Thị trường tài chính 24h: Nâng cao kỷ luật đầu tư

(ĐTCK) VN-Index mất hơn 43 điểm; Vũ khí của Fed không chỉ là lãi suất; Vượt qua nỗi sợ bằng lý trí và kỷ luật đầu tư; Đầu tư chứng khoán lúc này: Cẩn trọng và tiết kiệm; Đồng tiền các thị trường mới nổi lao dốc theo giá dầu; Chứng khoán châu Á bị bán tháo, duy nhất Nhật bản ngược đòng; Bộ Tài chính Mỹ công bố gói hỗ trợ 4.000 tỷ USD...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Nâng cao kỷ luật đầu tư

Thị trường vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 23/3 không đổi chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã tăng 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại mức 45,80 – 46,52 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 27,4 USD lên 1.498,8 USD/ounce, sang phiên châu Á sáng nay đã giằng co và dao động quanh 1.495 USD/ounce cho đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,11% xuống 102,71 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 23/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.259 đồng, tăng 7 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.600 - 23.760 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,26 USD (-1,15%), xuống 22,37 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,04 USD (-3,59%), xuống 27,96 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index bị bán tháo, bay hơn 40 điểm

Diễn biến phức tạp bởi đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn là nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán “đổ máu”, khiến VN- Index bốc hơi hơn 40 điểm và lùi về dưới 670 điểm.

Bước sang phiên chiều, thị trường vẫn diễn biến tiêu cực, có thời điểm số mã giảm sàn gần 200 trên HOSE, với 25 mã trong rổ VN30, khiến VN-Index rơi xuống mức thấp nhất kể từ phiên đầu tiên của năm 2017 và về mốc 666 điểm khi đóng cửa.

Nhóm VN30, MSN đứng giá tham chiếu, EIB nhích nhẹ chưa tới 0,5%, NVL +2%, còn lại đều giảm sàn với lượng dư bán sàn khá lớn.

Cặp đôi AMD và HAI cũng tiếp tục có những phiên nằm sàn với lượng dư bán sàn chất đống tới hơn 11 triệu đơn vị, trong khi khối lượng khớp lệnh chỉ vài chục nghìn đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trườngnhà đầu tư nước ngoài bán ròng 22,27 46,53 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 420,65 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 23/3:  VN-Index giảm 43,14 điểm (-6,08%), xuống 666,59 điểm; HNX-Index giảm 5,33 điểm (-5,24%), xuống 96,46 điểm; UPCoM-Index giảm 2,28 điểm (-4,58%), xuống 47,57 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall mở cửa phiên cuối tuần trước duy trì sắc xanh. Tuy nhiên, sau khi New York và California áp đặt lệnh phong tỏa để kiềm chế sự lây lan của đại dịch Covid-19, phố Wall đã đồng loạt quay đầu giảm điểm với mức giảm trên dưới 4%.

Ngoài ra, việc chính quyền liên bang quyết định đóng cửa biên giới với Mexico và Canada cũng khiến giới đầu tư thêm lý do để không dám mạo hiểm.

Phiên sụt giảm cuối tuần này cũng khiến thành quả mà Dow Jones có được kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức (ngày 20/1/2017) bị xóa sạch, thậm chí chỉ số này còn âm vào 3%.

Trong tuần chỉ số Dow Jones giảm 17,30%, chỉ số S&P giảm 14,98% và Nasdaq giảm 12,64%.

Kết thúc phiên 20/3, chỉ số Dow Jones giảm 913,21 điểm (-4,55%), xuống 19.173,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 104,47 điểm (-4,34%), xuống 2.304,92 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 271,06 điểm (-3,79%), xuống 6.879,52 điểm.

Chứng khoán châu Á phần lớn bị bán tháo

Chứng khoán Nhật Bản hồi phục mạnh mẽ vì sự lạc quan rằng, Thế vận hội Olympic Tokyo sẽ không bị hủy bỏ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,02% lên 16.887,78 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,68% lên 1.292,01 điểm.

Triển vọng hoãn lại tới tháng 7 hoặc dời sang năm sau thay vì hủy bỏ Olympic 2020 tại Toyko sau cuộc họp của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã giúp cổ phiếu Nhật Bản đi ngược xu hướng toàn cầu.

Bên cạnh đó, hy vọng Ngân hàng Nhật Bản mua tài sản của các quỹ giao dịch trao đổi (ETF) mạnh mẽ hơn và các quỹ hưu trí tái cân bằng danh mục đầu tư chứng khoán sau khi bán tháo gần đây cũng hỗ trợ thị trường.

Nhưng tâm lý chung vẫn còn rất mong manh, khi chỉ số tương lai chứng khoán Mỹ và các thị trường châu Á lao dốc phiên hôm nay, khi làn sóng đóng cửa tại nhiều quốc gia gây áp lực đến các nỗ lực kích thích nhằm khắc phục suy thoái kinh tế.

Hôm nay, SoftBank đã tăng 18,6% và trở thành cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trên thị trường khi cho biết, sẽ bán một phần tài sản trị giá 4,5 nghìn tỷ yên (41 tỷ USD) để tài trợ cho việc mua lại lượng cổ phiếu lên tới 2 nghìn tỷ yên và cắt giảm nợ.

Chứng khoán Trung Quốc giảm trở lại xuống mức thấp nhất trong hơn một năm, do việc hạn chế đi lại trên toàn cầu để chống lại đại dịch Codi-19 làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu sâu rộng hơn.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 3,11% xuống 2.660,17 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 11/2/2019.

Chỉ số CSI300 bluechip giảm 3,36% xuống 3.530,31 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 22/2/2019.

Mặc dù giảm khá sâu, nhưng nhìn chung mức giảm điểm của thị trường được hạn chế khi Bắc Kinh báo hiệu sự hỗ trợ thêm cho thị trường và thông tin 3 ngày liên tiếp nước này không có ca nhiễm virus corona nào mới. 

Chứng khoán Hồng Kông giảm sâu, “tham gia” vào đợt bán tháo toàn cầu khi việc hạn chế đi lại tại nhiều quốc gia có nguy cơ làm lu mờ các chính sách kích thích kinh tế.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 4,86% xuống 21.696,13 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 4,02% xuống 8.751,76 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng giảm 4,4%, ngành CNTT giảm 4,39%, tài chính giảm 4,37% và bất động sản giảm 6,13%.

Điểm sáng trong phiên là các nhà đầu tư Đại lục tiếp tục săn lùng các cổ phiếu vốn đã giảm sâu gần đây với trị giá mua hơn 10 tỷ nhân dân tệ (1,41 tỷ USD) thông qua chương trình kết nối chứng khoán Đại lục – Hồng Kông.

Chứng khoán Hàn Quốc đã giảm hơn 5%, và có thời điểm bị ngắt giao dịch do áp lực bán tháo quá lớn.

Trong một động thái trấn an thị trường, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc hôm nay cho biết họ sẽ tiến hành các hoạt động repo cho kỳ hạn 14 ngày hoặc 28 ngày từ ngày mai để đảm bảo các tổ chức tài chính có đủ thanh khoản.

Kết thúc phiên 23/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 334,95 điểm (+2,02%), lên 16.887,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 85,45 điểm (-3,11%), xuống 2.660,17 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 1.108,94 điểm (-4,86%), xuống 21.696,13 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 83,69 điểm (-5,34%), xuống 1.482,46 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

Vũ khí của Fed không chỉ là lãi suất

Dù quyết định hạ lãi suất của Fed không đem lại nhiều hiệu quả, song nếu cho rằng, Fed đã “hết đạn” khi đưa lãi suất về 0% thì thật sai lầm..>> Chi tiết

Vượt qua nỗi sợ bằng lý trí và kỷ luật đầu tư

Thị trường chứng khoán có thể giảm thêm, nhưng nhà đầu tư cũng có thể sẽ chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ, dù chưa có bất kỳ tin tức tốt nào..>> Chi tiết

Đầu tư chứng khoán lúc này: Cẩn trọng và tiết kiệm

Tâm lý nhà đầu tư lúc này chia thành những nhóm chính. Một là nhóm thu hồi tiền mặt và đứng yên đợi dịch bệnh được kiểm soát. Nhóm thứ hai là những nhà đầu tư tham gia bắt đáy, mua dần dần theo kỷ luật những cổ phiếu có giá trị cơ bản tốt..>> Chi tiết

- Đồng tiền các thị trường mới nổi lao dốc theo giá dầu

Giá dầu lao dốc đã giáng một đòn mạnh vào đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi và tất cả mới chỉ là bắt đầu..>> Chi tiết

Bộ Tài chính Mỹ công bố gói hỗ trợ 4.000 tỷ USD cứu doanh nghiệp khỏi cơn khủng hoảng

Chính quyền Mỹ có kế hoạch bơm khoảng 4.000 tỷ USD vào hệ thống tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp trước khủng khoảng dịch bệnh Covid-19. Kế hoạch này được công bố bởi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông qua kênh Fox News hôm Chủ nhật (23/3)..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục