Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 17/1 tăng 300.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 85,30 – 87,30 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 18,6 USD lên 2.714,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hạ nhiệt và về gần 2.700 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 109,05 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 17/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.341 đồng/USD, tăng 8 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.150 – 25.510 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng từ gần 99.000 USD lên 99.500 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục nhích lên và vượt 102.000 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,54 USD (+0,69%), lên 79,22 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,33 USD (+0,41%), lên 81,62 USD/thùng.
VN-Index tăng lên gần 1.250 điểm
Chỉ số VN-Index sau phiên sáng giao dịch đi ngang quanh tham chiếu đã bật lên trong phiên chiều, khi nhận động lực từ nhóm bluechip và lên gần ngưỡng 1.250 điểm khi đóng cửa.
Tuy nhiên, thanh khoản lại ghi nhận đà sụt giảm mạnh, với giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt chỉ hơn 10.200 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 17/1: VN-Index tăng 6,75 điểm (+0,54%), lên 1.249,11 điểm HNX-Index tăng 1,63 điểm (+0,74%), lên 222,48 điểm; UPCoM-Index tăng 0,69 điểm (+0,75%), lên 93,11 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ trong phiên thứ Năm (16/1), sau khi tăng vọt trong hai phiên trước đó, được hỗ trợ bởi một loạt kết quả kinh doanh khả quan từ các ngân hàng lớn, trong khi các nhà đầu tư cũng chậm lại để đánh giá triển vọng cắt giảm lãi suất trong năm nay của Fed.
Cổ phiếu Morgan Stanley tăng 4,3% sau khi người cho vay cho biết thu nhập tăng trong quý IV, trong khi Bank of America giảm 1%, nhưng ngân hàng lớn thứ hai của Mỹ dự báo lợi nhuận sẽ cao hơn vào năm 2025.
Kết thúc phiên 16/1: Chỉ số Dow Jones giảm 68,42 điểm (-0,16%), xuống 43.153,13 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 12,57 điểm (-0,21%), xuống 5.937,34 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 172,95 điểm (-0,89%), xuống 19.338,29 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ, trong bối cảnh thị trường thận trọng trước bài phát biểu nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tuần tới, trong khi đồng yên mạnh hơn cũng khiến cổ phiếu các nhà xuất khẩu suy yếu.
Đóng cửa chỉ số Nikkei 225 giảm 0,31% xuống 38.451,46 điểm. Trong tuần, chỉ số này đã giảm 1,58%. Chỉ số Topix giảm 0,33% xuống 2.679,42 điểm.
"Điều đằng sau sự sụt giảm của thị trường là lo ngại về phản ứng đối với những bình luận từ Trump, người sẽ nhậm chức vào thứ Hai. Các nhà đầu tư không muốn chấp nhận rủi ro vào lúc này cho cho một biến động lớn có thể xảy ra trong tuần tới", Hiroyuki Ueno, chiến lược gia trưởng tại Sumitomo Mitsui Trust Asset Management cho biết.
Trong khi đồng yên tiếp tục mạnh lên và tăng 1,5% so với đồng đô la Mỹ trong tuần này, mức tăng một tuần mạnh nhất kể từ cuối tháng 11/2024 cũng khiến thị trường chịu sức ép.
Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ, khi nước này đón nhận liệu kinh tế cho thấy mức tăng trưởng tốt hơn dự báo.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,18% lên 3.241,82 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,31% lên 3.812,34 điểm.
Theo đó, GDP của Trung Quốc tăng 5,4% trong quý IV/2024, vượt xa dự báo 5% và cao hơn đáng kể so với mức 4,6% của quý III. Kết quả này đã giúp GDP cả năm 2024 đạt mục tiêu 5% mà Bắc Kinh đề ra.
Sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ cũng vượt trội so với dự báo trong tháng 12, trong khi giá nhà mới giảm với tốc độ chậm hơn.
Mặc dù dữ liệu mới nhất không đưa ra dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bắc Kinh sẽ sớm đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế, nhưng truyền thông nhà nước đưa tin rằng ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng trước Lễ hội mùa xuân vào cuối tháng này.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng nhận thấy có những con số khác phải lưu tâm hơn, trong bối cảnh thiếu sự rõ ràng hơn về các chính sách kích thích.
Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao là 5,1% vào cuối tháng 12. Trong khi đầu tư tài sản cố định cả năm chỉ tăng 3,2%, thấp hơn dự báo, do lĩnh vực bất động sản tiếp tục suy giảm với mức giảm 10,6% trong 11 tháng đầu năm.
Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ, nhờ dữ liệu chính thức cho thấy tăng trưởng quý IV của Trung Quốc vượt qua kỳ vọng.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,27% lên 19.575,45 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,12% lên 7.107,04 điểm.
Cổ phiếu đáng chú ý ở China Vanke, công ty phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh thu khi giảm gần 4%, trong bối cảnh có tin đồn rằng CEO của công ty đã bị cảnh sát bắt giữ.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, theo chân đà sụt giảm qua đêm trên Phố Wall, nhưng vẫn ghi nhận tuần tăng thứ tư liên tiếp.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 3,94 điểm, tương đương 0,16% xuống 2.523,55 điểm. Chỉ số này đã tăng 0,5% trong tuần này, sau khi tăng 3% trong tuần trước.
Kết thúc phiên 17/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 121,14 điểm (-0,31%), xuống 38.451,46 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,79 điểm (+0,18%), lên 3.241,82 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 61,17 điểm (+0,31%), lên 19.584,06 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 3,94 điểm (-0,16%), xuống 2.523,55 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Vẫn lạc quan lợi nhuận ngân hàng 2025
Nhìn chung, NIM của các ngân hàng khó có thể bật mạnh trong năm 2025. Tuy nhiên, từ mức nền thấp năm 2024 cộng với việc tập trung giải quyết nợ xấu vào năm nay, nên kỳ vọng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tăng trưởng vững chắc trong dài hạn..>> Chi tiết
- CEO Goldman Sachs: "Hạn hán" IPO sắp kết thúc, thị trường sẽ khởi sắc
Tình trạng "hạn hán" kéo dài nhiều năm qua của thị trường IPO sắp kết thúc, giám đốc điều hành "đế chế" tài chính toàn cầu Goldman Sachs David Solomon nhận xét, đồng thời kỳ vọng thị trường "sẽ khởi sắc"..>> Chi tiết
- Cần cú hích mới cho đầu tư dự án điện
Đầu tư vào ngành điện dù thu hút được nhiều sự quan tâm và chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhưng việc kém sôi động trong 3 năm trở lại đây có nguy cơ tạo ra hiệu ứng domino về lâu dài..>> Chi tiết
-Tác động của đồng đô la mạnh lên đang ảnh hưởng tới các ngân hàng trung ương châu Á
Việc cắt giảm lãi suất bất ngờ tại Indonesia và các dấu hiệu Ngân hàng trung ương Ấn Độ đang nới lỏng sự kiểm soát chặt chẽ đối với đồng rupee cho thấy khả năng phòng thủ của các ngân hàng trung ương trước đồng đô la mạnh đang bắt đầu rạn nứt..>> Chi tiết