Thị trường tài chính 24h: Mạnh tay chốt lời

(ĐTCK) Sau chuỗi tăng điểm ấn tượng, áp lực bán chốt lời đã diễn ra trên diện rộng trong phiên giao dịch ngày 5/12, khiến cả 2 sàn lao dốc với việc VN-Index giảm mạnh nhất kể từ ngày 9/8, còn HNX-Index có phiên giảm mạnh nhất hơn 2 năm.

Hai sàn lao dốc

Sau chuỗi tăng ấn tượng và liên tiếp thiết lập các đỉnh cao mới 10 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay đã chịu áp lực chốt lời diễn ra trên diện rộng ở cả 2 sàn, đẩy hàng trăm mã giảm giá, trong đó có nhiều mã bluechip. Áp lực bán diễn ra càng lúc càng mạnh, khiến cả 2 chỉ số chính của thị trường lao dốc, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Trong đó, VN-Index có phiên giảm mạnh nhất 4 tháng, còn HNX-Index thậm chí còn có phiên giảm mạnh nhất hơn 2 năm.

Cụ thể, chốt phiên 5/12, VN-Index giảm 16,72 điểm (-1,09%) xuống 953,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch dạt 264,97 triệu đơn vị, giá trị 7.334,81 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,86% về lượng, nhưng tăng 17,92% về giá trị so với phiên 4/12. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 27,84 triệu đơn vị, giá trị 1.472,6 tỷ đồng.

HNX-Index thậm chí còn giảm 3,49 điểm (-2,98%), xuống 113,23 điểm, với 56 mã tăng, trong khi có tới 118 mã giảm. Đây là mức giảm mạnh nhất của HNX-Index kể từ phiên 24/8/2015.

Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE chỉ có 2 cổ phiếu dầu khí còn duy trì được sắc xanh khi GAS tăng 1,6%, lên 82.700 đồng và PLX tăng 0,45%, lên 66.500 đồng, còn lại đều chìm trong sắc đỏ.

Trong đó, VNM giảm 1,97%, xuống 199.000 đồng, SAB giảm 0,69%, xuống 330.000 đồng, VIC giảm 4,07%, xuống 73.000 đồng, VCB giảm 2,63%, xuống 48.100 đồng, VRE giảm 3,03%, xuống 48.000 đồng, CTG giảm 3,09%, xuống 23.500 đồng, BID giảm 2,35%, xuống 24.900 đồng, ROS giảm 6,25%, xuống 157.500 đồng.

Trong nhóm ngân hàng, chỉ có EIB tăng 1,63%, lên 12.450 đồng, còn lại đều giảm. Ngoại trừ 3 mã lớn kể trên, còn có VBP giảm 1,08%, xuống 41.050 đồng, MBB giảm 3,68%, xuống 24.900 đồng, STB giảm 5,11%, xuống 13.000 đồng. Trong đó, STB là mã có thanh khoản cao nhất của nhóm với hơn 5,9 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cao su công nghiệp lại đi ngược xu hướng thị trường khi đồng loạt khởi sắc với sắc tím tại DRC, CSM, SRC.

Tương tự, trên HNX, trong 10 mã có vốn hóa lớn nhất sàn, chỉ có duy nhất PHP tăng 1,57%, lên 12.900 đồng, còn lại đều giảm giá mạnh. Cụ thể, ACB giảm 4,11%, xuống 35.000 đồng, VCS giảm 2,36%, xuống 228.000 đồng, VCG giảm 3,48%, xuống 27.700 đồng, VGC giảm 6,72%, xuống 25.000 đồng, SHB giảm 5,21%, xuống 9.100 đồng, PVS giảm 3,06%, xuống 19.000 đồng, PVI giảm 6,2%, xuống 33.300 đồng, NTP giảm 4,94%, xuống 77.000 đồng, VPI giảm 1,5%, xuống 39.400 đồng.

Trong khi nhà đầu tư trong nước ồ ạt chốt lời, thì nhà đầu tư nước ngoài lại tranh thủ mua vào mạnh. Trong phiên hôm nay, khối ngoại mua ròng 6,36 triệu đơn vị, giá trị 96,06 tỷ đồng. Trong đó, khối này mua ròng 6,58 triệu đơn vị, giá trị 101,72 tỷ đồng trên HOSE và mua ròng 141.260 đơn vị với tổng giá trị đạt 5,33 tỷ đồng trên UPCoM, trong khi bán ròng 358.451 đơn vị, giá trị 10,99 tỷ đồng trên HNX.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ trái chiều

Sau phiên giảm nhẹ cuối tuần trước, phố Wall đã có sự trái chiều trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Trong khi Dow Jones tăng trở lại để thiếp lập mức cao kỷ lục mới trong phiên đầu tuần sau khi kế hoạch cắt giảm thuế của chính quyền Tổng thống Trump được Thượng viện Mỹ thông qua, kéo nhóm ngân hàng và bán lẻ tăng mạnh.

Trong khi đó, nhóm công nghệ - vốn đã tăng quá mạnh thời gian qua, bị bán tháo mạnh trong phiên để chuyển sang nhóm ngân hàng, bán lẻ khiến S&P 500 đảo chiều sau khi lên mức kỷ lục mới trong phiên và đặc biệt Nasdaq lao mạnh và chốt phiên với mức giảm hơn 1%.

Kết thúc phiên 4/12, chỉ số Dow Jones tăng 58,46 điểm (+0,24%), lên 24.290,05 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,78 điểm (-0,11%), xuống 2.639,44 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 72,22 điểm (-1,05%), xuống 6.775,37 điểm.

Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm

Đà lao dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ trên thị trường chứng khoán Mỹ phiên 4/12 đã khiến nhóm cổ phiếu các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn trên thị trường chứng khoán Nhật bị ảnh hưởng theo, khiến chỉ số Nikkei 225 tiếp tục giảm điểm trong phiên thứ Ba (5/12). Tuy nhiên, đà giảm được hãm bớt phần nào.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại quay đầu lao dốc sau phiên hồi nhẹ trước đó. Chứng khoán Hồng Kông hồi nhẹ trong phiên hôm trước nhờ cổ phiếu Tencent và cũng do cổ phiếu của đại gia Trung Quốc này quay đầu giảm sâu xuống mức thấp nhất 1 tháng trong phiên thứ Ba, đã kéo chứng khoán Hồng Kông lao dốc theo. Trong phiên, chỉ có nhóm năng lượng tăng nhẹ 0,3%, trong khi ngành IT giảm 3,03%, lĩnh vực tài chính giảm 0,9% và lĩnh vực bất động sản giảm 0,67%.

Tương tự, dù nhận thông tin tích cực về sự tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 3 tháng trong tháng 11, nhưng chứng khoán Trung Quốc đại lục vẫn đóng cửa với mức giảm nhẹ, giống như phiên trước đó.

Kết thúc phiên 5/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 84,78 điểm (-0,37%), xuống 22.622,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 295,48 điểm (-1,01%), xuống 28.842,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 5,94 điểm (-0,18%), xuống 3.303,68 điểm.

Thị trường vàng

Giá vàng thế giới phiên tối 4/12 trên thị trường Mỹ đóng cửa giảm nhẹ khi giới đầu tư lo lắng Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng này và dự báo sẽ tăng tiếp 3 lần nữa trong năm 2018 thay vì 2 lần như dự báo trước đó. Trong phiên giao dịch hôm nay trên thị trường châu Á và châu Âu, giá vàng thế giới chỉ lình xình quanh ngưỡng 1.275 USD/ounce.

Việc giá vàng thế giới lình xình khiến giá vàng trong nước cũng lình xình theo hướng giảm nhẹ theo trong ngày hôm nay. Trong đó, giá vàng SJC chỉ giảm nhẹ 10.000 đồng ở chiều bán ra, xuống mức 36,46 triệu đồng, trong khi chiều mua vào vẫn giữ ở mức 36,41 triệu đồng/lượng như cuối ngày hôm qua.

Trong khi đó, giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu giảm khá mạnh 70.000 đồng ở cả 2 chiều so với cuối ngày hôm qua, xuống 35,36 - 35,43 triệu đồng/lượng.

Các thông tin đáng chú ý khác

Những con số kỷ lục của nhà đầu tư ngoại trong tháng 11/2017

Không chỉ ghi nhận giao dịch mua ròng đạt kỷ lục, số lượng nhà đầu tư nước ngoài đổ bộ vào thị trường chứng khoán Việt tiếp tục ghi nhận những con số đột biến trong tháng 11/2017.>> Chi tiết

Tiền đâu chảy vào các cuộc bán vốn lớn?

Các đợt bán vốn lớn ở những doanh nghiệp đầu ngành, hoạt động kinh doanh hiệu quả đang đổ dồn vào tháng cuối năm. Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này đều đã tăng mạnh trước thông tin thoái vốn. Danh tính đối tác tham gia các đợt bán vốn được thị trường rất quan tâm.>> Chi tiết

Những đợt bán vốn bị dòng tiền lãng quên

Sức hấp dẫn từ hàng loạt thương vụ lên sàn và thoái vốn nhà nước của SCIC tại doanh nghiệp quy mô lớn trên thị trường chứng khoán cơ sở, cùng sự mới lạ của thị trường chứng khoán phái sinh khiến dòng tiền “bỏ lơ” nhiều đợt IPO.>> Chi tiết

Ông Phạm Quang Tùng thôi chức ở VDB để về BIDV

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định để ông Phạm Quang Tùng, thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), để chuyển công tác về làm việc tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).>>Chi tiết

Gia hạn cho vay bằng ngoại tệ: Việc đặng chẳng đừng…

Lần thứ 4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận thấy cần duy trì việc cho vay bằng ngoại tệ đối với nhu cầu thanh toán chi phí trong nước thực hiện phương án sản xuất hàng xuất khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nên dự kiến gia hạn cho vay bằng ngoại tệ đến 31/12/2018.>> Chi tiết

Làn sóng bán tháo tiền ảo bắt đầu?

Cơn sốt đầu cơ các đồng tiền ảo phát hành mới từ các đợt gọi vốn bằng tiền ảo (ICO) khiến bitcoin tăng giá phi lý. Thế nhưng, dự báo chỉ trong vòng mấy tháng nữa, nhà đầu tư sẽ ồ ạt bán coin để thu về tiền thực, khi đó không chỉ các đồng tiền ảo vô danh, mà ngay cả bitcoin cũng sẽ “vỡ” bong bóng.>> Chi tiết

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục