Thị trường chứng khoán
- Chứng khoán Việt Nam giảm nhẹ
Áp lực bán gia tăng mạnh tại nhóm cổ phiếu lớn như VNM, GAS, VIC, NVL.. cùng với một số mã nhóm ngân hàng đều giảm, là nguyên nhân chính khiến kéo VN-Index giảm trong phiên chiều.
Ngược lại, các mã ROS, BVH, VJC và các mã bluechips cơ bản như CII, GMD, HSG, PVD…tiếp tục duy trì sắc xanh để hãm bớt đà giảm của chỉ số. Trong đó, ROS có phiên tăng thứ 7 liên tiếp.
Kết thúc phiên giao dịch 28/3, VN-Index giảm 4,26 điểm (-0,59%) xuống 719,26 điểm.; HNX-Index giảm 0,81 điểm (-0,89%) xuống 90,57 điểm, xuống 91,35 điểm UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,2%) lên 57,33 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 4.285 tỷ đồng.
Bản tin tài chính kinh doanh trưa 27/3/2016:
Dư âm về thất bại của ông Trump về việc không thể bãi bỏ Obamacare đã tiếp tục đẩy chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên đầu tuần.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, Dow Jones giảm 45,74 điểm (- 0,22%) xuống 20.550,98 điểm, S&P 500 mất 2,39 điểm (- 0,1%) còn 2.341,59 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 11,64 điểm (+0,2%) lên 5.840,37 điểm.
Đặc biệt, Dow Jones sụt giảm phiên thứ 8 liên tiếp, qua đó ghi nhận chuỗi suy yếu dài nhất trong gần 6 năm.
Trong khi đó, Chứng khoán châu Á cũng giảm sút khi nhà đầu tư ngày càng nghi ngờ về khả năng thông qua các chính sách thúc đẩy tăng trưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Nikkei 225 giảm 276,9 điểm (-1,44%) xuống 18.985,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 2,6 điểm (-0,08%) xuống 3.266,82 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 164,57 điểm (- 0,68%) xuống 24.193,70 điểm.
Thị trường vàng, ngoại tệ
- Giá vàng ít biến động, tỷ giá tiếp tục giảm.
Tính đến cuối giờ chiều nay, vàng SJC được giao dịch ở mức 36,44 – 36,66 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ trở lại 20.000 đồng/lượng, bằng với giá chốt ngày hôm qua.
Trong khi đó, tỷ giá USD/VND tiếp tục giảm thêm khoảng 5 - 10 đồng. Tại Vietcombank, giá USD được niêm yết ở mức 22.740 – 22.810 đồng/USD (mua vào - bán ra).
- Ngân hàng nhà nước tiếp tục bơm tiền vào thị trường.
Theo bản tin trái phiếu tuần từ 20/3 đến 24/3 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tuần vừa qua, NHNN đã bơm mới 25.689 tỷ đồng qua kênh OMO trong khi đó lượng vốn đáo hạn trong tuần đạt 22.375 tỷ đồng. Do vậy, 3.314 tỷ đồng đã được NHNN bơm ròng qua kênh này. Đồng thời, NHNN không phát hành tín phiếu đối với tất cả các loại kỳ hạn. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp, NHNN bơm ròng vốn vào thị trường.
- NCB lên tiếng về sự việc khách hàng báo mất gần 9 tỷ đồng trong tài khoản
NCB chính thức thông tin, đối với vụ việc của khách hàng Nguyễn Bạch Mai, ngay từ khi nhận được đơn thư Ngân hàng đã nhanh chóng rà soát trả lời bà Mai cũng như liên tục mời bà Nguyễn Thị Thu Hà đến làm rõ và tìm hướng khắc phục nhằm bảo đảm lợi ích của bà Nguyễn Bạch Mai.
NCB cũng đã báo cáo với NHNN và chủ động chuyển hồ sơ cho phía cơ quan Công an để tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ.
NCB hiện đang cùng khách hàng là bà Nguyễn Bạch Mai và các bên liên quan phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra làm sáng tỏ vụ việc này và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Khách hàng.
NCB cam kết tuân thủ theo quy định của pháp luật và sẵn sàng chịu trách nhiệm căn cứ trên kết luận của Cơ quan chức năng.
- Một quỹ Malaysia muốn mua 100% mảng kem của KIDO với giá 200 triệu USD
Ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch KIDO chia sẻ, dù ngày IPO Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (KDF) chưa chính thức bắt đầu, nhưng đã có rất nhiều nhà đầu tư ngỏ ý sẵn sàng mua 60.000 đồng/cổ phần KDF, cao hơn mức mà Tập đoàn chào bán.
Một quỹ đầu tư Malaysia muốn mua trọn 100% mảng kem của KDF với giá 200 triệu USD.
Cùng với đó, một công ty Nhật cũng muốn mua 35% cổ phần KDF với mức giá 60.000 đồng/cổ phần, cao hơn giá dự kiến chào sàn KDF, 52.000 đồng/cổ phần.