Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư thận trọng

(ĐTCK) Vn-Index giảm nhẹ; Tình trạng nhóm cổ đông lớn thao túng ngân hàng được xử lý một bước cơ bản; Thủ tướng họp về kịch bản tăng trưởng GDP năm 2017; Chứng khoán thế giới trái chiều; Những “lời khuyên triệu đô” từ doanh nhân thành đạt; Ford trảm CEO; Ngân hàng Trung Quốc và Singapore là chuyên gia gây bất ngờ... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư thận trọng

VN-Index giảm

Sau phiên bùng nổ 2 phiên trước đó, thị trường đã “hạ nhiệt” trong phiên giao dịch sáng nay.

Thị trường liên tục rung lắc mạnh trước sức ép bán lớn ở vùng giá cao, trong khi tâm lý nhà đầu tư cũng thận trọng trở lại khiến thanh khoản không còn dồi dào như vài phiên vừa qua.

Trong phiên giao dịch chiều, trước việc lực cầu giảm sút, trong khi áp lực bán vẫn dứt khoát, nên VN-Index nhanh chóng lao về mốc 740 điểm và đóng cửa ở mức gần thấp nhất ngày.

Trong phiên đáng chú ý có thỏa thuận của 1,46 triệu cổ phiếu NVL, giá trị gần 101 tỷ đồng; 1,1 triệu cổ phiếu CAV, giá trị gần 60 tỷ đồng; 1,3 triệu cổ phiếu AAA, giá trị gần 41,7 tỷ đồng…

Nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường những phiên vừa qua là ngân hàng chịu áp lực chốt lời mạnh nên đồng loạt giảm điểm.

BID ghi dấu ấn với mức thanh khoản tiếp tục ở mức rất cao, đóng cửa tăng 0,8% lên 18.550 đồng/CP, khớp lệnh 10,1 triệu đơn vị.

MBB là mã giảm mạnh nhất với 3,8% về 17.600 đồng/CP, khớp lệnh 3,32 triệu đơn vị.

Ngoài các mã ngân hàng, áp lực bán cũng khiến nhóm vốn hóa lớn đa phần giảm điểm. Đáng chú ý, ROS giảm sàn về 133.700 đồng/CP (-7%).

Song việc VNM, SAB, BID tăng tốt, PLX và MSN hồi về tham chiếu, bên cạnh một số bluechips như HPG, HSG, REE, FPT, DHG, MWG… duy trì được sắc xanh nên VN-Index không giảm sâu.

Đối với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhất là các mã thị trường, áp lực chốt lời khiến nhóm này đa phần giữ sắc đỏ như FLC, SCR, DXG, HAG, HNG, DLG…

Không đo sàn như ROS, nhưng FLC cũng giảm mạnh 5,8% về 7.250 đồng/cổ phiếu.

Áp lực bán mạnh cũng khiến HQC chỉ tăng 1,7%, lên 3.520 đồng/CP và khớp tới 66,145 triệu đơn vị, chỉ sau phiên lịch sử ngày 14/12/2016 với 78,78 triệu đơn vị được sang tên.

Trong khi đó, các mã QCG, LDG, VHG, PTL cũng gây chú ý với sắc tím đậm. Trong đó, LDG khớp tới 6,03 triệu đơn vị, mức kỷ lục kể từ khi niêm yết.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại mua ròng 4,22 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 123,27 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 392.468 đơn vị, với tổng giá trị mua ròng tương ứng 12,06 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 1,44 triệu đơn vị, với tổng giá trị mua ròng tương ứng 34,65 đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 23/5: VN-Index giảm 3,17 điểm (-0,43%), xuống 740,93 điểm; HNX-Index giảm 0,82 điểm (-0,88%), xuống 91,9 điểm; UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,07%),  xuống 57,92 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 5.594 tỷ đồng.

Chứng khoán Mỹ 

Như đã đưa tin, thị trường tuần này đối mặt với nhiều rủi ro chính trị trên bán đảo Triều Tiên, và tại Nhà Trắng liên quan đến thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu cựu Giám đốc FBI Jame Comey ngừng cuộc điều tra nhắm với ông Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia liên quan đến mối quan hệ với Nga. Tiếp đến là biên bản cuộc họp tháng 5 của Fed.

Tuy nhiên, những nỗi lo trên chưa tới khi cuộc điều trần của ông Comey trước Quốc hội chưa diễn ra, còn biên bản cuộc họp tháng 5 của Fed thứ Tư mới công bố, nên hiện thị trường cứ tận hưởng những thông tin tích cực từ chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ.

Trong chuyến thăm Ả Rập Xê út của người đứng đầu Nhà trắng, nhiều hợp đồng với tổng trị giá cả trăm tỷ đô về công nghệ và vũ khí đã được ký kết giữa, giúp nhóm cổ phiếu công nghệ và quốc phòng tăng vọt trong phiên đầu tuần mới.

Ngoài ra, việc giá dầu thô tiếp tục tăng giá lên mức cao mới trong hơn 1 tháng tiếp tục giúp nhóm cổ phiếu năng lượng tăng, cũng góp phần giúp phố Wall duy trì đà tăng tốt trong phiên đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 22/5, chỉ số Dow Jones tăng 88,99 điểm (+0,43%), lên 20.894,83 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,29 điểm (+0,52%), lên 2.394,02 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 49,92 điểm (+0,82%), lên 6.133,62 điểm.

Trên thị trường châu Á

Chỉ số Nikkei 255 của Nhật Bản giảm sau khi có thông tin về vụ đánh bom tự sát tại một buổi biểu diễn ca nhạc tại thành phố Manchester- Anh, đã làm cho các nhà đầu tư thận trọng, đẩy đồng Yên tăng giá, qua đó giá cổ phiếu một số công ty xuất khẩu giảm theo.

Chứng khoán Hồng Kông tăng lên mức cao mới trong vòng 22 tháng qua, nhờ dòng tiền từ Trung Quốc đại lục vẫn tiếp tục đổ về.

Dữ liệu từ môi giới Jefferies Hong Kong Ltd cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua các cổ phiếu Hồng Kông trị giá 1,54 tỷ đô la Hồng Kôngthông qua liên kết chứng khoán Thâm Quyến-Hồng Kông, đánh dấu đợt tăng mạnh nhất trong năm nay và tuần 22 mua ròng.

Tencent, một trong số cổ phiếu ưa thích của các nhà đầu tư đại lục, đã quay đầu giảm 0,1%, rời khỏi mức cao kỷ lục của nó. Tuy nhiên, cổ phiếu này đã tăng hơn 40% chỉ trong năm nay.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, trong đó chỉ số công nghệ cao Chinext đóng cửa giảm 1,7%, mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2015.

Trong hai tháng vừa qua, các nhà đầu tư đã và đang phải vật lộn với hàng loạt hành động pháp lý nhằm đối phó với hoạt động cho vay rủi ro và sự chuyển hướng sang chính sách thắt chặt tài chính tiền tệ từ Bắc Kinh.

Trong phiên, cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu tiêu dùng tăng điểm, trong khi cổ phiếu ngành công nghiệp lại giảm nhiều nhất.

Liu Qihao, một nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Thượng Hải, cho biết các nhà đầu tư có thể sẽ vẫn thận trọng "vì tăng trưởng kinh tế có thể đã đạt đỉnh điểm trong quý I và lợi nhuận của Các công ty niêm yết cũng đã ở mức tối đa”.

Kết thúc phiên 23/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 65,00 điểm (-0,33%), xuống 19.613,28 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 11,81 điểm (+0,05%), lên 25.403,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải  giảm 13,73 điểm (-0,45%), xuống 3.061,95 điểm.

Thị trường vàng, ngoại tệ

- Giá vàng SJC giảm nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.720 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau giờ mở cửa không đổi so với chiều ngày hôm qua. Đến cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,38 - 36,60 triệu đồng/lượng, giảm 20.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.375 đồng/USD, không đổi so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.650  - 22.720 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

-  Thủ tướng họp về kịch bản tăng trưởng GDP năm 2017

Chiều tối 22/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về các kịch bản tăng trưởng năm 2017.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành, theo lĩnh vực công tác được phân công, tập trung chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên giao ban, cập nhật tình hình và chủ động có giải pháp phù hợp, phấn đấu thực hiện được mục tiêu đề ra cho từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%..>> Chi tiết

Thống đốc Lê Minh Hưng: Tình trạng nhóm cổ đông lớn thao túng ngân hàng được xử lý một bước cơ bản

Tại diễn đàn Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, qua quá trình tái cơ cấu, số lượng tổ chức tín dụng đã giảm được khoảng 22 tổ chức.

Sở hữu chéo, đầu tư chéo được xử lý một bước; tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng ngân hàng được xử lý một bước cơ bản.. >> Chi tiết

- Những “lời khuyên triệu đô” từ doanh nhân thành đạt

Những nhà cố vấn giỏi có thể đưa ra những lời khuyên cực kỳ quý giá mà bạn không thể tìm thấy ở nơi nào khác trên thế gian này.

Một lời chỉ dẫn mang tính đột phá, một ý tưởng, hay chỉ đơn thuần là một câu nói của họ có thể mang lại giá trị lên tới triệu đô.. >>Chi tiết

Lợi nhuận giảm, Ford trảm tướng

Truyền thông Mỹ ngày 22/5 đồng loạt đưa tin ban quản trị Ford đang tiến hành cơ cấu lại đội ngũ lãnh đạo của hãng. Trong đó Mark Fields, CEO hiện tại thôi giữ chức giám đốc điều hành sau ba năm tiếp quản từ người đồng nhiệm Alan Mulally.. >> Chi tiết

Các ngân hàng trung ương châu Á là chuyên gia gây bất ngờ

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) dẫn đầu danh sách các ngân hàng trung ương châu Á gây bất ngờ bậc nhất, với tỷ lệ lần lượt là 40% và 34% các quyết định được đưa ra đột ngột”, nhà kinh tế học Tom Orlik và Justin Jimenez tại Bloomberg Intelligence cho biết.. >> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục