Thị trường chứng khoán
- VN-Index tăng
Thị trường đã bước vào phiên giao dịch sáng khá thận trọng với tâm thế lo ngại rủi ro. Chỉ số VN-Index biến động giằng co trong suốt phiên sáng và đã may mắn có được sắc xanh nhạt về cuối phiên nhờ sự hỗ trợ tích cực của trụ cột VNM cùng một số mã lớn.
Thị trường đã tiếp tục nhích bước trong phiên giao dịch chiều và VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất ngày. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên hôm qua.
Điểm nóng trong phiên giao dịch chiều nay chính là nhóm cổ phiếu phân bón. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, ngày 13/4 vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh đã có văn bản xác nhận Hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo các quy định của pháp luật tự vệ của Việt Nam.
Thông tin này ngay lập tức tác động mạnh tới diễn biến của các cổ phiếu trong nhóm này khi sắc tím được nở rộ. Cụ thể, DCM, DPM, PSW, VAF, LAS đồng loạt đua trần; còn lại TSC tăng 2,9%, BFC tăng 5,6%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn phân hóa nhẹ, trong khi VCB đã đảo chiều tăng nhẹ cùng STB thì BID, MBB, ACB vẫn giao dịch trong sắc đỏ, CTG đứng giá tham chiếu.
Lực cầu hấp thụ mạnh đã giúp SHB giành lại sắc xanh và kết phiên tại mức giá 7.500 đồng/CP, tăng 1,35% với khối lượng khớp lệnh lên tới 23,69 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu lớn, MWG có diễn biến khá tích cực khi tăng 2,5%, đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày 167.000 đồng/CP. VJC đảo chiều ngoạn mục khi tăng 1,9% và cũng đóng cửa tại mức giá cao nhất 131.400 đồng/CP.
Trong phiên hôm nay, thị trường đã đón nhận khá nhiều mã tí hon đua nhau tăng trần như AGR, ANV, ASP, ATG, HID, OGC, QBS, VID, DLG…
Kết thúc phiên giao dịch 19/4, VN-Index tăng 1,84 điểm (+0,26%) lên mức 716,77 điểm; HNX-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%), xuống mức 89,11 điểm; UPCoM-Index tăng 0,29 điểm (+0,51%) lên 57,29 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 3.731 tỷ đồng.
Trong phiên này, trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 2,2 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 104,17 tỷ đồng.
Chứng khoán thế giới
Chứng khoán Mỹ giảm
Sau phiên phục hồi tích cực đầu tuần, phố Wall đã nhanh chóng quay đầu giảm trở lại trong phiên thứ Ba do ảnh hưởng từ sự sụt giảm của 2 cổ phiếu lớn Goldman Sachs và Johnson & Johnson khi 2 đại gia này công bố kết quả kinh doanh quý I/2017 kém khả quan.
Trong đó, cổ phiếu Goldman Sachs giảm tới 4,7%, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 29/11/2016 sau khi công bố lợi nhuận không đạt kỳ vọng, còn doanh thu giảm.
Cổ phiếu Johnson & Jonhson cũng giảm 3,1%, mức giảm mạnh nhất trong 14 tháng sau khi công bố doanh thu giảm so với kỳ vọng.
Kết thúc phiên 18/4, chỉ số Dow Jones giảm 114,61 điểm (-0,56%), xuống 20.522,31 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,05 điểm (-0,26%), xuống 2.342,96 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 9,43 điểm (-0,16%), xuống 5.847,36 điểm.
Trên thị trường châu Á, Chứng khoán Nhật Bản gần như không thay đổi trong ngày thứ tư khi các nhà đầu tư kiềm chế không rót tiền vào các cổ phiếu có tỉnh rủi ro cao vì căng thẳng về chính trị toàn cầu làm ảnh hưởng đến tâm lý.
Các cổ phiếu ngân hàng như Kita-Nippon Bank và Keiyo Bank cũng có một phiên ảm đạm , sau khi Trái phiếu chính phủ Nhật 10 năm về 0%, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11 năm ngoái.
Cổ phiếu các nhà xuất khẩu lớn như Toyota Motor Corp giảm 1,1%, Honda Motor Co giảm 1,2% và Panasonic Corp tăng 0,7%.
Chứng khoán Hồng Kông giảm phiên thứ ba liên tiếp, sau khi chứng khoán thế giới giảm vì lo lắng về cuộc bầu cử tổng thống Pháp và căng thẳng đối với Bắc Triều Tiên làm giảm sự đầu cơ đối với tài sản rủi ro.
Đà tâm lý căng thẳng cũng đã bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm trong bốn ngày liên tiếp tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, khi các nhà đầu tư lo lắng rằng việc tăng cường giám sát hệ thống tín dụng sẽ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Cổ phiếu của Ngân hàng Trung ương Minsheng Hồng Kông giảm 1,7% sau có tin đồn một Giám đốc chi nhánh đang bị cảnh sát điều tra.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm phiên thứ tư liên tiếp khi nhà đầu tư quan ngại rằng các quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động đầu tư vào ngành ngân hàng sẽ làm ảnh hưởng đến sự phục hồi tín dụng của nước này.
Trung Quốc đang cho tăng cường kiểm tra toàn quốc về các “ngân hàng ngầm” và tuyên bố sẽ chống lại sự đầu cơ trên thị trường chứng khoán.
Ngân hàng trung ương nước này cũng đã có dấu hiệu chuyển hướng sang một xu hướng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, tăng lãi suất ngắn hạn để có thể hạn chế rủi ro trong hệ thống và làm giảm đầu cơ
Kết thúc phiên 19/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 13,61 điểm (+0,07%), lên 18.432,20 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 98,66 điểm, (-0,41%), xuống 23.825,88 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 26,03 điểm (-0,81%) xuống 3.170,69 điểm.
Thị trường vàng, ngoại tệ
- Giá vàng SJC giảm mạnh về cuối ngày. Tỷ giá USD cũng đã hạ nhiệt
Tại thị trường trong nước, sau khi giảm nhẹ 20.000 đồng lượng chiều bán ra vào sáng nay. Đến cuối giờ chiều, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,57 - 36,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm thêm 80.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.322 đồng/USD, giảm 1 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các Ngân hàng thương mại chiều nay giảm từ 5 - 10 đồng so với đầu giờ sáng, hiện giao dịch phổ biến ở 22.695 - 22.765 đồng/USD.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2017 đạt 9.200 tỷ đồng, vẫn chia cổ tức 8%
Theo tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên sắp tới, trong năm 2017, Vietcombank đặt kế hoạch tổng tài sản tăng 11% lên mức 874.577 tỷ đồng. Tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức 15%, tương đương 547.133 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 14%, lên 684.841 tỷ đồng.
Mục tiêu lợi nhuận 2017 tăng 8% so với năm trước, đạt 9.200 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%, tỷ lệ cổ tức 8%, không đổi so với năm 2016.
Cũng tại Đại hội đồng cổ đông sắp tới, HĐQT sẽ trình các cổ đông thông qua việc bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2013 - 2018 thay thế cho ông Yutaka Abe.
Theo đề xuất của đối tác chiến lược là Ngân hàng Mizuho Nhật Bản, Mizuho dự kiến điều động ông Yukata Abe nhận công tác khác nên sẽ đề cử một nhân sự khác để ĐHĐCĐ bầu bổ sung vào HĐQT Vietcombank nhiệm kỳ tới.
Về thù lao, HĐQT đề xuất mức thù lao đối với HĐQT và BKS năm 2017 là 0,35% lợi nhuận sau thuế.
- Tín dụng vào bất động sản, tiêu dùng, chứng khoán có xu hướng tăng
Số liệu được đưa ra từ Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, quý I/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,52%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 4,03% so với đầu năm.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 23/3 tín dụng mới tăng 3,14% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ 2016 chỉ tăng 1,79%), tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dư nợ tín dụng đối với những lĩnh vực này chiếm khoảng 80% tổng dư nợ. Điều này cho thấy, dòng vốn đã có sự chuyển biến khá lớn trong tuần cuối cùng của tháng 3 vừa qua..>> Chi tiết
Theo dữ liệu giá thành phẩm trên thị trường Singapore, giá xăng trung bình 15 ngày qua là ở mức 66 USD/thùng, cao hơn 4 USD/thùng so với mức giá trung bình của 15 ngày trước (61,837 USD/thùng).
Tính toán cho thấy, giá cơ sở mặt hàng xăng trung bình hiện ở mức 18.038 đồng/lít, cao hơn 800 đồng so với mức giá bán lẻ xăng hiện hành là 17.230 đồng/lít.
Do vậy, nếu không có gì thay đổi về việc trích lập, chi quỹ bình ổn giá, giá xăng ngày mai (20/4) có thể tăng khá mạnh, lên tới 800 đồng/lít.. >> Chi tiết
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), các khoản tài trợ vốn ngoài bảng đã tăng lên mức 754 tỷ nhân dân tệ (109 tỷ USD) trong tháng 3/2017. Như vậy, riêng trong quý I, các khoản tài trợ vốn ngoài bảng đạt mức kỷ lục 1,05 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Theo Bộ phận Dịch vụ nhà đầu tư của Moody ước tính, các hoạt động tín dụng thuộc ngân hàng trong bóng tối của Trung Quốc có giá trị khoảng 8,5 nghìn tỷ USD..>> Chi tiết