Thị trường tài chính 24h: Nhiều công ty chứng khoán cho vay margin vượt trần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index điều chỉnh; Ngân hàng nhỏ sớm cán đích lợi nhuận; Để một thị trường “cùng thắng”!; Cổ phiếu bất động sản: "Đãi đất" tìm vàng; Công ty chứng khoán "đánh kho ngoài" lấy siêu margin; Chứng khoán châu Á chưa dứt được chuỗi ngày giảm; Giá dầu có chuỗi giảm giá dài nhất kể từ tháng 3…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Nhiều công ty chứng khoán cho vay margin vượt trần

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 17/8 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tiếp tục chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,55 – 57,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 7,2 USD lên 1.786,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và leo lên quanh 1.795 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,10% lên 92,73 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 17/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.158 đồng/USD, tăng 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.735 – 22.935 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,30 USD (-0,45%), xuống 66,99 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,23 USD (-0,33%), xuống 69,28 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua dừng chân dưới 46.000 USD, thì sang ngày hôm nay đã tăng dần và lên gần 46.900 USD/BTC vào cuối giờ chiều.

Chứng khoán trong nước

VN-Index điều chỉnh

Áp lực bán có phần mạnh dần lên trong phiên chiều, ngay cả các trụ đỡ trong phiên sáng cũng chịu ảnh hưởng đã khiến VN-Index lùi về dưới 1.360 điểm.

Mặc dù sau đó, lực cầu nhập cuộc giúp chỉ số bật khá mạnh trở lại, nhưng phiên ATC với lực bán dứt khoát đã thêm một lần khiến chỉ số này quay đầu điều chỉnh.

Phiên này, VHM là tác nhân chính kéo lùi chỉ số, khi ‘đóng góp’ tới 5 điểm tiêu cực đến VN-Index, mất 4,3% xuống 111.000 đồng.

Trên bảng chính, nhóm thép vẫn là điểm sáng với HSG +4,5%, NKG +5,1% TLH +4,1%, VIS +4,3% và POM tăng kịch trần +6,7%.

Ở chiều ngược lại, nhóm bất động sản vừa và nhỏ vẫn chịu áp lực với DIG, SCR, HBC, IJC, NLG, FCN, CII, LDG, NTL, VGC, DRH, đều giảm sâu, mất từ hơn 2% đến hơn 5%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 22,81 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 1.415,09 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 17/8: VN-Index giảm 7,87 điểm (-0,57%), xuống 1.363,09 điểm; HNX-Index giảm 0,42 điểm (-0,12%), xuống 343,11 điểm; UpCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,17%), lên 94,2 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall khởi đầu tuần mới với một phiên giao dịch đầy biến động vào ngày thứ Hai (16/8).

Cổ phiếu các nhóm ngành nhạy cảm về kinh tế như năng lượng, vật liệu và tài chính bị bán trên diện rộng, sau khi số liệu sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng trưởng chậm chạp và không đạt kỳ vọng vào tháng 7

Tuy nhiên, cổ phiếu chăm sóc sức khỏe, tiện ích và các lĩnh vực phòng thủ tiếp tục củng cố đà tăng của thị trường.

Đáng chú ý, cổ phiếu Tesla giảm 4,3% sau khi các cơ quan quản lý của Mỹ thông báo đã chính thức mở cuộc điều tra đánh giá an toàn đối với hệ thống tự lái Autopilot của hãng xe Tesla.

Kết thúc phiên 16/8, chỉ số Dow Jones tăng 110,02 điểm (+0,31%), lên 35.625,40điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,71 điểm (+0,26%), lên 4.479,71 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 29,14 điểm (-0,20%), xuống 14.793,76 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm phiên thứ tư liên tiếp, do lo ngại dai dẳng về biến thể Delta lây lan nhanh gây Covid-19.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,36% xuống 27.424,47 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,49% xuống 1.915,63 điểm.

Nhật Bản đang phải vật lộn để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ năm và chính phủ nước này mới đây đã thông báo sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và các khu vực khác đến ngày 12/9 và mở rộng đến bảy quận khác.

Những lo lắng về đại dịch đè nặng đến các kịch bản mở cửa trở lại nền kinh tế, bao gồm nhà hàng, cửa hàng bách hóa và các cổ phiếu liên quan đến du lịch. Trong đó, vận tải hàng không là phân ngành hoạt động kém nhất, giảm 2,34%.

Tuy nhiên, các cổ phiếu vận tải biển dẫn đầu mức tăng nhờ nhu cầu vận chuyển toàn cầu vẫn đang vượt cung. Tính đến thời điểm hiện tại, lĩnh vực này đã tăng 38,24% từ tháng 8 và được coi là tháng tốt nhất từ ​​trước đến nay.

Chứng khoán Trung Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong ba tuần, do triển vọng kinh tế ảm đạm đè nặng lên nhóm cổ phiếu tiêu dùng và chu kỳ.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 2% xuống 3.446,98 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 2,1% xuống 4.837,40 điểm. Cả hai chỉ số đều có ngày tồi tệ nhất kể từ 27/7.

Sự sụt giảm mạnh về sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 7 đã làm giảm sút niềm tin.

Chỉ số phụ theo dõi ngành chăm sóc sức khỏe giảm 3,8% và tiêu dùng giảm 3,9%, trong bối cảnh lo ngại một nền kinh tế yếu kém sẽ làm giảm chi tiêu.

Thêm một đòn giáng mạnh vào tâm lý nhà đầu tư là việc Trung Quốc đã tiến tới thắt chặt kiểm soát lĩnh vực công nghệ, công bố các quy tắc mới nhằm giải quyết vấn đề cạnh tranh không lành mạnh và xử lý dữ liệu quan trọng của các công ty.

Chỉ số STAR 50 thiên về công nghệ của Trung Quốc giảm 2,5%, trong khi Chỉ số ngành CNTT giảm 3,1%.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi tâm lý bị ảnh hưởng do triển vọng kinh tế ảm đạm đối với Trung Quốc và việc kiểm soát chặt chẽ hơn của Bắc Kinh đối với lĩnh vực công nghệ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,66% xuống 25.745,87 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 2,24% xuống 9,057,88 điểm.

Chỉ số ngành công nghệ tiếp tục giảm 3,1%, sau khi Trung Quốc thắt chặt kiểm soát hơn nữa lĩnh vực công nghệ.

Đáng chú ý, cổ phiếu của Tập đoàn China Evergrande giảm 4,3%, sau khi có tin Hui Ka Yan từ chức Chủ tịch của Công ty con là Hengda Real Estate Group, làm dấy lên kỳ vọng về khả năng tái cơ cấu.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ tám liên tiếp, do lo ngại về sự hồi phục chậm lại của nền kinh tế.

Đóng cửa, chỉ số chuẩn KOSPI giảm 28,2điểm, tương đương -0,89% xuống 3.143,09 điểm.

Kết thúc phiên 17/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 98,72 điểm (-0,36%), xuống 27.424,47 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 70,37 điểm (-2,00%), xuống 3.446,98 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 435,59 điểm (-1,66%), xuống 25.745,87 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 28,20 điểm (-0,89%), xuống 3.143,09 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng nhỏ sớm cán đích lợi nhuận

Một số ngân hàng nhỏ đã sớm hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2021, nhưng lý do dẫn đến kết quả này rất khác nhau..>> Chi tiết

- Để một thị trường “cùng thắng”!

Chọn cổ phiếu nào để đầu tư cho hiệu quả, đầu tư theo phong cách nào để đồng vốn an toàn luôn là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm khi tham gia thị trường chứng khoán..>> Chi tiết

- Cổ phiếu bất động sản: "Đãi đất" tìm vàng

Khi các cổ phiếu bất động sản bắt đầu trở nên hấp dẫn hơn cũng là lúc các thành viên thị trường “đãi đất tìm vàng” để tìm cho mình “ba chữ cái” có tiềm năng tăng giá..>> Chi tiết

- Công ty chứng khoán "đánh kho ngoài" lấy siêu margin

Quy định trần cho vay giao dịch ký quỹ (margin) là 50%, nhưng một số công ty chứng khoán có cách “đôn” tỷ lệ này lên mức cao hơn nhiều nhằm thu hút nhà đầu tư..>> Chi tiết

- Giá dầu có chuỗi giảm giá dài nhất kể từ tháng 3

Giá dầu giảm ngày thứ tư liên tiếp và hướng tới chuỗi giảm giá dài nhất kể từ tháng 3 trước mối đe dọa nhu cầu dầu từ biến thể delta..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục