Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 11/8 giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tiếp tục chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,20 – 56,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 0,8 USD xuống 1.728,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục dần lên gần 1.735 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,12% lên 93,17 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 11/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.178 đồng/USD, giảm 9 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.700 – 22.900 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,23 USD (-0,88%), xuống 67,79 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,55 USD (-0,78%), xuống 70,08 USD/thùng.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đứng trên 45.300 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục nới đà tăng và leo lên trên 46.200 USD/BTC vào cuối giờ chiều.
Chứng khoán trong nước
VN-Index đảo chiều giảm
Trong phiên sáng, dòng tiền tích cực và lan tỏa giúp VN-Index chinh phục thành công ngưỡng cản 1.370 điểm.
Mặc dù vậy, ngay khi bước vào phiên chiều, lực bán gia tăng mạnh khiến VN-Indexgiảm nhanh xuống dưới tham chiếu. Dù lực cầu bắt đáy mỗi nhịp điều chỉnh khá lớn, nhưng không thể khỏa lấp trước lực cung giá thấp gia tăng mạnh cuối phiên khiến VN-Index quay đầu giảm trong đợt ATC.
Nhiều bluechip bị chốt lời mạnh với KDH -4,4%, SSI -2,9%, GVR -2,6%, VIC -1,8%...
Trong khi đó, nhóm logistic vẫn giữ được phong độ khi tràn ngập sắc xanh và sắc tím, thậm chí số mã tăng trần còn nhiều hơn phiên sáng, ngoại trừ GMD -2,07%
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 23,05 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 750,59 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 11/8: VN-Index giảm 4,64 điểm (-0,34%), xuống 1.357,79 điểm; HNX-Index giảm 0,63 điểm (-0,19%), xuống 334,44 điểm; UPCoM-Index tăng 1,49 điểm (+1,64%), lên 92,01 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall tăng trong phiên ngày thứ Ba (10/8) sau khi Thượng viện Mỹ thông qua gói chi tiêu cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD.
Nếu chính thức có hiệu lực, đạo luật này sẽ dành 1.000 tỷ USD cho các dự án xây dựng cầu, đường, cơ sở hạ tầng trên khắp nước Mỹ trong 5 năm tới.
Ngoài ra, ngay trước thềm bỏ phiếu, một nhóm nghị sĩ Dân chủ đã công bố dự luật phân bổ ngân sách cho an ninh xã hội trị giá 3.500 tỷ USD. Quốc hội Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tranh cãi dữ dội với dự luật 3.500 tỷ USD vừa được công bố.
Kết thúc phiên 10/8, chỉ số Dow Jones tăng 162,82 điểm (+0,46%), lên 35.264,67 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,4 điểm (+0,10%), lên 4.436,75 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 72,09 điểm (-0,49%), xuống 14.788,09 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng, nhờ báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ từ Bridgestone và các công ty khác, trong khi cổ phiếu tài chính nhận được hỗ trợ từ lợi suất trái phiếu Mỹ tăng.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,65% lên 28.070,51 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,92% lên 1.954,08 điểm.
Cổ phiếu của hãng phụ tùng ô tô Bridgestone tăng 5,35%, nhờ báo cáo kết quả kinh doanh quý vừa qua tăng mạnh và triển vọng lợi nhuận cả năm khả quan.
Cổ phiếu Toho Zinc, với mức tăng 12,69% là cổ phiếu tăng mạnh nhất trên chỉ số Nikkei 225, cũng nhờ dự báo thu nhập cả năm tích cực.
Các ngân hàng đã tăng 2,61% khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng lên mức cao nhất trong một tháng, sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cơ sở hạ tầng khổng lồ trị giá 1.000 tỷ USD.
Chứng khoán Trung Quốc nhích nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng phục hồi đã bù đắp cho đà sụt giảm ở nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,07% lên 3.532,62 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,55% xuống 5.015,34 điểm.
Chỉ số phụ theo dõi ngành bất động sản đã tăng mạnh 5,8%, nhờ Tập đoàn Evergrande của Trung Quốc có động thái giảm bớt căng thẳng thanh khoản tiền mặt đã xoa dịu những lo ngại đối với ngành.
Evergrande cho biết vào cuối ngày thứ Ba rằng, họ đang thảo luận với một số nhà đầu tư bên thứ ba về đề xuất bán một số cổ phần nhất định tại các công ty con.
Bên cạnh đó, kỳ vọng của thị trường về một quy định mới nhằm giới hạn mức chênh lệch giá đất ở mức 15% của Bộ Tài nguyên Quốc gia cũng đã thúc đẩy niềm tin vào lĩnh vực này. Chính sách này nếu được thực hiện sẽ cắt giảm chi phí mua đất của các nhà phát triển bất động sản.
Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ, khi nhà phát triển bất động sản China Evergrande Group lên kế hoạch bán một số tài sản nhất định để hàn gắn niềm tin đối với ngành này.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,2%, lên 26.660,16 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,25% lên 9.548,13 điểm.
Cổ phiếu của Tập đoàn Evergrande đã tăng 7,8% sau khi xác nhận họ đang đàm phán về việc bán cổ phần của EV, một công ty con quản lý tài sản.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ năm liên tiếp, khi các ca nhiễm mới Covid-19 ở nước này tiếp tục tăng lên mức kỷ lục
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 22,57 điểm, -0,7% xuống 3.220,62 điểm.
Thông tin khiến thị trường chịu sức ép tiếp tục đến từ việc Hàn Quốc báo cáo hơn 2.200 trường hợp Covid-19 trong ngày hôm qua, một kỷ lục kể từ khi đại dịch bắt đầu vào tháng 1 năm ngoái.
Kết thúc phiên 11/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 182,36 điểm (+0,65%), lên 28.070,51 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,69 điểm (+0,07%), lên 3.532,62 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 54,54 điểm (+0,20%), lên 26.660,16 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 22,57 điểm (-0,70%), xuống 3.220,62 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng giảm thiểu tác động từ hạ lãi vay
Việc hạ lãi suất cho vay theo sự đồng thuận để hỗ trợ doanh nghiệp được cho là làm giảm lợi nhuận các nhà băng nửa cuối năm, tuy nhiên mức độ sẽ không lớn vì nhiều ngân hàng đã chủ động các biện pháp cơ cấu lại hoạt động..>> Chi tiết
- UBCKNN sẽ cân nhắc nâng biên độ dao động của HOSE lên 10% khi cần thiết
Bộ Tài chính cho biết, UBCKNN sẽ xem xét, cân nhắc việc điều chỉnh biên độ dao động giá khi diễn biến thị trường thực sự cần thiết..>> Chi tiết
- Cổ phiếu bất động sản chờ sóng
Nhóm cổ phiếu bất động sản đang nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, với kỳ vọng đón đầu sóng ngành trong những tháng cuối năm..>> Chi tiết
- Nhiều doanh nghiệp bám víu vào “lợi nhuận khác”
Bên cạnh nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng từ hoạt động cốt lõi thì có không ít doanh nghiệp phải “vịn” vào khoản lợi nhuận tài chính, lợi nhuận khác để có được bản báo cáo tài chính quý II/2021 đẹp hơn..>> Chi tiết
- Nền kinh tế toàn cầu đang dần "phớt lờ" khỏi biến thể Delta
Ngay cả khi đang có nhiều rủi ro khó lường từ biến thể delta, các dấu hiệu ban đầu từ quý III cho thấy tăng trưởng đang tăng nhanh trở lại và lạm phát đạt đỉnh sau bước nhảy vọt gần đây..>> Chi tiết