Thị trường tài chính 24h: Ông lớn lãi to, giá vàng giảm mạnh

(ĐTCK) Vn-Index tăng nhẹ trước kỳ nghỉ lễ; Vietcombank dự kiến lợi nhuận trước thuế 9.200 tỷ đồng; giá vàng quay đầu giảm sâu; chứng khoán thế giới nhạt màu; Microsoft kiếm được 4,8 tỷ USD trong quý vừa qua, Amazon và Walmart trong cuộc chiến về giá... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Ông lớn lãi to, giá vàng giảm mạnh

Thị trường chứng khoán 

VN-Index tăng

Nhận định về phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4 trước khi thị trường bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài, nhiều công ty chứng khoán có cái nhìn thận trọng. Một số công ty cho rằng, tâm lý nghỉ lễ sẽ khiến thị trường chịu áp lực chốt lời ngắn hạn. Tuy nhiên, biên độ dao động của chỉ số trong phiên này sẽ không quá mạnh.

Đúng như nhận định này, thị trường chịu sức ép khi mở cửa phiên sáng, nhưng sau đó, dòng tiền vẫn duy trì tốt đã giúp cả 2 chỉ số chính đảo chiều lấy lại sắc xanh vào cuối phiên sáng với thanh khoản tiếp tục được cải thiện.

Bước sang phiên giao dịch chiều, diễn biến khá giống phiên sáng khi áp lực bán một lần nữa đẩy VN-Index thoái lui xuống dưới tham chiếu.

Dù vậy, ngay khi vừa xuống dưới 715 điểm, lực cầu đã gia tăng, kéo chỉ số này hồi phục trở lại.

Trên HOSE, OCG và QCG vẫn giữ vững sắc tím khi chốt phiên ở mức 1.330 đồng và 8.370 đồng . Trong đó, OCG được khớp 6,69 triệu đơn vị và còn dư mua trần 2,4 triệu đơn vị; QCG được khớp 227.730 đơn vị và còn dư mua trần gần 1,83 triệu đơn vị.

DLG cũng nới đà tăng lên 4,46%, SCR tăng 1,06%... Trong khi FLC vẫn giảm 2,53%, xuống 7.330 đồng với 19,64 triệu đơn vị được khớp. HQC, ITA, HAG, FIT, KBC, HNG đều đóng cửa trong sắc đỏ.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, sắc xanh vẫn được duy trì tại VNM, ROS, VCB, CTG, PLX, DCM, BHN… Trong đó, DCM tăng 3,54%, VNM tăng hơn 1%, ROS tăng 0,62%...

Nhà đầu tư STB lại có phiên đau đầu khi cổ phiếu này bất ngờ bị bán mạnh trong những phút cuối phiên, kéo hẳn về mức sàn 11.550 đồng với 12,44 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn.

Trước đó, STB đã có chuỗi 3 phiên tăng ấn tượng sau thông tin về dự kiến nhân sự mới tham gia HĐQT.

Trong phiên này, trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 3,84 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 14,04 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 1,4 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 6,28 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 67.900 đơn vị, tổng giá trị tương ứng 10,46 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 28/4, VN-Index tăng 1,2 điểm (+0,17%), lên 717,73 điểm; HNX-Index tăng 0,22 điểm (-0,25%), lên 89,54 điểm; UPCoM-Index tăng 0,01% lên 57,62 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 5.365 tỷ đồng.

Bản tin tài chính kinh doanh trưa 28/4/2017:

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ 

Sau phiên điều chỉnh nhẹ hôm thứ Tư, phố Wall đã phục hồi trở lại trong phiên thứ Năm, trong đó Nasdaq tăng tốt nhất và đóng cửa ở mức cao nhất ngày khi một số công ty công bố kết quả khả quan.

Theo dữ liệu của Thomson Reuters, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý I sẽ tăng 12,4%, tốt nhất kể từ năm 2011. Đây chính là thông tin hỗ trợ chính cho thị trường sau những tác động của thông tin chính trị qua đi.

Theo dữ liệu kinh tế vừa công bố, đơn đặt hàng mới của Mỹ tăng ít hơn trong tháng 3, nhưng tăng vẫn giữ được mức tăng tháng thứ 2 cho thấy đầu tư, kinh doanh của Mỹ tăng nhanh trong quý I.

Kết thúc phiên 27/4, chỉ số Dow Jones tăng 6,24 điểm (+0,03%), lên 20.981,33 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,32 điểm (+0,06%), lên 2.388,77 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 23,71 điểm (+0,39%), lên 6.048,94 điểm.

Trên thị trường châu Á, chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm điểm khi đợt phục hồi nhẹ do những lo lắng chính trị ở châu Âu đã lắng xuống, và việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã hạ dự báo về mức lạm phát hàng năm và thừa nhận khó khăn gặp phải trong nỗ lực thúc đẩy giá tiêu dùng tăng.

Nhưng tính chung cả tuần, Nikkie 255 đã tăng 3,1%.

Trong hôm nay, sự chú ý dồn vào Nintendo, cổ phiếu này đã được giao dịch nhiều nhất và đã tăng 2,1% sau khi báo cáo lợi nhuận cho doanh số bán ra của máy chơi game Nintendo Switch cao hơn kỳ vọng.

Chứng khoán Hồng Kông hôm nay giảm sau khi lên mức cao nhất trong vòng 20 tháng trong phiên giao dịch ngày hôm qua, do sự thoái lui của dòng tiền đổ vào Trung Quốc đại lục.

Trong tuần, Hang Seng tăng 2,4%, trong khi HSCE tăng 1,8%.

Vật liệu và cổ phiếu ngành công nghiệp tăng, trong khi tài chính và bất động sản giảm.

Chứng khoán Trung Quốc trầm lắng trong ngày giao dịch cuối tuần, các nhà đầu tư đang mang tâm lý lo sợ rằng các nhà quản lý sẽ tiếp tục đẩy mạnh chính sách thắt chặt đối với ngành tài chính và hoạt động đầu cơ, và lo lắng về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Zhang Gang, một nhà phân tích của China Central Securities cho biết, những nỗ lực của các nhà chức trách để thắt chặt quá mức đòn bẩy từ hệ thống tài chính có thể làm giảm thanh khoản và gây tâm lý ức chế cho nhà đầu tư.

Tính chung cả tuần, chỉ số SSEC đã mất 0,6%.

Hôm nay, các cổ phiếu được cho là an toàn là tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe có một phiên bị bán tháo sau khi nhà đầu tư chốt lời sau một đợt phục hồi mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu này trước đó.

Kết thúc phiên 28/4: chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 55,13 điểm (-0,29%), xuống 19.196,74 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 83,35 điểm (-0,34%), xuống 24.615,13 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,47 điểm (+0,08%), lên 3.154,66 điểm.

Thị trường vàng, ngoại tệ

- Giá vàng SJC giảm mạnh. Tỷ giá USD tăng nhẹ

Tại thị trường trong nước, sau khi tăng từ 20.000 - 40.000 đồng/lượng vào sáng nay, đến cuối giờ chiều, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,65 - 36,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) giảm 90.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.350 đồng/USD, tăng 3 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay tăng khoảng 5 đồng so với đầu giờ sáng, hiện giao dịch phổ biến ở 22.695 - 22.765 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Vietcombank thông qua kế hoạch lợi nhuận 9.200 tỷ đồng

Đại hội cổ đông thường niên năm 2017, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank (VCB – HOSE) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9.200 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2016, duy trì mức cổ tức 8%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, không đổi so với năm 2016. 

Về tăng trưởng tín dụng, VCB đặt mục tiêu tăng trưởng 15%, đây là mức hợp lý, phù hợp với định hướng của NHNN.

Tại đại hội, HĐQT cũng trình các cổ đông thông qua việc bầu bổ sung thành viên nhiệm kỳ 2013 - 2018 thay thế cho ông Yutaka Abe theo đề xuất của đối tác chiến lược là Ngân hàng Mizuho Nhật Bản, do Mizuho dự kiến điều động ông Yukata Abe nhận công tác khác.. >> Chi tiết

Ngân hàng vẫn khát vốn kỳ hạn dài

Tuy các nhà băng cho biết, đã từng bước cơ cấu và cân đối lại nguồn vốn theo quy định của Thông tư 06/2016/TT-NHNN về việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 50% kể từ đầu năm nay, song một số ngân hàng vẫn tăng lãi suất gửi tiền kỳ hạn dài ngày, kèm với đó là các chương trình ưu đãi, khuyến mại nhằm hút vốn.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng, giảm lãi suất là chuyện bình thường, phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh và điều kiện thị trường, còn thực tế, thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn đang trong trạng thái khá dồi dào, không có áp lực tăng lãi suất..>> Chi tiết

Quý III năm tài chính 2017, Microsoft lãi ròng 4,8 tỷ USD

Microsoft vừa công bố Báo cáo quý III cho năm tài chính 2017 với doanh thu 22 tỉ USD và lợi nhuận ròng 4,8 tỉ USD, tăng lần lượt 7% và 28% so với cùng kì năm trước.

Trong cơ cấu doanh của Microsoft, tất cả các mảng quan trọng như giải pháp doanh nghiệp, Cloud, Office, bản quyền Windows, Game, và mạng xã hội LinkedIn đều tăng, duy chỉ có doanh thu thu từ dòng máy Sureface giảm 26%, chỉ đạt 831 triệu USD.

Microsoft giải thích rằng sự sụt giảm này đến từ các đối thủ cạnh tranh với giá thấp hơn trong phân khúc máy tính 2-trong-1 cao cấp, đồng thời người tiêu dùng đang xài Surface cũng chưa có động lực nâng cấp.

Amazon và Walmart: Cuộc chiến thâu tóm đối thủ

Amazon và Walmart có thể đã từng là hai vũ trụ song song, một bên bán hàng trực tuyến, một bên bán hàng tại cửa hàng truyền thống. Nhưng giờ đây, cả hai đang dần dần lấn sang “lãnh địa” của nhau và cùng chạy đua trong cuộc chiến về giá.

Khảo sát do tờ Entrepreneur thực hiện năm 2015 cho thấy, 88% những người thuộc thế hệ Millennials (sinh từ năm 1980 - 2000) được phỏng vấn sẵn sàng mua một mặt hàng trực tuyến và lấy nó tại cửa hàng nếu tiết kiệm 10 USD cho món đồ 50 USD, tương đương mức giảm 20%..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục