Thị trường tài chính 24h: Nhiều ngân hàng vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index sụt mạnh trong phiên ATC; Những ngân hàng sớm cán đích lợi nhuận sau 9 tháng; Lọc tìm cơ hội đầu tư quý IV; Cổ phiếu bảo hiểm "ăn theo" sóng thoái vốn; OPEC+ không có khả năng xoa dịu cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Nhiều ngân hàng vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 21/10 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 57,40 – 58,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm tại Mỹ tăng 13,1 USD lên 1.782,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích nhẹ và giằng co quanh 1.785 USD/ounce cho đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 93,66 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 21/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.145 đồng/USD, giảm 22 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.655 – 22.855 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,64 USD (-0,77%), xuống 82,78 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,91 USD (-1,06%), xuống 84,91 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên đạt đỉnh gần 67.000 USD, thì sang ngày hôm nay đã chững lại, trước khi trở lại mức cao quanh 66.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

VN-Index lao dốc trong phiên ATC

Giao dịch tiếp tục lình xình ngay dưới vùng tham chiếu trong gần như cả phiên chiều, điểm tích cực là độ rộng thị trường đã đảo chiều, khi số mã tăng đã thắng thế.

Tuy vậy, điểm nhấn lại đến từ đột biến xuất hiện trong phiên ATC, khi lực cung ồ ạt nhắm vào một số mã lớn khiến chỉ số VN-Index đổ đèo mất hơn 9 điểm về dưới 1.385 điểm trong ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 10.

Nhóm bluechip có tới 27 cổ phiếu giảm, với không ít bị bán mạnh ở những phút cuối, với VJC, SAB, GAS, MSN, VHM, VIC, VCB đều nới đà giảm và xuống mức thấp nhất ngày.

Ở những nơi khác, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có thêm nhiều sắc tím hơn so với, ITC, OGC, LGL, TNI, NTL, QCG, PXI, TDG, NBB, NHA, TDH và cùng HMC, PSH, FTM, DHM, VAF.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 16,47 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 816,12 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 21/10: VN-Index giảm 9,03 điểm (-0,65%), xuống 1.384,77 điểm; HNX-Index tăng 0,16 điểm (+0,04%), lên 388,45 điểm; UpCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,09%), lên 99,77 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall kéo dài đà tăng điểm vào thứ Tư (20/10) khi tâm lý nhà đầu tư vẫn tiếp tục được hỗ trợ bởi loạt báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng.

Khoảng 14% công ty thuộc S&P 500 đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III, và hơn hơn 85% trong số này cho thấy lợi nhuận vượt qua kỳ vọng. Theo dữ liệu mới nhất của Refinitiv, lợi nhuận quý III đang trên đà tăng 33% so với cùng kỳ năm trước

Có 8/11 lĩnh vực chính của S&P 500 đều tăng điểm, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu tiện ích và bất động sản, cả hai đều tăng khoảng 1,6% và cổ phiếu chăm sóc sức khỏe, tăng 1,5%.

Kết thúc phiên 20/10, chỉ số Dow Jones tăng 152,03 điểm (+0,43%), lên 35.609,34 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 15,56 điểm (+0,37%), lên 4.536,19 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 7,42 điểm (+0,05%), lên 15.121,68 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm khá mạnh, khi tâm lý thị trường bị đè nặng bởi những lo ngại mới xung quanh Tập đoàn Evergrande của Trung Quốc, và sự thận trọng cao trước cuộc tổng tuyển cử.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,87% xuống 28.708,58 điểm. Chỉ số Topix mất 1,31% xuống 2.000,81 điểm.

Kết quả yếu kém của Nasdaq trên phố Wall đã gây ra tình trạng bán tháo đối với các công ty công nghệ lớn tại Nhật Bản với Tokyo Electron đã kéo lùi chỉ số Nikkei 225 nhiều nhất, giảm 4,61%, Fast Retailing mất 2,98% và SoftBank Group giảm 2,06%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi cổ phiếu bất động sản và than hồi phục, sau khi các quan chức cấp cao trấn an thị trường.

Shanghai Composite tăng 0,22% lên 3.594,78 điểm. Chỉ số CSI 300 tăng 0,36% lên 4.928,02 điểm điểm.

Các công ty bất động sản tăng 3,8%, kết thúc 6 phiên giảm liên tiếp nhờ các nhà đầu tư ồ ạt mua bắt đáy.

Nhiều quan chức Trung Quốc đã tìm cách trấn an các nhà đầu tư và người mua nhà về cuộc khủng hoảng nợ ảnh hưởng đến lĩnh vực bất động sản của nước này.

Phó Thủ tướng Liu He cho biết, rủi ro tổng thể trên thị trường bất động sản có thể kiểm soát được.

Trong khi đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết, sự thắt chặt quá mức của các tổ chức tài chính đối với lĩnh vực bất động sản đang dần được điều chỉnh và các hoạt động tài chính đang bình thường hóa.

Chỉ số phụ theo dõi ngành than tăng 4,1%, sau mức sụt giảm 7,5% trong phiên trước, khi Trung Quốc cam kết thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đưa giá than trở lại mức hợp lý.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, do các gã khổng lồ công nghệ và chăm sóc sức khỏe đè nặng.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,45% xuống 26.017,53 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm không đáng kể xuống 9.273,57 điểm.

Chỉ số Công nghệ mất 0,8% với Meituan giảm 1,8%, kéo điểm chuẩn Hang Seng xuống 45 điểm. Chỉ số chăm sóc sức khỏe cũng góp thêm phần tiêu cực khi mất giảm 2,3%.

Cổ phiếu China Evergrande Group đã giảm hơn 12% sau khi được nối lại giao dịch, khi thất bại trong thỏa thuận bán 2,6 tỷ USD cổ phần trong đơn vị dịch vụ bất động sản của mình.

Tập đoàn bảo hiểm Ping An đã tăng hơn 7%, là cổ phiếu tăng giá trong ngày lớn thứ hai trên Hang Seng, sau khi báo cáo lợi nhuận ròng trong ba quý từ đầu năm nay tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ, khi các nhà đầu tư thận trọng trước những căng thẳng tài chính của nhà phát triển Evergrande Trung Quốc.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,19% xuống 3.007,33 điểm.

Các nhà đầu tư dường như lo lắng về triển vọng thị trường bất động sản Trung Quốc và sự tăng trưởng tương lai, trong khi dữ liệu thương mại sơ bộ từ Hàn Quốc đem đến sự tích cực và hạn chế thêm các khoản lỗ, Lee Kyoung-min, một nhà phân tích tại Daishin Securities cho biết.

Theo đó, xuất khẩu của Hàn Quốc trong 20 ngày đầu tháng 10 đã tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước.

Kết thúc phiên 21/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 546,97 điểm (-1,87%), xuống 28.708,58 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 7,78 điểm (+0,22%), lên 3.594,78 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 118,49 điểm (-0,45%), xuống 26.017,53 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 5,80 điểm (-0,19%), xuống 3.007,33 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Những ngân hàng sớm cán đích lợi nhuận sau 9 tháng

Các ngân hàng đang trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021với hầu hết đều công bố lợi nhuận cao, tăng trưởng 2 - 3 con số, thậm chí nhiều nhà băng vượt chỉ tiêu đưa ra cả năm..>> Chi tiết

- Lọc tìm cơ hội đầu tư quý IV

Thị trường Việt Nam được định vị ở vùng giá hợp lý với mức tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) vượt trội (16,1%). Trong đó, những ngành có triển vọng phục hồi tích cực sau đại dịch sẽ là cơ hội đầu tư tốt cho quý IV và xa hơn..>> Chi tiết

- Cổ phiếu bảo hiểm "ăn theo" sóng thoái vốn

Năm nay, doanh thu toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có mức tăng rất thấp, nhưng hầu hết cổ phiếu trên sàn chứng khoán tăng giá mạnh..>> Chi tiết

- Ả Rập Xê Út: OPEC+ không có khả năng xoa dịu cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên

Ả Rập Xê Út cho biết, bất kỳ lượng dầu bổ sung nào từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các liên minh (OPEC+) cũng sẽ không thể làm giảm giá khí đốt tự nhiên đang tăng cao..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ