Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư ôm cổ phiếu nóng như ngồi trên lửa

(ĐTCK) VN-Index giảm về gần 1.490 điểm; Nhận diện sức ép đối với tỷ giá USD; Chọn lựa cơ hội đầu tư mùa đại hội; Cảnh giác chiêu trò lừa đảo mạo danh công ty chứng khoán; Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gặp thách thức…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 30/3 tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm mạnh 600.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 68,00– 68,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm nhẹ 2,6 USD/ounce xuống 1.920 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 97,98 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 30/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.135 đồng/USD, giảm 9 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.720 – 23.000 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 47.300 USD, thì sang ngày hôm nay đã gần như chỉ rung lắc nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 2,05 USD (+1,97%), lên 106,29 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,80 USD (+1,63%), lên 112,03 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

Nhóm đầu cơ bị bán tháo, VN-Index giảm về quanh 1.490 điểm

Sau nửa phiên sáng khá bình yên, lực bán bắt đầu gia tăng ở nhiều mã có tính đầu cơ cao, với một số mã giảm sàn theo nhóm FLC.

Sắc đỏ bao trùm bảng điện tử, nhưng VN-Index chỉ giảm nhẹ khi nhận được sự nâng đỡ từ nhóm VN30.

Bước vào phiên chiều, sự kiên nhẫn và nỗi lo bị kẹt hàng đã khiến thêm nhiều cổ phiếu nhỏ bị bán mạnh và giảm sàn, kéo theo lực bán cũng lan dần ra các nhóm khác khiến VN-Index lao dốc,xuống dưới 1.485 điểm, trước khi bật trở lại lên 1.490 điểm khi đóng cửa.

Phiên này, ngoài nhóm FLC, thì OCG, SJF, UDC, MCG, SII HQC, LDG, TGG, FTM, HAR, TTB, DPM, DCM, BFC và SFG đều giảm sàn. Nhiều mã khác dù thoát mức sàn, nhưng cũng có phiên giảm mạnh như DLG -6,8%, SCR -6,5%, DIG -6,4%, CII -6,3%; LGL -6,2%, NBB -6,1%...

Với các mã này, nhìn vào đồ thị kỹ thuật hiện nay dường như không còn nhiều ý nghĩa, mà chủ yếu là dựa vào tâm lý nhà đầu tư và độ “chịu chơi” của các tạo lập.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 0,33 triệu đơn vị, tuy nhiên tổng giá trị là mua ròng 161,67 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 30/3: VN-Index giảm 7,25 điểm (-0,48%), xuống 1.490,51 điểm; HNX-Index giảm 10,05 điểm (-2,18%), xuống 451,19 điểm; UPCoM-Index giảm 0,49 điểm (-0,41%), xuống 116,88 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall thêm một phiên tăng điểm trong ngày thứ Ba (29/3), nhờ sự lạc quan trong cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine với những tín hiệu giảm leo thang từ cả hai phía một cách rõ ràng.

Thị trường được thúc đẩy nhờ kỳ vọng vào hòa bình tại châu Âu, sau khi Nga hứa sẽ giảm quy mô các hoạt động quân sự xung quanh Kyiv và miền bắc Ukraine như một bước xây dựng lòng tin. Trong khi Ukraine đề xuất áp dụng quy chế trung lập, một giải pháp tiềm năng cho việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 5 tuần.

Ngoài ra, giá dầu và các mặt hàng khác giảm cũng đã giúp xoa dịu những lo ngại về lạm phát gia tăng và đường lối chính sách tiền tệ của Fed, vốn đã bắt đầu trở nên diều hâu hơn để chống lại lạm phát.

Kết thúc phiên 29/3, chỉ số Dow Jones tăng 338,30 điểm (+0,97%), lên 35.294,19 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 56,08 điểm (+1,23%), lên 4.631,60 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 264,73 điểm (+1,84%), lên 14.619,64 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm do áp lực chốt lời gia tăng, sau khi chạm mức cao nhất trong 10 tuần trong phiên trước đó.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,8% xuống 28.027,25 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,21% xuống 1.967,60 điểm.

Trong số 33 phân ngành của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, cổ phiếu vận tải biển giảm mạnh nhất, mất 6,23% sau khi tăng phiên trước đó nhờ sự lạc quan về triển vọng xung đột ở Ukraine kết thúc làm tăng kỳ vọng nhu cầu vận chuyển container.

Sắt thép là phân ngành kém nhất thứ hai với mức giảm 4,1%, theo sau là sự sụt giảm 3,87% đối với cổ phiếu các sản phẩm dầu và than.

Trong số các mã giảm đáng chú ý khác, cổ phiếu Nintendo đã giảm 5,75% sau khi cho biết họ đang dời lịch lùi phát hành phần tiếp theo của trò chơi nổi tiếng “Legend of Zelda: Breath of the Wild” sang mùa xuân năm 202, sau khi đã dự kiến ra mắt trong ​ năm nay.

Chứng khoán Trung Quốc tăng khá mạnh, với sự thúc đẩy từ nhóm cổ phiếu bất động sản và tâm lý giới đầu tư tích cực với tiến độ đạt được trong cuộc đàm phán hòa bình Ukraine-Nga.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,96% lên 3.266,60 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 2,9% lên 4.254,10 điểm.

Các nhà phát triển bất động sản tăng 6,8% nhờ việc đặt cược các chính sách nới lỏng trong lĩnh vực này.

“Truyền thông địa phương đưa tin rằng, Thâm Quyến sẽ nới lỏng giới hạn giá đối với các nhà phát triển bất động sản ... điều đó cho thấy thành phố có chính sách nhà ở nghiêm ngặt nhất Trung Quốc này cũng đang chịu áp lực rất lớn trong việc nới lỏng chính sách,” các nhà phân tích của CGS-CIMB Securities cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông tăng điểm, cũng bởi ảnh hưởng tích cực của nhóm cổ phiếu bất động sản và thêm nhóm công nghệ tiếp tục tiến bước.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,39% lên 22.232,03 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,28% lên 7.609,37 điểm.

Chỉ số theo dõi ngành công nghệ dù chịu sức ép nhưng vẫn tăng 0,3%, sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin rằng, Trung Quốc đang có kế hoạch siết chặt hoạt động đối với ngành công nghiệp livestream trị giá 30 tỷ USD của nước này.

Cụ thể, cơ quan quản lý thuế của Trung Quốc cho biết vào cuối ngày rằng, họ sẽ yêu cầu các nền tảng livestream phải báo cáo danh tính, thu nhập và lợi nhuận của người livestream sáu tháng một lần.

Những công ty livestream và video ngắn đã giảm mạnh sau thông tin này, trong đó, Kuaishou Technology giảm hơn 6% sau khi mở cửa tăng tới 8,3%.

Thị trường tích cực ở nhóm cổ phiếu các phát triển bất động sản Đại lục niêm yết tại Hồng Kông khi đã tăng gần 6%, với Sunac China Holdings, China Aoyuan Group và Shimao Group, mỗi công ty tăng từ 16% đến 20%.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, do hy vọng có thể chấm dứt xung đột Nga-Ukraine đã nâng cao tâm lý giới đầu tư.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 5,67 điểm, tương đương 0,21% lên 2.746,74 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, SK Hynix và Naver lần lượt tăng 0,83% và 1,50%, trong khi gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 0,43%.

Kết thúc phiên 30/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 225,17 điểm (-0,80%), xuống 28.027,25 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 62,66 điểm (+1,96%), lên 3.266,60 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 304,40 điểm (+1,39%), lên 22.232,03 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 5,67 điểm (+0,21%), lên 2.746,74 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Nhận diện sức ép đối với tỷ giá USD

Giá USD ổn định trong nhiều năm, thậm chí còn giảm trong hơn 2 năm qua, nhưng đang đứng trước thách thức tăng trong thời gian tới..>> Chi tiết

- Chọn lựa cơ hội đầu tư mùa đại hội

Nhiều cổ phiếu tăng giá thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào kết quả kinh doanh quý I/2022. Ngược lại, sự dè dặt, thận trọng được duy trì ở không ít cổ phiếu khác, chờ đợi thông tin cụ thể hơn từ mùa đại hội cổ đông sắp tới..>> Chi tiết

- Cảnh giác chiêu trò lừa đảo mạo danh công ty chứng khoán

Thời gian qua, xuất hiện tình trạng một số đối tượng đã mạo danh công ty chứng khoán để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản..>> Chi tiết

- Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gặp thách thức

Tình trạng tắc nghẽn nguồn cung toàn cầu đang bắt đầu trở nên tồi tệ hơn khi chịu tác động tiêu cực từ xung đột ở Ukraine và việc kiểm soát Covid-19 của Trung Quốc đang được tăng cường..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục