Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư chứng khoán vẫn đang tự tin

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) VN-Index tiến lên trên 965 điểm; Tín dụng mua nhà khó kích tăng; UPCoM: Trong chán, ngoài có thèm?; Sáng, tối bức tranh doanh nghiệp bán lẻ; Chứng khoán châu Á đa số giảm điểm; Mỹ ghi nhận thâm hụt ngân sách cao kỷ lục 284 tỷ USD trong tháng 10…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư chứng khoán vẫn đang tự tin

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 13/11 tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 55,85 – 56,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 11,6 USD lên 1.876,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và giằng co quanh gần 1.880 USD/ounce cho đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,27% xuống 92,80 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 13/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.192 đồng, tăng 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.090 - 23.270 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,38 USD (-0,92%), xuống 40,74 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,34 USD (-0,78%), xuống 43,20 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

Dòng tiền tự tin, VN-Index lên trên 965 điểm

Trong phiên sáng, mặc dù giao dịch khá thận trọng nhưng dòng tiền vẫn lan tỏa đã giúp VN-Index vượt mốc 960 điểm.

Bước sang phiên, sau gần 1 giờ giao dịch thăm dò, lực cầu gia tăng với tâm điểm hướng vào nhóm bluechip đã kéo VN-Index nới rộng biên độ tăng lên trên 965 điểm khi đóng cửa.

Dòng bank là điểm tựa chính với BID +1,8%, CTG +3,1%, MBB +3,2%, VPB +3,1%, TCB 3,2%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều mã đua nhau tăng mạnh. Trong đó, FLC tăng kịch trần +6,94% khớp 43,52 triệu đơn vị, cùng lượng dư mua trần hơn 3,3 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 2,3 triệu đơn vị. Tuy nhiên, tổng giá trị là mua ròng 189,59 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 13/11: VN-Index tăng 7,01 điểm (+0,73%), lên 966,29 điểm; HNX-Index tăng 0,12 điểm (+0,08%), lên 144,74 điểm; UpCoM-Index tăng 0,18 điểm (+0,28%), lên 64,7 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall mất điểm trong phiên ngày thứ Năm (12/11) sau khi ghi nhận New York trở thành bang mới nhất ban hành các quy định giãn cách xã hội chặt chẽ hơn trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại Mỹ ghi nhận tăng hơn 100.000 ca trong ngày thứ tám liên tiếp.

Cùng với tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump của Đảng Cộng hòa một mực từ chối nhận thất bại trước ứng cử viên Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tuần trước cũng đang bắt đầu khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Kết thúc phiên 12/11, chỉ số Dow Jones giảm 317,46 điểm (-1,08%) xuống 29.080,17 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 35,65 điểm (-1,00%) xuống 3.537,01 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 76,84 điểm (-0,65%) xuống 11.709,59 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh sau 8 phiên liên tiếp trước đó tăng điểm, khi giới đầu tư trở nên lo lắng hơn về số ca mắc Covid-19 gia tăng cả ở trong và ngoài nước.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,53% xuống 25.385,87 điểm. Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 4,36%. Chỉ số Topix giảm 1,33% xuống 1.703,33 điểm.

Cùng với số ca nhiễm Covid-19 ở nước ngoài tăng mạnh, Nhật Bản cũng đã báo cáo có thêm tới 1.634 trường hợp nhiễm bệnh mới trong ngày hôm qua. Ảnh hưởng từ thông tin trên khiến nhóm cổ phiếu các hãng hàng không giảm gần 3,6% với ANA Holdings trượt 4,8% và Japan Airlines mất 1,92%.

Nhóm ngành cổ phiếu vận tải đường bộ, đường sắt cũng bị ảnh hưởng, với Kintetsu Group Holdings, Sotetsu Holdings và Central Japan Railway Co giảm từ 3,6% đến 6,8%.

Đáng chú ý nhất hôm nay là cổ phiếu Nissan Motor, tăng 8,75% sau khi cắt giảm 28% con số lỗ ròng dự báo trong năm tài chính hiện tại.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do bị tác động bởi việc ông Donald Trump quyết định cấm các khoản đầu tư của Mỹ vào 31 công ty có liên hệ với quân đội Trung Quốc.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,86% xuống 3.310,10 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,05% xuống 4.856,85 điểm. Trong tuần, CSI300 giảm 0,6%, còn SSEC giảm 0,1%.

Thị trường bị ảnh hưởng mạnh bởi thông tin, Tổng thống Donald Trump ngày 12/11 (giờ Mỹ) ký sắc lệnh cấm người Mỹ đầu tư vào 31 công ty Trung Quốc mà chính quyền Washington cho rằng thuộc sở hữu hoặc do quân đội Trung Quốc kiểm soát.

Ngoài ra, tác động tiêu cực còn đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng lớn, sau các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp gần đây.

Một công ty khai thác Trung Quốc bị vỡ nợ trong tuần này đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp của các chủ nợ để giải quyết cái gọi là "rủi ro tín dụng lớn" tiềm ẩn, khi một loạt các vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp nhà nước (SOEs), vốn được xếp hạng hàng đầu đã gây ra những cơn sóng chấn động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc.

Chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ, cũng bởi ảnh hưởng bởi việc chính quyền của ông Donald Trump quyết định cấm các khoản đầu tư của Mỹ vào các công ty có liên hệ với quân đội Trung Quốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,05% xuống 26.156,86 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 0,3% xuống 10.545,27 điểm.

Trong tuần, HSI tăng 1,7% và HSCE tăng 0,5% bởi các nhà đầu tư hoan nghênh chiến thắng của Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng điểm, nhờ được sự nâng đỡ của nhóm cổ phiếu lớn trên thị trường.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 0,74% lên 2.493,87 điểm. Trong tuần, chỉ số này tăng 3,2%.

Hôm nay, cổ phiếu của gã khổng lồ Samsung Electronics tăng 3,6% và ghi nhận phiên cao kỷ lục về lực mua của nhà đầu tư nước ngoài, trong khi các cổ phiếu lớn khác như SK Hynix, Hyundai Motor và Kakao Corp lần lượt tăng 1,8%, 2% và 2,2%.

Kết thúc phiên 13/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 135,01 điểm (-0,53%), xuống 25.385,87 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 28,57 điểm (-0,86%), xuống 3.310,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 12,52 điểm (-0,05%), xuống 26.156,86 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 18,25 điểm (+0,74%), lên 2.493,87 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tín dụng mua nhà khó kích tăng

Để kích cầu tín dụng mua nhà, lãi suất cho vay được các ngân hàng điều chỉnh giảm theo xu hướng chung trên thị trường, nhưng không vì thế mà dễ thu hút khách hàng…>> Chi tiết

- UPCoM: Trong chán, ngoài có thèm?

Nhiều doanh nghiêp đang giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM gần đây liên tục tính chuyện chuyển sàn, hoặc chưa kịp thì cũng tuyên bố hoặc ám chỉ về động thái chuyển sàn sang HOSE hoặc HNX..>> Chi tiết

- Sáng, tối bức tranh doanh nghiệp bán lẻ

Dù nỗ lực vượt cú sốc dịch Covid-19, nhưng triển vọng kinh doanh cả năm vẫn khó sáng sủa với nhiều doanh nghiệp ngành bán lẻ..>> Chi tiết

- Mỹ ghi nhận thâm hụt ngân sách cao kỷ lục 284 tỷ USD trong tháng 10

Con số trên vượt mức thâm hụt ghi nhận được trong tháng 10/2009, ở mức 176 tỷ USD, khi chính phủ phải mạnh tay chi tiêu để đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008 ..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.18 -6.0 -0.47% 188,491 tỷ
HNX 242.77 -1.14 -0.47% 1,549 tỷ
UPCOM 91.38 -0.1 -0.11% 553 tỷ