Thị trường tài chính 24h: Sự hưng phấn quay lại với nhà đầu tư chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index phục hồi hơn 40 điểm; Ngân hàng nào đang có nhiều vốn rẻ nhất trên thị trường?; Chứng khoán đổi màu theo tâm lý; Lọc cổ phiếu trên xu hướng chính sách 2021; Chứng khoán phái sinh: Lạc quan trong trung hạn!; Chứng khoán châu Á tiếp tục diễn biến tích cực; Nền kinh tế Myanmar ra sao dưới thời bà Suu Kyi?... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Sự hưng phấn quay lại với nhà đầu tư chứng khoán

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 2/2 giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm thêm 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại mức 56,35 – 56,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 13,1 USD lên 1.861,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm và giằng co quanh 1.850 USD/ounce cho đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,06% xuống 90,92 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 2/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.152 đồng, tăng 1 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.930 - 23.110 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,17 USD (+2,18%), lên 54,72 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,18 USD (+2,09%), lên 57,53 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index có phiên tăng mạnh trở lại, VN30-Index có phiên lịch sử

Sau những diễn biến tích cực ở cuối phiên sáng, nhiều nhà đầu tư sợ ‘mất hàng’ và đã nhanh chóng chen chân mua mạnh, và tập trung ở nhóm bluechip, kéo toàn bộ 30 mã trong rổ VN30 tăng mạnh, giúp VN-Index tăng vọt hơn 40 điểm khi đóng cửa.

Sự dẫn dắt của cổ phiếu lớn thể hiện rất rõ khi nhóm VN30 tăng xấp xỉ 50 điểm, ghi nhận phiên lịch sử khi VN30-Index tăng gần 50 điểm lên gần 1.080 điểm, vượt qua VN-Index.

Các mã nổi bật nhất hôm nay là cặp đôi VIC và VHM cùng VPB và SBT, khi đều tăng kịch trần. Tăng mạnh khác còn có REE +6,8%, STB +6,5%, VRE +6,5%, MBB +6,1%. Các cổ phiếu HDB, TCB, HPG, VCB, CTG tăng từ 4,5% đến 5,9%,

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, FLC, KBC, DXG, PC1, SJF, TTB đều có mức giá trần.

ROS hấp thụ hơn 7,5 triệu đơn vị dư bán giá sàn, đưa thanh khoản vọt lên hơn 8,2 triệu đơn vị, vẫn mất 7%, dư bán sàn hơn 58 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 3,57 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị là mua ròng 85,17 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 2/2: VN-Index tăng 40,02 điểm (+3,86%), lên 1.075,53 điểm; HNX-Index tăng 6,51 điểm (+3,12%), lên 215,36 điểm; UpCoM-Index tăng 0,58 điểm (+0,82%), lên 71,66 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tăng mạnh trong phiên ngày thứ Hai (1/2) khi giới đầu tư ồ ạt xuống tiền và cuộc chiến giữa các nhà đầu tư nhỏ lẻ và những 'cá mập' phố Wall tiếp diễn.

Chỉ số biến động CBOE, thước đo sợ hãi của Phố Wall, ghi nhận giảm trong phiên đêm qua. Tuần trước, chỉ số này đã tăng lên mức cao nhất trong ba tháng, thúc đẩy bởi đà tăng nóng của cổ phiếu GameStop, AMC Entertainment Holdings và những các cổ phiếu có tỷ lệ bán khống cao khác trong cuộc đấu một nhóm các nhà đầu tư cá nhân tập hợp trên diễn đàn Reddit và các quỹ đầu cơ ở Phố Wall.

Phiên đêm qua, cổ phiếu Gamestop đã “bốc hơi” 30,8 % sau khi tăng 400% vào tuần trước. Cổ phiếu AMC, vọt 277% trong tuần trước, khép phiên gần như đi ngang.

Kết thúc phiên 1/2, chỉ số Dow Jones tăng 228,29 điểm (+0,76%), lên 30.211,91 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 59,62 điểm (+1,61%), lên 3.773,86 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 332,70 điểm (+2,55%), lên 13.403,39 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản phục hồi sau đợt bán tháo mạnh của tuần trước, khi sự lạc quan ngày càng tăng về lợi nhuận doanh nghiệp trong nước và tại Mỹ đã thúc đẩy tâm lý.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,97% lên 28.362,17 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,83% lên 1.844,91 điểm.

Takashi Nishizawa, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Nomura Securities, cho biết: “Phố Wall đang bắt đầu ổn định, vì vậy chúng tôi có thể chuyển sự chú ý trở lại vào báo cáo lợi nhuận các doanh nghiệp và các yếu tố cơ bản”.

Dẫn đầu mức tăng là Central Japan Railway Co tăng 3,31%, tiếp theo là Sony Corp tăng 3,05%.

Thị trường ít phản ứng với việc Chính phủ Nhật Bản dự kiến ​​sẽ mở rộng tình trạng khẩn cấp cho Tokyo và các vùng xung quanh vào cuối ngày, để hạn chế lây lan đột biến của các ca nhiễm Covid-19.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi việc bơm tiền của ngân hàng trung ương đã giảm bớt lo lắng về tình trạng thanh khoản thắt chặt gần đây.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,81% lên 3.533,68 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,54% lên 5.501,09 điểm.

Hôm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã làm thỏa mãn nhà đầu tư khi đã bơm ròng 78 tỷ nhân dân tệ (12,08 tỷ USD) vào thị trường tiền tệ.

Hành động trên có lẽ xuất phát từ các điều kiện thanh khoản suy giảm liên tục gần đây làm dấy lên suy đoán rằng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thể đang thắt chặt chính sách và dẫn đến một sự điều chỉnh mạnh vào tuần trước.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, được củng cố bởi nhóm cổ phiếu tiêu dùng và công nghiệp, khi các nhà đầu tư Đại lục tiếp tục đổ tiền vào trung tâm tài chính châu Á.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,23% lên 29.248,70 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,35% lên 11.609,02 điểm.

Dẫn đầu mức tăng là chỉ số phụ theo dõi ngành tiêu dùng và công nghiệp, đóng cửa lần lượt tăng 3,2% và 4,3%.

Các nhà đầu tư Đại lục tiếp tục đã mua ròng cổ phiếu Hồng Kông với trị giá 17 tỷ đô la Hồng Kông thông qua chương trình kết nói chứng khoán. Trong tháng 1 vừa qua, các giao dịch từ Đại lục đạt tổng cộng 310 tỷ đô la Hồng Kông, mức cao nhất trong một tháng.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng tích cực nhờ nhóm cổ phiếu chip lớn và nhà đầu tư mua ròng trở lại.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 1,32% lên 3.096,81 điểm.

Thị trường được thúc đẩy bởi các gã khổng lồ chip như Samsung Electronics và SK Hynix tăng lần lượt 4,1% và 5,2%, trong khi một công ty công nghệ nặng ký khác là Naver tăng 4,2% lên mức cao kỷ lục.

Kết thúc phiên 2/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 271,12 điểm (+0,97%), lên 28.362,17 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 28,40 điểm (+0,81%), lên 3.533,68 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 355,84 điểm (+1,23%), lên 29.248,70 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 40,28 điểm (+1,32%), lên 3.096,81 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng nào đang có nhiều vốn rẻ nhất trên thị trường?

Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) là nguồn vốn giá rẻ của các ngân hàng và được đánh giá là một trong những chỉ tiêu tài chính có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của các nhà băng, tăng mạnh trong quý IV/2020..>> Chi tiết

- Chứng khoán đổi màu theo tâm lý

Thị trường vừa trải qua một tuần có nhiều sắc thái khi kỷ lục giảm điểm mới được thiết lập với sắc đỏ, sắc xanh mắt mèo, nhưng ngay trong phiên sau đó đã bật tăng trở lại, tràn ngập sắc xanh lá cây đan xen sắc tím..>> Chi tiết

- Lọc cổ phiếu trên xu hướng chính sách 2021

Cùng với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ và tài khóa phù hợp hỗ trợ tăng trưởng, thị trường chứng khoán do vậy có nhiều cơ hội tăng trưởng tốt..>> Chi tiết

- Chứng khoán phái sinh: Lạc quan trong trung hạn!

Vị thế mua vẫn sẽ là vị thế được ưu tiên trong thị trường giá tăng, những biến động trong ngắn hạn dù có mạnh nhưng chưa làm thay đổi quan điểm này!..>> Chi tiết

- Nền kinh tế Myanmar ra sao dưới thời bà Suu Kyi?

Những biến động chính trị tại Myanmar khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo dân cử thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, trong bối cảnh nền kinh tế tại quốc gia Đông Nam Á này khá ảm đạm những năm qua..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ