Thị trường tài chính 24h: Ngân hàng sẽ tiếp tục giữ vai trò trụ cột trong thị trường trái phiếu

(ĐTCK) VN-Index tăng nhẹ; Ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu; Xóa rào cản ngôn ngữ với nhà đầu tư ngoại; Sẽ trình Quốc hội luật hóa Nghị quyết số 42 về xử lý nợ xấu; Tổng thống Mỹ kêu gọi Fed cắt giảm lãi suất, thúc đẩy chính sách thuế quan…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 13/2 giảm 600.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng trở lại 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 87,70 – 90,70 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 6,4 USD lên mức 2.903,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng lên 2.920 USD, trước khi hạ nhiệt về gần 2.910 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 107,70 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 13/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.572 đồng/USD, tăng 22 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.300 – 25.660 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng từ 96.500 USD lên 97.200 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục tăng lên trên 98.000 uSD, nhưng đã đảo chiều giảm khá mạnh về 96.200 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,62 USD (-0,87%), xuống 70,75 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,66 USD (-0,88%), xuống 74,52 USD/thùng.

VN-Index hồi phục nhẹ

Sau phiên sáng tăng điểm nhẹ và duy trì trạng thái ảm đạm do dòng tiền yếu, thị trường bước vào phiên chiều ghi nhận bảng điện đảo chiều giúp VN-Index bật nhẹ lên vùng 1.270 điểm.

Mặc dù vậy, tín hiệu dòng tiền không được cải thiện, trong khi nhóm bluechip cũng chững lại, khiến VN-Index quay đầu hạ nhiệt, chỉ khi chạm gần tham chiếu mới bật trở lại và thêm một lần chạm tới mốc 1.270 điểm ở những phút cuối.

Kết thúc phiên giao dịch 13/2: VN-Index tăng 3,44 điểm (+0,27%) lên 1.270,35 điểm; HNX-Index tăng 0,2 điểm (+0,09%), lên 229,52 điểm; UpCoM-Index tăng 0,93 điểm (+0,96%), lên 97,74 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Tư (12/2), khi chỉ số lạm phát tăng nóng hơn dự kiến làm tăng thêm lo ngại rằng Fed sẽ không sớm cắt giảm lãi suất như kỳ vọng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 1/2025 đã tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn so với dự báo của các chuyên gia lần lượt là 0,3% và 2,9%.

Dữ liệu này củng cố thông điệp của Fed rằng họ không vội vàng tiếp tục cắt giảm lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng không chắc chắn.

Kết thúc phiên 12/2: Chỉ số Dow Jones giảm 225,09 điểm (-0,50%), xuống 44.368,56 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,53 điểm (-0,27%), xuống 6.051,97 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 6,01 điểm (+0,03%), lên 19.649,95 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh, khi đồng yên yếu đi đã thúc đẩy tâm lý giới đầu tư.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,28% 39.461,47 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,18% lên 2.765,59 điểm.

"Tháng trước, chứng khoán Nhật Bản đã bị kéo lùi do lo lắng về sức mạnh của đồng yên. Nhưng những lo ngại đó hiện đã giảm bớt khi đồng yên suy yếu so với đồng USD", Fumio Matsumoto, chiến lược gia trưởng tại Okasan Securities cho biết.

Sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất ngắn hạn lên 0,5% vào tháng trước, kỳ vọng ngày càng tăng rằng BOJ có thể tiếp tục chương trình tăng lãi suất nhanh hơn và cao hơn, thúc đẩy đồng yên tăng so với đồng đô la Mỹ.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, các mối đe dọa thuế quan mới nhất của Tổng thống Mỹ Trump đè nặng lên tâm lý thị trường.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,42% xuống 3.332,48 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,38% xuống 3.905,14 điểm.

Hôm thứ Tư, ông Trump đã công bố kế hoạch áp thuế đối với bất kỳ quốc gia nào đánh thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ, làm dấy lên lo ngại về cuộc xung đột thương mại toàn cầu leo thang.

Các nhà đầu tư ở Trung Quốc cũng chốt lời sau một đợt phục hồi mạnh mẽ được thúc đẩy bởi sự lạc quan xung quanh trí tuệ nhân tạo, với East Money Information giảm 1,6%, ZTE Corp giảm 5,2%, BYD (-giảm 1,1%, IEIT Systems giảm 3,6% và Hand Enterprise giảm 8,1%.

Chứng khoán Hồng Kông đảo chiều giảm, khi cổ phiếu công nghệ bị chốt lời ngay khi bước vào mô hình giá lên.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,2% xuống 21.814,37 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,69% xuống 8.002,63 điểm.

Chỉ số công nghệ Hang Seng, nằm ở trung tâm của đà tăng do cơn sốt DeepSeek, đảo chiều giảm 0,9% sau khi tăng hơn 1,5 trong phiên.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng mạnh và chạm mức mức cao nhất trong 3 tháng, được thúc đẩy bởi nhóm cổ phiếu ô tô và thép.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 34,78 điểm, tương đương 1,36% lên 2.583,17 điểm.

Ngành công nghiệp ô tô là một trong những ngành hoạt động hàng đầu, với Kia Corp tăng 2,8% và Hyundai Motor tăng 5,3%, được thúc đẩy bởi sự lạc quan ngày càng tăng về khả năng miễn trừ thuế quan từ Mỹ.

Ngoài ra, các nhà sản xuất thép đã chứng kiến đà hồi phục đáng chú ý, với Posco Holdings tăng 6,9% và Hyundai Steel tăng 7,1%.

Kết thúc phiên 13/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 497,77 điểm (+1,28%), lên 39.461,47 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 13,90 điểm (-0,42%), xuống 3.332,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 43,55 điểm (-0,20%), xuống 21.814,37 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 34,78 điểm (+1,36%), lên 2.583,17 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu

Với nhu cầu bổ sung vốn cấp 2 và gia tăng nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tín dụng, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục giữ vai trò trụ cột trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2025..>> Chi tiết

- Xóa rào cản ngôn ngữ với nhà đầu tư ngoại

Cùng với việc công bố báo cáo tài chính song ngữ (Việt - Anh), các doanh nghiệp niêm yết đã sẵn sàng áp dụng chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) – “ngôn ngữ kế toán” chung của thế giới..>> Chi tiết

- Sẽ trình Quốc hội luật hóa Nghị quyết số 42 về xử lý nợ xấu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẩn trương xây dựng hồ sơ, trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới để luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD..>> Chi tiết

- Tổng thống Mỹ kêu gọi Fed cắt giảm lãi suất, thúc đẩy chính sách thuế quan

Ngày 12/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất, trong một động thái can thiệp mới vào chính sách của ngân hàng trung ương của Mỹ..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục