
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 7/3 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng 400.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 91,10 – 93,10 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 8,2 USD xuống mức 2.911,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về gần 2.905 USD, trước khi hồi phục mạnh và lên trên 2.920 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,65 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 7/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.730 đồng/USD, giảm 8 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.330 – 25.690 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm nhẹ từ 89.600 USD xuống 89.000 USD, thì sang ngày hôm nay đã có lúc giảm về gần 86.000 USD, trước khi bật lên gần 90.000 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,95 USD (+1,43%), lên 67,31 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,97 USD (+1,40%), lên 70,30 USD/thùng.
VN-Index tiếp tục tăng
Ngày từ sớm, nhóm ngân hàng và bất động sản giao dịch sôi động và trở thành điểm tựa giúp VN-Index tiếp tục tiến bước.
Sau giờ nghỉ trưa, đà tăng đã được nới rộng nhờ nhóm cổ phiếu Vingroup sau thông tin Vinpearl (VPL) đã nộp hồ sơ niêm yết hơn 1,79 tỷ cổ phiếu trên sàn HOSE.
Thị trường tiếp tục xác nhận phiên thứ 5 liên tiếp đạt mức thanh khoản hơn 20.000 tỷ đồng. Điều này càng củng cố đà tăng vững chắc cho thị trường và nhà đầu tư vẫn kỳ vọng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn.
Kết thúc phiên giao dịch 7/3: VN-Index tăng 7,83 điểm (+0,59%), lên 1.326,05 điểm; HNX-Index tăng 0,4 điểm (+0,17%), lên 238,41 điểm; UPCoM-Index giảm 0,27 điểm (-0,27%) xuống 99,08 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Các chỉ số chính của Phố Wall giảm mạnh trong phiên thứ Năm (6/3), bị đè nặng bởi không chắc chắn hiện tại xung quanh chính sách thương mại của Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, Tổng thống Donald Trump có khả năng gia hạn một tháng hoãn thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada đối với tất cả hàng hóa theo hiệp định thương mại tự do.
Tuy nhiên, những lo ngại rằng tổng thống Trump có thể thay đổi lập trường của mình tiếp tục chi phối tâm lý thị trường, vào thời điểm thâm hụt thương mại của Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục vào tháng 1/2025.
Kết thúc phiên 6/3: Chỉ số Dow Jones giảm 427,51 điểm (-0,99%), xuống 42.579,08 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 104,11 điểm (-1,78%), xuống 5.738,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 483,48 điểm (-2,61%), xuống 18.069,26 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản lao dốc và giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng, khi cổ phiếu công nghệ bị bán tháo và đồng yên mạnh lên đè nặng đến cổ phiếu các nhà xuất khẩu.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,17% xuống 36.887,17 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 18/9/2024. Chỉ số này đã mất 7,5% từ đầu năm. Chỉ số Topix giảm 1,56% xuống 2.708,59 điểm.
Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm trong phiên đêm qua, với Nasdaq đã chính thức rơi vào vùng điều chỉnh (mất 10% so với mức đỉnh gần nhất), ảnh hưởng bởi các cổ phiếu công nghệ.
Chỉ số bán dẫn Philadelphia SE trên Phố Wall đêm qua cũng đã có ngày tồi tệ khi giảm 4,5%.
Các cổ phiếu cùng ngành của Nhật Bản chịu ảnh hưởng với hai gã khổng lồ Tokyo Electron và Advantest mất 3% và 2,34%.
Các nhà sản xuất ô tô cũng giảm sau khi đồng yên tăng mạnh so với đồng USD, với Toyota Motor và Honda Motor lần lượt mất 0,69% và 0,56%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, sau khi dữ liệu cho thấy thặng dư thương mại kỷ lục trong 2 tháng đầu năm khiến lo ngại về thuế quan từ Mỹ sẽ gay gắt hơn.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,25% xuống 3.372,55 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,31% xuống 3.944,01 điểm.
Dữ liệu cho thấy, giá trị hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc đã tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 540 tỷ USD. Đồng thời, nhập khẩu giảm 8,4%, dẫn đến thặng dư thương mại khổng lồ gần 171 tỷ USD, mức cao kỷ lục trong 2 tháng.
“Đáng lo ngại là sự thu hẹp của nhập khẩu, điều này làm tăng thêm các dấu hiệu cho thấy các biện pháp kích thích nhu cầu trong nước ở quý trước đã bị đảo ngược”, Julian Evans-Pritchard, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics cho biết.
Trung Quốc trong thời gian gần đây đã nhấn mạnh sẽ sử dụng công cụ chính sách mạnh mẽ để kích thích tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy đổi mới công nghệ và tiêu dùng trong nước, cùng các sáng kiến khác. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng vẫn bị che mờ bởi cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ.
Chứng khoán Hồng Kông đảo chiều giảm, khi giới đầu tư chốt lời sau đợt tăng mạnh gần đây nhờ sự lạc quan ngày càng tăng rằng Trung Quốc sẽ thực hiện nhiều bước hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,57% xuống 24.231,30 điểm, nhưng vẫn tăng gần 6% trong tuần. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,27% xuống 8.914,03 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, theo chân đà sự sụt giảm đêm qua trên Phố Wall, trong bối cảnh giới đầu tư vẫn lo ngại xung quanh thuế quan của Mỹ.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 12,68 điểm tương đương 0,49% xuống 2.563,48 điểm. Dù vậy, chỉ số này đã tăng 1,3% trong tuần này, sau khi giảm tới 4,6% vào tuần trước.
Quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang-mok cho biết các nhà chức trách sẽ theo dõi chặt chẽ thị trường tài chính do sự không chắc chắn cao về chính sách thuế quan của Mỹ.
Kết thúc phiên 7/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 817,76 điểm (-2,17%), xuống 36.887,17 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,55 điểm (-0,25%), xuống 3.372,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 138,41 điểm (-0,57%), xuống 24.231,30 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 12,68 điểm (-0,49%), xuống 2.563,48 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng tăng chia cổ phiếu
Hàng loạt nhà băng đã lên kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu trong thời gian tới để tăng vốn điều lệ..>> Chi tiết
- Lãi suất giảm, tín dụng tăng: Chứng khoán và bất động sản sẽ hưởng lợi nhiều nhất
Ngân hàng Nhà nước vừa giảm thêm 0,25% lãi suất trên thị trường mở. Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Nghiên cứu FIDT, lãi suất thị trường có thể tiếp tục giảm nhẹ. Bất động sản, chứng khoán sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi tiền được bơm thêm vào nền kinh tế..>> Chi tiết
- Ngân hàng tự tin lên kế hoạch kinh doanh năm 2025
Với tình hình tín dụng năm nay được nhận định tích cực hơn khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế cải thiện, đầu tư công được đẩy mạnh, nhiều ngân hàng đặt ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khá tham vọng..>> Chi tiết
- Kế hoạch mở rộng tài khoá của Đức gây ra đợt bán tháo trái phiếu trên toàn cầu
Hôm thứ Năm (6/3), thị trường trái phiếu toàn cầu đã trải qua một đợt bán tháo sau khi trái phiếu Đức giảm mạnh do nước này có kế hoạch tăng chi tiêu của chính phủ và ngân sách quốc phòng..>> Chi tiết