông Trump không nêu chi tiết là điểm gì.

Ông Trump đe dọa sẽ đánh thuế với tất cả hàng hóa của Trung Quốc nếu không có tiến triển nào trong các cuộc đàm phán với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G20.

Phiên giảm điểm nhẹ hôm thứ Ba khiến Dow Jones chấm dứt chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp, chuỗi tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2018.

Kết thúc phiên 11/6, chỉ số Dow Jones giảm 14,17 điểm (-0,05%), xuống 26.048,51 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,01 điểm (-0,04%), xuống 2.885,72 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,6 điểm (-0,01%), xuóng 7.822,57 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, chấm dứt 3 phiên tăng liên tiếp trước đó, bởi lập trường cứng rắn của Tổng thống Donald Trump trong các bình luận mới nhất về đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,35% xuống 21.129,72 điểm Topix giảm 0,45% xuống 1.554,22 điểm.

Ông Donald Trump hôm thứ Ba phát biểu với quan điểm cứng rắng về vấn đề thương mại rằng, ông đang trì hoãn thỏa thuận với Trung Quốc và nhấn mạnh, Mỹ sẽ có một thỏa thuận tuyệt vời với Trung Quốc hoặc không có gì cả.

Seiki Orimi, chiến lược gia đầu tư tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities cho biết, nếu liệt kê các yếu tố tiêu cực đến thị trường thì có rất nhiều, từ ảnh hưởng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Brexit... trong khi các yếu tố tích cực lại rất ít và còn ở rất xa.

Thật vậy, triển vọng thu nhập của các công ty Nhật Bản tiếp tục xấu đi. P/E của Topix đã giảm 6,7% so với mức đỉnh cuối năm ngoái và hiện giảm 2,1% so với một năm trước.

Phiên hôm nay, đáng chú ý nhát là cổ phiếu của ông lớn SoftBank đã giảm 2,4% sau khi 10 tiểu bang của Mỹ do New York và California dẫn đầu đã đệ đơn kiện để ngăn chặn việc sáp nhập giữa T-Mobile US Inc và Sprint Corp - một công ty con của SoftBank Group.

Nissan Motor đã giảm 0,6% bởi cuộc khủng hoảng quản trị dường như trở nên sâu sắc hơn, sau khi công ty tư vấn ủy quyền ISS đã kêu gọi các cổ đông của Nissan bỏ phiếu chống việc bổ nhiệm lại Giám đốc điều hành Hiroto Saikawa.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do hoạt động sản xuất của nhà máy đi xuống và việc leo thang trong cuộc chiến thương mại với Mỹ đã kiềm chế dòng tiền.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,56% xuống 2.909,38 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 0,76% xuống 3.691,10 điểm.

Hoạt động sản xuất của nhà máy tại Trung Quốc giảm mạnh hơn dự báo trong tháng 5, trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa trì trệ và hoạt động sản xuất suy giảm, củng cố những lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Trong một dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại có thể gia tăng, Tổng thống Donald Trump đã bảo vệ việc sử dụng thuế quan như một phần trong chiến lược thương mại của mình, trong khi Trung Quốc tuyên bố sẽ có phản ứng cứng rắn đáp trả.

Phiên hôm nay, cổ phiếu của các công ty bất động sản đã giảm, sau khi thành phố Ân Thi thực hiện các động thái để ổn định giá bất động sản.

Đi ngược thị trường là nhóm cổ phiếu khai thác đất hiếm, sau khi Trung Quốc tiến hành khảo sát ở bảy khu vực, do được suy đoán rằng Bắc Kinh có thể hạn chế xuất khẩu nhóm nguyên liệu này sang Mỹ.

Chứng khoán Hồng Kông chịu áp lực, trong bối cảnh các cuộc biểu tình của người dân dâng cao đã khiến nhiều nhà đầu tư chọn cách bán ra để giảm thiểu rủi ro.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,73% xuống 27.308,46 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,18% xuống 10.494,78 điểm.

Ngoài ra, ảnh hưởng có phần xấu đến thị trường là lãi suất liên ngân hàng HIBOR kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2008, trong khi kỳ hạn một tuần đã tăng 87 điểm cơ bản.

Nhằm trấn an nhà đầu tư, phát ngôn viên của Cơ quan tiền tệ Hồng Kông nói với Reuters, hệ thống ngân hàng của Hồng Kông vẫn an toàn và lành mạnh, thanh khoản cao, và chất lượng tài sản rất tốt.

Do lãi suất liên ngân hàng cao hơn, đồng đô la Hồng Kông đã tăng 0,2% lên mức mạnh nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.

Tuy nhiên, hiện giới đầu tư quan tâm đến rủi ro chính trị, khi các cuộc biểu tình chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 0,14% xuống 2.108,75 điểm, chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp, do sự lo ngại dâng cao sau phát biểu mới có phần cứng rắn của ông Donald Trump

Kết thúc phiên 12/6:  Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 74,56 điểm (-0,35%), xuống 21.129,72 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,34 điểm (-0,56%), xuống  2.909,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 480,88 điểm (-1,73%), xuống 27.308,46 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC  tăng mạnh. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.400 đồng/USD

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay tăng 110.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 37,15 - 37,42 triệu đồng/lượng, tăng 130.000 đồng/lượng chiều mua vào và 180.000 đồng/lượng chiều bán ra  so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 23.056 đồng/USD, giảm 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.280 - 23.400 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Nhân dân tệ mất giá so với USD: VND sẽ như thế nào?

Khả năng Trung Quốc phá giá nhân dân tệ (CNY) là không cao, song bài toán tỷ giá sẽ trở nên phức tạp hơn do yếu tố tâm lý..>> Chi tiết

Thời của cổ phiếu công nghệ

Việt Nam đang trong kỷ nguyên phát triển công nghiệp 4.0, nên vai trò của các công ty công nghệ là không thể thiếu. Vậy, các cổ phiếu công nghệ Việt có gì hấp dẫn nhà đầu tư?..>> Chi tiết

Cắt nghĩa trạng thái “xanh, đỏ” của VN-Index

Thanh khoản thị trường đang ghi nhận mức thấp nhất trong 17 tuần trở lại đây, với bình quân trên 2.344 tỷ đồng/phiên khiến đà hồi phục của chỉ số thiếu bền vững..>> Chi tiết

Trái phiếu doanh nghiệp: Dấu hỏi về chất lượng tài sản bảo đảm

Giá vốn lên cao, nhà đầu tư được hưởng lợi, nên dòng vốn đổ mạnh vào trái phiếu là điều dễ hiểu. Thế nhưng, bên cạnh lợi ích gia tăng, không ít trường hợp có rủi ro cao, dù có tài sản bảo đảm..>> Chi tiết

Giới đầu tư đang lắng nghe Fed

Nhà đầu tư gắn bó với chứng khoán Mỹ vừa chứng kiến thị trường có tuần tăng điểm mạnh mẽ nhất kể từ đầu năm tới nay, trong bối cảnh nhiều mối lo ngại hiện hữu và tin xấu xuất hiện. Vậy đâu là lý do?..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục