Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 26/4 tăng 120.000 đồng/lượng chiều mua vào nhưng giảm 30.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm 70.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán ra, hiện niêm yết tại mức 55,15 – 55,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 7 USD xuống 1.776,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng vượt lên 1.780 USD/ounce và sau đó chỉ giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối giờ chiều.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,09% xuống 90,78 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 26/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.167 đồng, giảm 12 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.970 - 23.150 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,12 USD (-1,79%), xuống 61,03 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent ) giảm 1,22 USD (-1,85%), xuống 64,89 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
Áp lực bán tháo mạnh, VN-Index mất hơn 30 điểm
Áp lực bán mạnh dần lên trong phiên sáng đã khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và VN-Index thủng 1.230 điểm.
Bước vào phiên chiều, tâm lý bán tháo mạnh đã diễn ra ồ ạt và chỉ khi thủng 1.215 điểm, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc.
Tuy nhiên, niềm vui đã nhanh chóng bị dập tắt bởi lực bán chờ trực đã nhanh chóng khiến VN-Index giảm sâu thêm và bốc hơi gần 33 điểm khi đóng cửa
Các trụ cột chính đều giảm sâu như VHM -5,1%, VIC -4,9%, VNM -3,5%, VCB -5,2%, BID -3,6%, BVH -2,7%, CTG -3,9%, các mã GAS, VRE, MSN đều giảm trên 5%...
Nhóm cổ phiếu thị trường ROS, ITA, HQC, AMD, HAI… đều giảm sàn, FLC -5,6%.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 6,01 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 116,29 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 26/4: VN-Index giảm 32,76 điểm (-2,62%), xuống 1.215,77 điểm; HNX-Index giảm 2,95 điểm (-1,04%), xuống 280,68 điểm; UpCoM-Index giảm 0,98 điểm (-1,21%) xuống 79,42 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Khởi sắc trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (23/4) song phố Wall cũng không thể thoát khỏi một tuần giảm điểm.
Giới đầu tư bắt đầu nhìn nhận, đề xuất tăng thuế của ông Biden phù hợp với những lời hứa trong chiến dịch tranh cử, trong khi giới quan sát dự đoán mức tăng sẽ được thu hẹp lại trong các cuộc họp tại quốc hội.
Mặt khác, thị trường cũng được hỗ trợ bởi dữ liệu kinh tế tiếp tục khả quan, với chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tại Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 60,5 trong tháng 4 từ mức 59,1 của tháng 3, trong khi PMI cho lĩnh vực dịch vụ tăng lên mức 63,1 từ mức 60,4.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,46%, S&P 500 giảm 0,13%, Nasdaq Composite giảm 0,25%.
Kết thúc phiên 23/4, chỉ số Dow Jones tăng 227,59 321,41 điểm (+0,67%), lên 34.043,49 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 45,19 điểm (+1,09%), lên 4.180,17 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 198,40 điểm (+1,44%), lên 14.016,81 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản nhích lên, khi các cổ phiếu liên quan đến du lịch phục hồi sau những tổn thất gần đây do lo ngại về các biện pháp hạn chế tiếp xúc mới được ban bố.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,36% lên 29.126,23 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,17% lên 1.918,15 điểm.
Nhật Bản hôm thứ Sáu tuyên bố tình trạng khẩn cấp "ngắn hạn và mạnh mẽ" đối với Tokyo, Osaka và hai tỉnh khác, yêu cầu các nhà hàng, quán bar và quán karaoke phục vụ rượu phải đóng cửa.
Takashi Hiroki, Chiến lược gia trưởng tại Monex Securities, cho biết: “Những lĩnh vực bị tấn công bởi Covid-19 đang được mua lại vì có hy vọng rằng, việc lây nhiễm dịch bệnh sẽ giảm xuống khi chính phủ đã ban bố tình trạng khẩn cấp”.
Đáng chú ý hôm nay là cổ phiếu của hãng hàng không ANA Holdings, tăng 5,78% sau khi cho biết khoản lỗ hoạt động cả năm sẽ thấp hơn so với dự báo trước đó.
Chứng khoán Trung Quốc đảo chiều giảm, khi các nhà đầu quyết định chốt lời sau một đợt tăng mạnh gần đây.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,95% xuống 3.441,17 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 1,13% xuống 5.077,24 điểm.
Áp lực bán diễn ra sau khi chỉ số CSI300 tăng 3,4% trong tuần trước, mức tốt nhất trong hơn hai tháng.
Các nhà phân tích cho biết, bất chấp đợt phục hồi gần đây, chứng khoán Trung Quốc có thể tiếp tục dao động mạnh do những bất ổn xung quanh quan hệ Trung-Mỹ, thanh khoản và chính sách tiền tệ.
Chứng khoán Hồng Kông suy yếu, do lo ngại về sự bùng phát Covid-19 trở lại ở các nước, đặc biệt ở Ấn Độ đã đè nặng lên tâm lý thị trường.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,43% xuống 28,952,83 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,78% xuống 10.981,31 diểm.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng, nhờ sự lạc quan của giới đầu tư về sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 0,99% lên 3.217,53 điểm, kéo dài mức tăng sang phiên thứ ba liên tiếp.
Kết thúc phiên 26/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 105,60 điểm (+0,36%), lên 29.126,23 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 33,00 điểm (-0,96%), xuống 3.441,17 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 125,92 điểm (-0,43%), xuống 28.952,83 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 31,43 điểm (+0,99%), lên 3.217,53 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- "Cánh cửa" hạ lãi suất đã khép
Cánh cửa điều chỉnh giảm thêm lãi suất cho vay gần như đã khép lại, bởi tốc độ tăng trưởng tín dụng đang mạnh hơn tốc độ huy động vốn..>> Chi tiết
- Tránh “bẫy” tăng vốn
Có những bài học nhà đầu tư cần thuộc để tránh rủi ro khi đầu tư vào những cổ phiếu phát hành thêm..>> Chi tiết
- Thị trường chứng khoán: Giải lời nguyền tháng 5
Hoạt động phát hành thêm sôi động được kỳ vọng sẽ giúp thị trường tháng 5 không vắng vẻ như thông lệ “bán và đi chơi” như nhiều năm trước..>> Chi tiết
- Chứng khoán phái sinh: Bất ổn xuất hiện
Chỉ số chung đóng cửa tuần qua trong sắc xanh, nhưng thị trường cơ sở không tránh khỏi tình trạng “đỏ lửa” trên nhóm vốn hóa trung bình..>> Chi tiết
- Các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ tăng nhanh kỷ lục
Các công ty Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay, phớt lờ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và nguy cơ tiếp tục bị hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ..>> Chi tiết