Thị trường tài chính 24h: Ngành nào có cơ hội từ 'thương chiến' ?

(ĐTCK) VN-Index giảm không đáng kể; “Muốn xử lý nợ xấu thì phải có ngân hàng đẹp, ứng xử đẹp,..;Phạt nặng, doanh nghiệp vẫn không “nhích” lên sàn, vì sao?; Thương chiến và cơ hội cho ngành cảng biển;  Cải thiện năng lực cạnh tranh, thêm cơ hội hút vốn; Chứng khoán châu Á dần thận trọng; Mỹ bỏ ngỏ khả năng áp thuế bổ sung hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Ngành nào có cơ hội từ 'thương chiến' ?

VN-Index rung lắc, giao dịch ảm đạm

Thị trường bước vào phiên sáng khá ảm đạm bởi tâm lý thận trọng cao độ. VN-Index chủ yếu biến động trong biên độ hẹp bị đẩy lùi về về cuối phiên chủ yếu bởi VHM.

Bước sang phiên ch chiều, lực cầu gia tăng đã giúp một số mã lớn khởi sắc, giúp thị trường cân bằng. Tuy nhiên, áp lực bán thường trực đã khiến VN-Index lùi về dưới tham chiếu khi đóng cửa.

VHM vẫn là gánh nặng chính, giảm 1,7%. Thêm vào đó, GAS, VNM, SAB, HPG… đều giảm nhẹ. Dòng bank vẫn đóng vai trò là lực đỡ với TCB +1,5%, VCB +0,2%, BID +0,6% VPB +1,1%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, FTM giảm sàn trở lại ghi nhận phiên giảm thứ 5 liên tiếp.

Trái lại, FLC đứng tại mức giá trần 3.790 đồng và dư mua trần 6,39 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trườngnhà đầu tư nước ngoài bán ròng 0,78 triệu đơn vị. Tổng giá trị bán ròng 10,27 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 15/10:  VN-Index giảm 0,52 điểm (-0,05%), xuống 993,05 điểm; HNX-Index giảm 0,04 điểm (-0,03%) xuống 106,01 điểm; UPCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,04%), xuống 56,76 điểm.

 Chứng khoán Mỹ

Thông tin từ Bắc Kinh muốn có thêm các cuộc đàm phán trước khi ký kết thỏa thuận một giai đoạn một với Washington. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng, đợt thuế quan tiếp theo đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15/12 nếu một thỏa thuận đã không đạt được sau đó.

Diễn biến mới sau vòng đàm phán, cũng như chưa có một thỏa thuận chính thức nào được ký kết, dù Tổng thống Trump trước đó ca ngợi về thỏa thuận giai đoạn 1 giữa 2 nước, đã làm tăng thêm nghi ngờ về một thỏa thuận thương mại, các chỉ số theo đó đồng loạt điều chỉnh.

Kết thúc phiên 14/10, chỉ số Dow Jones giảm 29,23 điểm (-0,11%), xuống 26.787,36 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,12 điểm (-0,14%), xuống 2.966,15 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 8,39 điểm (-0,10%), xuống 8.048,65 điểm.

Thị trường châu Á 

Chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh sau ngày nghỉ trước đó, nhờ hiệu ứng từ một thỏa thuận thương mại tiềm năng giữa Mỹ và Trung Quốc được ký kết dâng cao.

Đóng của, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,87% lên 22.207,21 điểm. Topix tăng 1,56% lên 1.620,20 điểm.

Nhóm cổ phiếu vận tải, vốn nhạy cảm với nhu cầu vận chuyển đã tăng 2,9%, với Kawasaki Kisen tăng 5,8% và Mitsui OSK Lines 3,3%.

Các cổ phiếu liên quan đến bán dẫn cũng tăng vọt với Sumco tăng 5,3%, Shinetsu Chemical tăng 2,6% lên mức cao nhất trong 20 tháng. Screen Holdings - nhà sản xuất máy sản xuất chất bán dẫn tăng 3,5%, Rohm Co. tăng 4,5% và Nhà sản xuất robot công nghiệp Fanuc tăng 2,9%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, bởi chỉ số giá cổng nhà máy (FGP) tiếp tục sụt giảm trong tháng 9 vừa qua.

Đóng cửa, số Shanghai Composite giảm 0,56% xuống 2.991,05 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 0,43% xuống 3.936,25 điểm.

Giá cổng nhà máy (FGP) của Trung Quốc đã giảm 1,2%, mức giảm lớn nhất trong hơn 3 năm vào tháng 9 vừa qua, một ngày sau khi dữ liệu khác cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc (tính theo USD) giảm 3,2% so với 1 năm trước, nhập khẩu giảm 8,5%.

Trước đó, các chuyên gia kinh tế dự báo kim ngạch xuất khẩu giảm 2,8% trong khi nhập khẩu giảm 6%.

Bên cạnh đó, nghi ngờ liệu Trung Quốc và Mỹ có thể đi đến một thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài cũng khiến thị trường giảm điểm.

Chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ, trong bối cảnh giới đầu tư lo về sức khỏe nền kinh tế của Trung Quốc sau khi dữ liệu giá cổng nhà máy tháng 9 giảm với tốc độ nhanh nhất trong 3 năm qua.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,07% xuống 26.503,93 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises cũng mất 0,07% xuống 10.500,17 điểm.

Thông tin mới nhất là Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đã cắt giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải dự trữ, qua đó, giải phóng thêm 200-300 tỷ đô la Hồng Kôn vào nền kinh tế Thành phố, vốn đang đã bị các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng và cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ gây tổn thương.

Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng nhẹ 0,04% lên 2.068,17 điểm, khi sự lạc quan về một thỏa thuận thương mại có thể đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc phai nhạt dần.

Kết thúc phiên 15/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 408,34 điểm (+1,87%), lên 22.207,21 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,84 điểm (-0,56%), xuống 2.991,05 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 17,92 điểm (-0,07%), xuống 26.503,93 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Giá vàng  tiếp tục giảm. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.260 đồng/USD.

Giá vàng thế giới sau phiên đêm qua tại Mỹ tăng 3,7 USD lên 1.492,5 USD/ounce, thì sang phiên châu Á sáng nay đã hồi phục và có thời điểm leo lên gần 1.500 USD/ounce, trước khi đảo chiều về lại 1.493 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm trở lại 60.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 41,47 – 41,76 triệu đồng/lượng, giảm thêm 30.000 đồng/lượng so với với đầu giờ sáng.

Tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 23.150 đồng, không đổi so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.145 - 23.265 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

“Muốn xử lý nợ xấu thì phải có ngân hàng đẹp, ứng xử đẹp,..

Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 968,89 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 629,2 nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng trong việc duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD ở mức dưới 2%..>> Chi tiết

Phạt nặng, doanh nghiệp vẫn không “nhích” lên sàn, vì sao?

Bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước phạt nặng do vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, song nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn chưa thể đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường này, vì nhiều nguyên nhân...>> Chi tiết

Thương chiến và cơ hội cho ngành cảng biển

Các chuỗi cung ứng và đầu tư quốc tế từ Trung Quốc đi ra đã kéo theo hệ thống vận chuyển hàng hóa thay đổi, từ đó mở ra cơ hội cho các cảng biển lân cận phát huy thế mạnh..>> Chi tiết 

Cải thiện năng lực cạnh tranh, thêm cơ hội hút vốn

Với sức cạnh tranh được cải thiện, Việt Nam đang gia tăng sức hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là trong bối cảnh dòng vốn này có sự chuyển dịch dưới tác động của các diễn biến bất ổn kinh tế - chính trị trên toàn cầu..>> Chi tiết

Mỹ bỏ ngỏ khả năng áp thuế bổ sung hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12

Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố, gói thuế quan mới của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào ngày 15/12, nếu đến thời điểm đó hai bên không ký kết được thỏa thuận thương mại..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục