Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 16/11 giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng trở lại đúng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, hiện đứng ở mức 69,80 – 70,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 3,5 USD xuống 1.959,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giá vàng hồi phục dần và lên gần 1.965 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,42 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 16/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.971 đồng/USD, giảm 45 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.115 – 24.455 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng nhẹ lên gần 36.400 USD thì sang phiên hôm nay đã có nhịp tăng khá mạnh lên 37.800 USD, trước khi lùi về 37.400 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,11 USD (-0,14%), xuống 76,55 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,07 USD (-0,09%), xuống 81,11 USD/thùng.
VN-Index đảo chiều tăng
Sau phiên sáng điều chỉnh nhẹ với thanh khoản chậm lại khá nhiều, nhà đầu tư tiếp tục giao dịch thận trọng khi giao dịch trở lại trong phiên chiều. Thậm chí, VN-Index đã nới đà giảm thêm về gần 1.115 điểm, tuy nhiên, lực bán đã chững lại, trong khi dòng tiền đâu đó cũng tranh thủ mua được giá tốt đã giúp VN-Index trở lại và bất ngờ bật tăng trong phiên ATC lên trên tham chiếu.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 8,46 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng 211,39 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 16/11: VN-Index tăng 3,03 điểm (+0,27%), lên 1.125,53 điểm; HNX-Index tăng 1,69 điểm (+0,74%), lên 229,56 điểm; UpCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,14%), lên 87,13 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ nới đà tăng vào thứ Tư (15/11), khi tâm lý thị trường vẫn đang nhận được ảnh hưởng tích cực từ dữ liệu lạm phát hạ nhiệt trong ngày trước đó.
"Nếu chúng ta đang nghĩ về việc áp lực lạm phát giảm bớt trong tương lai, một môi trường mà Fed có thể chậm lại hoặc thậm chí ngừng tăng lãi suất nhưng vẫn thấy tăng trưởng kinh tế tích cực, chúng ta đã có kịch bản Goldilocks này diễn ra", Steve Wyett, chiến lược gia đầu tư trưởng tại BOK Financial cho biết.
Kết thúc phiên 15/11: Chỉ số Dow Jones tăng 163,51 điểm (+0,47%), lên 34.991,21 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,18 điểm (+0,16%), lên 4.502,88 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 9,45 điểm (+0,06%), lên 14.103,84 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà đầu tư chọn chốt lời sau khi tăng mạnh trong ba phiên trước đó, cùng với đó, sự phục hồi của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng đè nặng lên tâm lý thị trường.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,28% xuống 33.424,41 điểm, sau khi lần đầu tiên vượt qua mức 33.000 điểm trong gần hai tháng trong phiên trước đó. Chỉ số Topix giảm 0,19% xuống 2.368,62 điểm.
"Các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu tại một thời điểm, đặt cược rằng Nikkei 225 sẽ tiếp tục đà tăng và vượt qua mức đóng cửa cao nhất trong năm nay vào tháng 7. "Nhưng lực mua đó không kéo dài, với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng qua đêm đè nặng lên tâm lý, Seiichi Suzuki, nhà phân tích thị trường chứng khoán tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo cho biết.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng trở lại từ mức thấp nhất trong hai tháng phiên đêm qua, bất chấp dấu hiệu lạm phát chậm lại, sau khi dữ liệu doanh số bán lẻ được điều chỉnh cho thấy mức tăng mạnh trong tháng 9.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi các nhà đầu tư thất vọng bởi cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong khi dữ liệu cho thấy sự suy yếu kéo dài trong lĩnh vực bất động sản cũng làm tổn thương tâm lý thị trường.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,71% xuống 3.050,93 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,97% xuống 3.572,36 điểm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý mở đường dây nóng nối lại liên lạc quân sự và cùng đối phó với nạn sản xuất, vận chuyển ma túy.
Ông Tập cũng nói với ông Biden rằng Đài Loan là vấn đề lớn nhất, nguy hiểm nhất trong quan hệ Mỹ-Trung, một quan chức cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên, trong khi ông Biden đáp trả bằng cách đảm bảo với ông Tập rằng Washington quyết tâm duy trì hòa bình trong khu vực.
"Thị trường đã thất vọng bởi các cuộc hội đàm, không có điều kỳ vọng tích cực nào xuất hiện", một nhà quản lý quỹ tại một quỹ tư nhân, người từ chối nêu tên do tính nhạy cảm của chủ đề cho biết.
Giá nhà mới của Trung Quốc đã giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng Mười, dữ liệu chính thức cho thấy, vì các biện pháp hỗ trợ của chính phủ đã không đủ để xóa tan sự ảm đạm của lĩnh vực bất động.
Dữ liệu khác được công bố hôm thứ Tư cũng cho thấy sự sụt giảm mạnh trong đầu tư bất động sản, trong khi sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tiếp tục phục hồi.
"Đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phần lớn không thay đổi trong tháng 10 so với tháng trước. Sự ổn định vẫn còn mong manh và có những rủi ro đáng kể ở phía trước", các nhà phân tích của Gavekal Dragonomics cho biết.
Chứng khoán Hồng Kông trượt dốc, khi các quỹ Trung Quốc Đại lục tận dụng đà tăng của thị trường gần đây để chốt lời trước thời điểm các công ty công nghệ lớn nhất báo cáo kết quả kinh doanh với Tencent báo hiệu xu hướng yếu.
Thêm vào đó, cuộc gặp đầu tiên trong một năm giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden đã không thể vực dậy tình cảm.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,36% xuống 17.832,82 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,41% xuống 6.116,70 điểm.
Thị trường giảm mạnh sau khi tăng 3,9% vào thứ Tư lên mức cao nhất trong một tháng.
Chỉ số công nghệ mất 1,9%, với Alibaba Group giảm 1,9%, NetEase giảm 2,4% và Lenovo giảm 2,7 trước khi báo cáo kết quả kinh doanh được công bố vào cuối ngày.
Cổ phiếu Tencent Holdings có thời điểm mất tới 2%trước khi hồi phục nhẹ, sau khi công bố lợi nhuận quý III giảm 9% so với cùng kỳ năm trước.
Chứng khoán Hàn Quốc giằng co và tăng nhẹ, khi các nhà chức trách công bố kế hoạch cải thiện các quy tắc bán khống cổ phiếu.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI chỉ tăng 1,44 điểm, tương đương 0,06% lên 2.488,11 điểm sau hai phiên tăng mạnh.
Cơ quan quản lý tài chính Hàn Quốc có kế hoạch nới lỏng các quy tắc bán khống cổ phiếu cho các nhà đầu tư bán lẻ, đồng thời thắt chặt chúng đối với các nhà đầu tư tổ chức và nước ngoài, để thúc đẩy một "sân chơi bình đẳng" trên thị trường.
Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 0,83%, ngành SK Hynix mất 1,34%. Cổ phiếu nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 1,99%.
Kết thúc phiên 16/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 95,29 điểm (-0,28%), xuống 33.424,41 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 21,91 điểm (-0,71%), xuống 3.050,93 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 246,18 điểm (-1,36%), xuống 17.832,82 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 1,51 điểm (+0,06%), lên 2.488,18 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng tích cực "sale off" vốn vay
Ngân hàng liên tục đưa ra nhiều gói tín dụng giá rẻ và giảm lãi suất đối với khoản vay hiện hữu, song cầu vốn của doanh nghiệp và khách hàng cá nhân khó tăng mạnh..>> Chi tiết
- Ẩn số cổ phiếu ngân hàng
Cổ phiếu ngân hàng góp phần quan trọng kéo chỉ số VN-Index trong những phiên hồi phục tuần qua, nhưng để tạo ra một xu hướng tăng bền vững sẽ cần thời gian để các ngân hàng xử lý nhiều vấn đề nội tại, trong đó có nợ xấu!..>> Chi tiết
- Một công ty xây dựng thành lập hơn 2 năm đã huy động được 1.495 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất lên tới 14%/năm
Công ty TNHH Dịch vụ và Tư vấn Xây dựng Anh Quân vừa huy động 1.495 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 60 tháng và đáo hạn năm 2028..>> Chi tiết
- BSC: Trong kịch bản tích cực, VN-Index có thể đạt trên 1.360 điểm trong năm 2024
Trung tâm Phân tích Nghiên cứu, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) vừa đưa ra báo cáo nhận định thị trường chứng khoán trong 10 tháng đầu năm 2023 và dự báo kịch bản những tháng còn lại của năm 2023 và trong năm 2024..>> Chi tiết
- Cuộc chiến kiểm soát lạm phát toàn cầu đã bước sang một giai đoạn mới
Lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến kiểm soát lạm phát kéo dài hai năm của các ngân hàng trung ương..>> Chi tiết